Cổ phiếu “vua” bị khuyến nghị tiêu cực nửa cuối năm 2020, vì sao?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 04/09/2020 08:53 AM (GMT+7)
Tác động của cắt giảm lãi suất huy động sẽ được phản ánh rõ hơn trong nửa cuối năm. Số dư nợ được tái cơ cấu sẽ gia tăng, làm giảm NIM; lợi nhuận giảm nhiều do nhiều ngân hàng tăng trích lập dự phòng… là những nguyên nhân khiến cổ phiếu “vua” bị khuyến nghị tiêu cực.
Bình luận 0
Cổ phiếu “vua” bị khuyến nghị tiêu cực nửa cuối năm 2020, vì sao? - Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu "vua" bị nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị tiêu cực trong nửa cuối năm 2020 (Ảnh: IT)

Dữ liệu từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính các ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu trong nửa cuối năm 2020, mặc dù thời hạn của Thông tư 01 có thể được kéo dài để trì hoãn thời gian ghi nhận nợ xấu.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm của ngành ngân hàng ước tính giảm -22,1% so với cùng kỳ, do thu nhập hoạt động (TOI) giảm (-4% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng tăng (+47,8% so với cùng kỳ).

"Mặc dù ngành ngân hàng báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận khá trong 6 tháng đầu năm là 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ở phía trước vẫn còn những rủi ro lớn và lợi nhuận ròng ngành ngân hàng có thể chịu áp lực đáng kể trong nửa cuối năm 2020 (-22% so với cùng kỳ), và phục hồi vào năm 2021. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên xem xét lại ngành này vào đầu năm sau", SSI Research nêu quan điểm.

Ngành ngân hàng năm 2021 sẽ ra sao?

Năm 2021, tất cả các nguồn thu nhập của ngân hàng được ước tính sẽ phục hồi, nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng phục hồi lên mức 9-10%, chủ yếu nhờ đầu tư công được đẩy mạnh trong 2021, đặc biệt là nửa cuối năm 2021. Đây sẽ là chất xúc tác tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực cũng như tất cả các nhóm khách hàng từ DN lớn, đến DN nhỏ và vừa và cá nhân, giúp nhu cầu vay phục hồi.

Thứ 2, NIM (biên lãi ròng) các ngân hàng có thể tăng nhẹ do áp lực huy động vốn dài hạn giảm. Việc CASA (tiền gửi không kỳ hạn) vẫn đang trong quá trình liên tục cải thiện, dư địa để tối ưu hóa tỷ lệ LDR (dư nợ tín dụng/vốn huy động). Việc trì hoãn giảm mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm nữa (Thông tư 08) là những yếu tố chính cho phép các ngân hàng cải thiện NIM vào năm 2021.

Thứ 3, tăng trưởng thu nhập phí phục hồi. Vào năm 2020, các dịch vụ thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại chịu ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động giao dịch giảm trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Thu nhập từ bancassurance cũng bị ảnh hưởng tiêu cực vào tháng 4/2020 khi giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các nguồn thu nhập này sẽ tăng trở lại vào năm 2021 cùng với sự phục hồi kinh tế chung trong nửa cuối năm 2021.

Cổ phiếu “vua” bị khuyến nghị tiêu cực nửa cuối năm 2020, vì sao? - Ảnh 2.

NIM các ngân hàng được dự báo trong năm 2021 (Nguồn: SSI)

Dù vậy, Công ty CP Chứng khoán SSI vẫn dự báo, dựa trên kịch bản cơ sở mới rằng Covid-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021, và thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm 2021. Do đó, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu nổi lên mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022.

"Chúng tôi ước tính nợ xấu tại thời điểm cuối năm sẽ tăng 17% và 14% so với cùng kỳ vào năm 2020 và 2021. Theo đó, chi phí tín dụng sẽ lần lượt là 1,67% và 1,64%", SSI Research, dự báo.

Nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng nào thời điểm này?

Trước đó, khá nhiều ý kiến cho rằng, trong nửa cuối năm 2020, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục là lực đỡ cho thị trường. Ngoài ra, việc các ngân hàng sẽ thực hiện nới room ngoại theo cam kết tại Hiệp định EVFTA sẽ là một "chất xúc tác" khiến cổ phiếu "vua" đang niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ… thăng hoa. 

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận các nhà đầu tư vẫn giữ quan điểm khá thận trọng về nhóm cổ phiếu ngân hàng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, đặc biệt là lo ngại về những khoản nợ xấu được "che đậy lại" dưới "chiếc áo" cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Cổ phiếu “vua” bị khuyến nghị tiêu cực nửa cuối năm 2020, vì sao? - Ảnh 3.

Lợi nhuận ngành ngân hàng dự phóng năm 2021 (Nguồn: SSI)

Trong khi đó, một khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng đang bước vào giai đoạn khó khăn bởi thanh khoản của nhiều khách hàng đang rơi vào tình trạng báo động, nợ xấu của các ngân hàng có thể gia tăng do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Cổ phiếu “vua” bị khuyến nghị tiêu cực nửa cuối năm 2020, vì sao? - Ảnh 4.

Thu nhập ròng từ phí và hoa hồng của các ngân hàng (Nguồn: SSI)

Do vậy, sẽ không ngạc nhiên khi nhiều công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị tiêu cực với nhóm cổ phiếu vua trong nửa cuối năm 2020.

Tại Công ty Chứng khoán VNDirect, đơn vị này khuyến nghị nhà đầu tư xem xét cổ phiếu của các ngân hàng có nền tảng tốt, khả năng tăng trưởng và có mức định giá hợp lý. Đặc biệt, thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn.

Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra khuyến nghị tiêu cực với nhóm cổ phiếu vua. Dù vậy, đi sâu vào mã chứng khoán cụ thể, công ty này lại "ưa thích" ACB và MBB. Trong đó, với ACB, nhà băng này được đánh giá cao nhờ phương thức cho vay thận trọng và danh mục cho vay đa dạng, giúp phục hồi lợi nhuận. Đặc biệt là nền tảng bancassurance khá vững chắc của nhà băng này.

Trong khi đó, MBB ước tính sẽ xử lý phần lớn nợ xấu vào năm 2020, trong khi lợi nhuận sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn, và ước tính tăng trưởng vững chắc vào năm 2021. Việc tái cơ cấu Mcredit cũng giúp giảm thiểu rủi ro.

Còn VCB nằm trong danh sách theo dõi dựa trên các yếu tố cơ bản tốt và ngân hàng có khả năng phục hồi và vượt qua khó khăn. Mặc dù ước tính lợi nhuận của ngân hàng năm 2020 có thể bị ảnh hưởng do các biện pháp hỗ trợ khách hàng cũng như trích lập dự phòng thận trọng, nhưng lợi nhuận VCB sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem