Cổ phiếu "zombie" địa ốc và những trái đắng của “game tài chính”

Nguyễn Tường Thứ năm, ngày 27/07/2017 12:57 PM (GMT+7)
Hàng loạt mã cổ phiếu địa ốc mất dần sức sống, thành “cổ phiếu zombie” (giá trị vài nghìn/cổ phiếu) trên thị trường. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp địa ốc bỏ lơi giá trị lõi để chạy theo các game tài chính.
Bình luận 0

img

Nhà đầu tư cổ phiếu nên cẩn trọng với những những “game tài chính” để tránh cổ phiếu zombie

Con đường “cổ phiếu zombie”

Vạn Phát Hưng (Hose: VPH), một mã cổ phiếu một thời từng là “hàng hot” trong rổ cổ phiếu địa ốc. Tỷ lệ khớp lệnh trung bình trong 10 phiên giao dịch gần nhất của VPH khoảng hơn 300 nghìn CP. Con số này chỉ như hạt cát giữa đại dương so với tổng số gần 53 triệu CP đang lưu hành. Giá CP VPH đang giao dịch quanh mức 11 nghìn đồng/CP, mất nhiều giá trị so với mức giá 36 nghìn đồng/CP tại phiên giao dịch đầu tiên năm 2009.

Từng nắm giữ lượng tài sản khủng ở khu vực phía Tây Nam Sài Gòn như KDC Phú Mỹ (22ha), Phú Xuân (36,4ha), Phú Thuận (3,3ha), đây chính là lý do CP gây sức hút. Tuy nhiên, trải qua một quá trình dài kinh doanh èo uột, CP bắt đầu tụt dốc. Vốn điều lệ của DN chưa đến 500 tỷ đồng, quá mỏng nên không thể triển khai được các dự án có quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Suốt từ năm 2010 đến năm 2014, lợi nhuận hàng năm của công ty cũng chỉ ở mức “tượng trưng” và giá cổ phiếu xuống đến mức chỉ còn 2 - 3 nghìn đồng/CP.

Quỹ đất dần dần được “bán sỉ” cho các đối tác, kèm theo đó là những đợt sóng CP. Gần đây nhất, VPH tiếp tục bán hai block cuối cùng của dự án Lacasa cho liên doanh Creed-An Gia Investment. CP dựng đứng lên mức 13 nghìn đồng/CP. Tuy nhiên, sự hào hứng không kéo dài được lâu. VPH bắt đầu đi xuống với sắc đỏ ngập sàn và lượng giao dịch èo uột. Trong bối cảnh đó, DN này sắp phát hành thêm 23 triệu CP để tăng vốn điều lệ. Không có nhiều tài sản hiện hữu và bán dần quỹ đất, theo các chuyên gia tài chính, việc VPH huy động vốn trên kênh chứng khoán ở thời điểm này là bài toán khó vì sức sống của CP đã không còn, bất chấp thông tin cổ tức đầy hứa hẹn.

img

Bán sỉ dần tài sản, cổ phiếu VPH mất dần sức sống

Một mã khác không ngoài dự đoán của giới chuyên môn là QCG của Quốc Cường Gia Lai đang quay đầu giảm điểm sau cơn “hưng phấn” bất thường cách đây ít lâu. Sau khi gần chạm mốc 30 nghìn đồng/CP, mã QCG quay đầu giảm mạnh. Có thể dễ dàng nhận thấy làn sóng “tháo chạy” ồ ạt khi lượng giao dịch trung bình của QCG chưa đến 300 nghìn CP mỗi phiên so với hơn 275 triệu CP đang lưu hành. Cú đột phá của QCG được tạo lập trên thông tin sang nhượng dự án Phước Kiểng cho DN con của Vạn Thịnh Phát và tất toán khoản vay tại BIDV.

Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư vỡ vụn sau khi đích thân giới chủ DN phủ nhận thông tin này cách đây ít lâu. Nợ lớn, dự án Phước Kiểng chưa thể sang nhượng và cũng chưa thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng. Thực tế kinh doanh đang kéo sức hút của CP lao dốc. Mức tăng giá trị từ 6 nghìn đồng/CP lên gần 30 nghìn/CP bị đặt một dấu hỏi lớn trong bối cảnh bết bát của DN.

Mặt trái của “game tài chính”

Ông H, Chủ tịch HĐQT DN địa ốc có số vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường cho rằng, đang có trào lưu DN chạy theo “game tài chính”. Những DN mất khả năng tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường thật tìm cách biến hóa để kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán. Những mã cổ phiếu tăng trưởng một cách bất thường chỉ sau một thông tin vô thưởng vô phạt, trong khi thực tế DN không có chiến lược dài hạn.

Điều này đẩy rủi ro lớn vào nhà đầu tư đến sau. Bản thân DN cũng đi vào bế tắc. Nghiêm trọng hơn là đẩy thị trường vào niềm tin ảo, gây mất tin tưởng đối với những DN phát triển bền vững. Đối tượng được lợi là giới chủ và “tổ lái” vì chủ động tạo sóng và biết nút thắt các biến động để chọn thời điểm gom hoặc tháo CP. Theo ông H, đây là cách làm ăn không chân chính khi giới chủ không xem DN là “đứa con” của mình, mà chỉ thông qua nó để kiếm lợi riêng. Thị trường từng chứng kiến chủ một DN lớn thoái hàng chục triệu CP ở mức 12 nghìn đồng/CP sau đó thả nổi DN và kết quả là CP DN này rơi dựng đứng, đang chạm mức 3 nghìn đồng/CP và sắp trở thành… giấy lộn. DN nghiệp này từ chỗ dẫn đầu thị trường nhà ở giá rẻ trở thành “xác rỗng” lay lắt tìm hướng tồn tại.

img

Dự án Phước Kiểng chưa có lối thoát, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai biến động theo kịch bản khôn lường

Chủ tịch HĐQT công ty LDG Nguyễn Khánh Hưng cho rằng tạo ra một “game tài chính” không khó, chỉ cần tạo ra một thông tin tích cực, ví dụ như ký hợp đồng ghi nhớ hợp tác hàng nghìn tỷ đồng rồi công bố trên thị trường. “Tổ lái” sẽ vào cuộc, gom lượng lớn CP tạo giao dịch và thanh khoản để lôi kéo nhà đầu tư sau đó thoái CP chốt lời. Tuy nhiên, đây là một cách làm ăn không bền vững.

Việc các DN sử dụng đòn bẩy tài chính là rất bình thường. Tuy nhiên, sử dụng sai thì không khác gì “leo lưng cọp”. Đối với một DN, cơ cấu chiến lược đầu tư là yếu tố then chốt, dựa trên các danh mục đầu tư để phân phối kênh huy động vốn, trên cơ sở vốn chủ sở hữu ở mức an toàn và tổng tài sản lớn hơn danh mục nợ. “Giá trị tài sản và chiến lược kinh doanh tốt mới là yếu tốt quyết định sức hút của CP trong mắt nhà đầu tư. Nếu lạm dụng “game tài chính” thì chỉ có thể kiếm lợi một lần, sau đó dễ dẫn tới cảnh chết lâm sàng” - ông H thẳng thắn.

Trong cơn “biến loạn” CP QCG, theo giới đầu tư, có một “kịch bản” làm giá CP khi tung tin đồn về việc sang nhượng dự án Phước Kiểng để hút nhà đầu tư, sau đó phủ nhận thông tin này. Khi CP lao dốc, những người tham gia càng về sau càng lỗ nặng. Nếu những nhà đầu tư này chứng minh được thiệt hại do thông tin trên thì DN hoàn toàn có thể bị xử lý về hành vi thao túng CP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem