Cổ phiếu Vietjet liên tiếp tăng trần, ai sẽ được lợi?

Hoàng Thắng Thứ sáu, ngày 03/03/2017 05:00 AM (GMT+7)
Chỉ sau 3 phiên giao dịch, Vietjet Air đã lọt vào nhóm 15 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn giao dịch HoSE.
Bình luận 0

Vietjet tăng trần, cả nền kinh tế hưởng lợi

Hôm nay (2.3), đánh dấu phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của mã cổ phiếu VJC của Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air). Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu VJC tiếp tục tăng thêm 8.000 đồng, lên 123.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 6,93%, với hơn 190.000 cổ phiếu được giao dịch. Hiện VJC vẫn còn dư mua hơn 1,2 triệu đơn vị.

Trước đó, ngày 28.2, 300 triệu cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với giá tham chiếu là 90.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi chào sàn, cổ phiếu VJC đã nhanh chóng tăng trần hết biên độ lên 108.000 đồng/cổ phiếu với hơn 12.000 cổ phiếu được chuyển nhượng. Bước sang phiên giao dịch ngày 1.3, VJC tiếp tục tăng trần lên 115.500 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cũng tăng lên khi có hơn 99.000 cổ phiếu được sang tay.

Như vậy, chỉ sau 3 phiên giao dịch, cổ phiếu VJC đã tăng thêm 37%. Tại mức giá 123.500 đồng/cổ phiếu, hãng hàng không này có giá trị vốn hóa thị trường 37.050 tỷ đồng, tương đương 1,63 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân cổ phiếu VJC tăng giá bắt nguồn từ cơ cấu cổ đông khá tập trung của hãng và tâm lý tích cực của thị trường với cổ phiếu của Vietjet Air. Theo một báo cáo được Công ty Chứng khoán Bảo Việt công bố cách đây ít ngày, dựa trên so sánh thị phần của Vietjet Air và Vietnam Airlines trên thị trường hàng không nội địa Việt Nam lần lượt ở mức 41,5% và 42,5%, các chuyên gia phân tích định giá cổ phiếu VJC ở mức 143.400 đồng. Còn ông Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) từng đưa ra một mức giá kỳ vọng cao hơn nữa cho VJC, đó là 150.000 đồng.

Với mức tăng ấn tượng trong 3 ngày vừa qua, người đầu tiên được hưởng lợi chính là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air. Tổng tài sản của bà Thảo trên sàn chứng khoán sau 3 phiên giao dịch đã tăng từ 9.270 tỷ đồng lên 12.720 tỷ đồng, vươn lên đứng vị trí thứ 3 trên sàn chứng khoán, xếp sau hai ông Trịnh Văn Quyết và Phạm Nhật Vượng. Theo kế hoạch, trong quý I - 2017, Vietjet Air sẽ chào bán thêm 22,38 triệu cổ phiếu với giá 86.400 đồng/cổ phiếu cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny do bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc của Vietjet – đồng thời là chủ sở hữu 100% vốn. Nếu thương vụ này thành công, tổng tài sản của bà Thảo sẽ sớm tiệm cận ông Trịnh Văn Quyết và ông Phạm Nhật Vượng.

img

Tài sản của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo tăng hơn 3.000 tỷ sau 3 ngày lên sàn

Còn với các nhà đầu tư nước ngoài, sự kiện Vietjet lên sàn không phải cơ hội đầu tư lướt sóng, mà xa hơn là những kỳ vọng đặt vào một thị trường hàng không giàu tiềm năng với gần 100 triệu dân. Bằng chứng là trong năm 2016, đã có hơn 300 tổ chức và cá nhân tham gia đặt mua cổ phiếu Vietjet. Trong số này có nhiều  đơn vị tài chính, quỹ đầu tư lớn như GIC, Morgan Stanley, Mirae Asset, Dragon Capital, VinaCapital... Theo nhiều chuyên gia, thị trường cổ phiếu chắc chắn sẽ rất ưa thích hãng Hàng không tư nhân giá rẻ Vietjet Air với số lượng máy bay chỉ bằng 45% so với Vietnam Airlines nhưng chiếm thị phần gần tương đương nhờ những chiến dịch marketing hướng tới phân khúc khách hàng có thu nhập khá. Điều này có nghĩa thêm nhiều sẽ người được sử dụng loại hình dịch vụ vận tải hàng không với chi phí thấp. Từ đó, chất lượng sống cũng sẽ được nâng lên nhờ văn minh đi lại, các vùng kinh tế địa phương sẽ nhộn nhịp hơn với hoạt động thu hút đầu tư và du lịch.

Những cổ đông nước ngoài hiện đang nắm giữ 73 triệu cổ phần, tương đương 24,33% vốn của Vietjet Air sẽ được hưởng lợi nhờ hình thức hợp tác win - win này. Nôi bật trong số đó là Quỹ đầu tư Goverment of Singapore (GIC) và Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL). Với việc sở hữu hơn 16,4 triệu cổ phiếu tương đương 5,48% vốn, GIC đang nắm trong tay khối tài sản trị giá hơn 2.030 tỷ đồng, nhiều hơn 630 tỷ đồng so với khoản tiền đầu tư ban đầu của GIC vào Vietjet. Còn VEIL cũng đang kiếm lời hàng trăm tỷ đồng sau khi bỏ ra gần 980 tỷ đồng để sở hữu  3,9% vốn của Vietjet.

Nhưng còn một đối tác quan trọng khác được hưởng lợi, đó chính là nền kinh tế đất nước. Một nguồn vốn khá lớn được huy động, đặc biệt là nguồn vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài sẽ là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế. Đặc biệt là khi Vietjet không giấu giếm tham vọng trở thành hãng hàng không toàn cầu, đồng nghĩa với tăng cơ hội việc làm, nhiều ngành nghề khác cùng tham gia, nhà nước có thêm nhiều nguồn thu ngân sách.

Gặt trái đắng vì say sóng Vietjet

Trào lưu ăn theo sóng ngành đã từng giúp nhiều nhà đầu tư kiếm bộn tiền. Năm 2016, khi Sabeco, Habeco lên sàn niêm yết, những cổ phiếu bia từng án binh bất động nhiều năm đã dậy sóng giúp những người ăn theo kiếm được bộn tiền.

imgNhiều người vỡ mộng khi gom mua cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines

Trước ngày Vietjet lên sàn, với kỳ vọng sóng hàng không sẽ đẩy giá cổ phiếu ngành hàng không lên cao, nhiều nhà đầu tư đã gom mua cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines. Những phiên giao dịch hàng triệu cổ phiếu bắt đầu xuất hiện, nhất là khi, cổ phiếu này rơi về vùng 33.000 đồng/cổ phiếu cùng áp lực chốt lãi của Techcombank. Song HVN chỉ bứt phá được một phiên ngay trước ngày VJC niêm yết. Tới ngày VJC lên sàn, HVN tiếp tục tăng 3.200 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó, cổ phiếu đảo chiều giảm trong sự tiếc nuối của nhà đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28.2, cổ phiếu HVN giảm xuống chỉ còn 36.252 đồng/cổ phiếu. Sang ngày 1.3, HVN dù được khối ngoại mua ròng với giá trị 1,01 tỷ đồng, song giá trị vẫn giảm xuống còn 34,699. Trong 3 ngày qua, khối lượng cổ phiếu HVN giao dịch trên sàn UpCom cũng giảm dần từ 4,3 triệu, xuống 2,1 triệu, rồi 1,2 triệu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem