Có nước sạch, có nghề nhờ vốn

Thứ tư, ngày 21/03/2012 08:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Nếu không có vốn của Ngân hàng CSXH, một bộ phận ND nghèo sẽ khó có điều kiện được dùng nước sạch, có nghề mới”- ông Đặng Minh Hoàng - Chủ tịch Hội ND xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) lý giải.
Bình luận 0

Ông Hoàng cho biết, với diện tích mặt nước gần 300ha, lâu nay người dân Châu Bình vẫn phải bơm nước dưới kinh rạch, ao hồ lên dùng phèn lắng bùn để sử dụng.

img
Chị Đặng Thị Kiều (hàng trên) tại cơ sở may gia công.

Cả xã dùng nước sạch

Ông Hoàng thông tin: Năm 2007, ND trong xã được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Giồng Trôm cho vay Chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (NSH-VS-MT). Không chỉ hộ nghèo mà những hộ có nhu cầu làm công trình nước sạch sinh hoạt đều được Hội ND hướng dẫn làm thủ tục vay nguồn vốn này. Năm 2010, Hội kiến nghị với chính quyền xin lập Dự án “Sử dụng bình lọc khử khuẩn” thay bể chứa lắng phèn và đề nghị Ngân hàng CSXH tiếp tục cho ND vay vốn Chương trình NSH-VS-MT.

Dự án được Sở Khoa học - Công nghệ ủng hộ và Sở đã đầu tư bình lọc dung tích 200 lít/giờ (trị giá 4,1 triệu đồng/bình). Đến cuối năm 2011, 200 hộ trong xã đã có bình lọc nước. “Nếu tính cả số hộ vay vốn xây nhà tắm-nhà vệ sinh tự hoại, từ năm 2007-2011, Bình Châu có 600 hộ được Ngân hàng CSXH cho vay, trong đó 582 hộ sinh hoạt tại 20 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của Hội ND” - ông Hoàng cho biết thêm.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thích, ngụ ấp Bình Xuyên không có đất sản xuất nên quanh năm đi làm mướn. Năm 2010, được chi hội trưởng kiêm tổ trưởng TK&VV số 18 Huỳnh Ngọc Diễm giới thiệu, Ngân hàng CSXH cho anh vay 7 triệu đồng để mua bình lọc kết hợp xây nhà tắm-nhà vệ sinh tự hoại.“Có bình lọc diệt khuẩn rồi tôi yên tâm lắm”- anh Thích tâm sự.

Chị Trần Thị Đẹt - tổ trưởng tổ TK&VV số 10 cho biết: “Đến hết tháng 2.2012, trong tổng số 840 triệu đồng dư nợ tín dụng của 50 thành viên vay thực hiện 5 chương trình thì vốn Chương trình NSH-VS-MT đứng thứ hai sau vốn cho vay hộ nghèo. Nhờ đó hội viên trong tổ có điều kiện thực hiện tiêu chí 17 về môi trường xã NTM”.

Mở cơ sở may

Đầu năm 2012, Châu Bình vẫn còn gần 11% hộ nghèo, chủ yếu do không có hoặc có rất ít đất canh tác. Không có đất sản xuất, gia đình chị Phạm Thị Thu Vân ở ấp Bình Xuân dù chỉ có 3 miệng ăn nên vẫn nghèo. Năm 2010, chị Vân có ý định mở cơ sở may gia công cho một doanh nghiệp ở quận 8 TP.Hồ Chí Minh.

“Trong tổng số 158,5 tỷ đồng dư nợ 5 chương trình năm 2011 ngân hàng ủy thác qua 4 đoàn thể, thì Hội ND chiếm trên 60% với 6.117 hộ vay”.

Ý nguyện của chị đã được tổ TK&VV số 18 làm thủ tục giúp vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. Cộng với 12 triệu đồng của gia đình, chị mua 9 máy may. Chi hội còn hướng dẫn chị thành lập THT. Sau hơn 1 năm, gia đình chị không chỉ hết nghèo mà còn tạo việc làm cho 12 hội viên trong chi hội. Đầu năm 2012, chị mua 2.700m2 đất trồng lúa và mua thêm 3 máy may giao cho 3 hộ hội viên may tại nhà.

Chị Trần Thị Đẹt vừa được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng, cộng với 25 triệu đồng của nhà, chị mua 5 máy may và 1 máy vắt sổ để may gia công cho một doanh nghiệp ở quận Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh). “Bế giảng lớp may, tôi sẽ khai trương cơ sở may và nhận 10 lao động vào làm” - chị Đẹt cho biết.

Theo chị Đẹt, vốn vay giải quyết việc làm còn hỗ trợ hội viên thực hiện chương trình trồng bưởi da xanh của xã. Gia đình ông Nguyễn Trọng Nghĩa (vay 20 triệu đồng) chuyển 3.000m2 vườn tạp sang trồng bưởi da xanh, chanh. Thu hoạch chanh, ông trả ngân hàng 7 triệu đồng. “Vụ bưởi và chanh năm 2013 tôi sẽ trả xong nợ ngân hàng”- ông Nghĩa khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem