Thưa ông, sắp đến Tết Nguyên đán, việc người dân gọi điện vào đường dây nóng của Thanh tra Chính phủ để phản ánh tiêu cực, trong đó có việc lợi dụng biếu xén quà Tết như thế nào?
- Những tin báo mà người dân gọi điện đến phụ thuộc vào từng khoảng thời gian. Có những tuần chúng tôi nhận được tin báo liên tục đến. Người gọi điện vào Đường dây nóng của chúng tôi để tỏ thái độ đồng tình với việc Ban Bí thư ra Chỉ thị số 11 ngày 20.12.2016 về việc tổ chức Tết năm 2017 và chỉ đạo địa phương không phải về T.Ư chúc Tết của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phạm Trọng Đạt ghi lại những thông tin phản ánh về việc lợi dụng Tết sắp tới để biếu xén quà cáp cho lãnh đạo T.Ư. (Ảnh: Lương Kết)
Người dân gọi điện nói cấp TƯ như vậy là tốt. Nhưng họ cũng đặt vấn đề là ở địa phương có thực hiện được không? Người ta nói hiện nay tại một số địa phương, vẫn còn lãnh đạo không thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu, trong tổng kết, hội nghị. Việc hiếu, hỉ chưa thực hiện đúng theo Chỉ thị của Ban Bí thư.
Người dân cũng gọi điện nói với chúng tôi về tình trạng lợi dụng biếu xén tặng quà để vụ lợi. Họ phản ánh hiện tình trạng này không tập trung vào dịp gần Tết nữa mà rải rác quanh năm. Họ cũng báo đã phát hiện một số trường hợp đi lên T.Ư, lên Hà Nội để chúc Tết, biếu quà dưới hình thức đi dự hội nghị tổng kết hoặc đi làm việc.
Chúng tôi rất hoan nghênh những tin báo đó. Tuy nhiên trước mắt còn phải thẩm định, xác minh chứ chưa thể kết luận ngay được. Bên cạnh đó chúng tôi cũng cập nhật và phân tích những tin báo đó để xem thuộc về bộ, ngành, địa phương nào, sau đó đề nghị họ kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả.
Trung bình một ngày Đường dây nóng của Thanh tra Chính phủ nhận được bao nhiêu tin báo về tình trạng biếu xén quà Tết thưa ông?
- Tại thời điểm này, mỗi ngày 3 máy điện thoại Đường dây nóng của Thanh tra Chính phủ nhận được từ 18 đến trên 20 tin báo. Các tin báo đó chủ yếu tập trung vào vấn đề thực hiện chính sách tiết kiệm, phản ánh việc lợi dụng biếu, nhận quà Tết.
Điều đáng chú ý nữa là người gọi điện có hiến kế cho chúng tôi là phải trực tiếp kiểm tra thì mới tìm ra được vi phạm. Theo tôi nhận định, từ nay đến Tết và thời gian sau Tết chắc sẽ còn nhiều tin báo của người dân gọi đến.
Ông Đạt cho biết, lượng tin báo về biếu xén quà dịp Tết năm nay có khả năng ít hơn năm trước. (Ảnh: Dân trí).
Bằng kinh nghiệm của mình, theo ông tỷ lệ chính xác của tin báo về tình trạng lợi dụng dịp Tết để biếu xén quà cáp ở mức nào?
- Vần đề này đã được Đảng và Nhà nước đã tuyên truyền, đặc biệt thời gian gần đây có Chỉ thị của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ rất sớm nên nhiều địa phương, bộ ngành đã thực hiện tốt nên những tin báo liên quan đến việc lợi dụng biếu nhận quà Tết có thể giảm bớt đi. Mặc dù ít nhưng tôi thấy tin báo có chất lượng hơn.
Ở những cơ quan, đơn vị mà thủ trưởng lợi dụng dịp Tết để đi chúc Tết, biếu xén quà trái quy định bằng tiền của tập thể ra thì cán bộ ở cơ quan đó biết ngay. Bởi họ là người trong cuộc, trực tiếp xuất tiền, thậm chí trực tiếp đi cùng. Khi hết giờ làm ra khỏi cơ quan họ cũng là người dân, biết chuyện vi phạm họ báo. Những tin kiểu đó thường chính xác, đem lại hiệu quả cao.
Có trường hợp người dân gọi điện nói với tôi: “Có ông lãnh đạo ở tỉnh lên TƯ chúc Tết, mang bằng này tiền đấy. Tôi đã khuyên can nhưng ông đó không nghe nên tôi phải báo lại cho Thanh tra Chính phủ biết". Kiểu tin báo này thì chỉ có người trong cuộc mới biết nên độ chính xác cao.
So với năm ngoái, lượng tin báo về biếu xén quà dịp Tết năm nay có khả năng ít hơn nhưng chúng tôi hy vọng chất lượng sẽ cao hơn. Bởi vì đã có Chỉ thị của Ban Bí thư, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những lãnh đạo ở địa phương nào đó không tuân thủ thì sẽ bị những người xung quanh để ý và phát hiện ngay.
- Xin cảm ơn ông!
Vừa qua, Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã công bố 3 số điện thoại Đường dây nóng để tiếp nhận tố cáo, phản ánh về tham nhũng, lợi dung biếu xén tặng quà Tết trái quy định là 08.048228; 0902.386.999 và 0125.698.6688.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.