Cơ sở hạ tầng giao thông là điểm yếu cản trở phát triển kinh tế đêm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Cơ sở hạ tầng giao thông là điểm yếu cản trở phát triển kinh tế đêm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 07/07/2023 13:29 PM (GMT+7)
Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có tỷ lệ đường quốc lộ so thấp nhất trong 7 vùng kinh tế, chiếm 10,9%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cả nước. Đây là một trong những "điểm yếu" cản trở phát triển kinh tế đêm của vùng.
Đây là nhận định của PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, tại Hội thảo "Phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh ĐBSCL", diễn ra sáng nay (7/7), tại TP.HCM.
Kinh tế đêm ở khu vực ĐBSCL phát triển ra sao?
Theo tìm hiểu của Dân Việt, kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở khu vực ĐBSCL hiện chỉ phát triển ở 2 TP lớn là TP Cần Thơ và Phú Quốc.
Cụ thể, tại Cần Thơ, trong những năm qua KTBĐ đã được hình thành dựa trên nhu cầu và tập trung ở các hoạt động dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 22 giờ; các tụ điểm karaoke, quán bar,… hoạt động tới 3 giờ sáng. Ngoài ra, ở TP này còn có cầu đi bộ tại Bến Ninh Kiều và tuyến phố đi bộ, ẩm thực Hai Bà Trưng dài hơn 800m cũng là những nơi kinh tế về đêm phát triển.
Bên cạnh đó, UBND TP Cần Thơ cũng đã ra Quyết định số 3362/QĐ-UBND (ngày 9/9/2022) phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển KTBĐ trên địa bàn.
Mục tiêu của đề án nhằm tạo ra sản phẩm dịch vụ đa dạng, hấp dẫn, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí vào ban đêm cho cư dân thành phố, khu vực ĐBSCL và khách quốc tế có lộ trình thực hiện từ 2022-2024 thí điểm tại Quận Ninh Kiều,…
Đối với Phú Quốc, khu trung tâm Dương Đông, Làng chài Hàm Ninh chuyên ẩm thực, các quán cà phê, bar bãi biển, các khu chợ đêm, khu công viên VinWonder Phú Quốc… là những hoạt động của KTBĐ đang được triển khai phục vụ khách du lịch đến đảo.
"Hai mô hình KTBĐ của Cần Thơ và Phú Quốc sẽ là điều kiện thuận lợi để tạo ra nền KTBĐ vùng lõi, giúp cho các tỉnh xung quanh thuộc ĐBSCL cùng phát triển", PGS.TS Phạm Tiến Đạt, nói.
Tuy nhiên, để phát triển KTBĐ "lan rộng" ra khắp khu vực ĐBSCL không phải là điều dễ dàng, cần phải nghiên cứu các lợi ích và rủi ro mà KTBĐ mang lại để xem xét tính khả thi của việc hình thành và phát triển KTBĐ ở các tỉnh vùng ĐBSCL trên cơ sở thực trạng hiện tại của vùng.
TS. Lê Trung Đạo, Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Tài chính - Marketing nhận định, dù KTBĐ đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, nhưng phát triển KTBĐ cũng kéo theo nhiều tác động tiêu cực nếu không được quy hoạch và quản lý tốt.
Cụ thể, phát triển KTBĐ có thể làm gia tăng các hành vi bạo lực, chống đối, các hành vi vi phạm pháp luật ở các khu vực diễn ra hoạt động KTBĐ do uống rượu, buôn bán ma tuý, trộm cắp, cướp bóc... Ngoài ra, hoạt động KTBĐ thường đi cùng với giao dịch tiền mặt, kết nối thế giới ngầm và giao dịch "bán hợp pháp hoặc bất hợp pháp".
Nhiều chuyên gia cũng nhận định tại Hội thảo, rằng KTBĐ cũng làm gia tăng chi phí cung cấp dịch vụ công, tăng chi ngân sách địa phương như các chi phí về chăm sóc sức khỏe, ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng; chi phí cho việc đảm bảo an ninh, trật tự, giải quyết các vấn đề do bạo lực đêm khuya gây ra.
"Đặc biệt, ngân sách địa phương sẽ phát sinh thêm các khoản mục chi phí liên quan, như: giám sát việc thực thi và tuân thủ các giấy phép về kinh doanh công cộng và giải trí; lắp đặt hệ thống giám sát camera; bộ phận dịch vụ vệ sinh môi trường;…", một chuyên gia nhận xét.
Rất nhiều "rào cản" cản trở phát triển KTBĐ khu vực ĐBSCL
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển KTBĐ khu vực ĐBSCL.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho hay, một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề hạ tầng đường bộ. Đây là một điểm nghẽn cơ bản kìm hãm sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Cụ thể, theo ông Đạt, ĐBSCL là một trong hai vùng có tỷ lệ đường quốc lộ so thấp nhất trong 7 vùng kinh tế, chiếm 10,9%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cả nước. Hiện tại Vùng ĐBSCL mới chỉ có 90km đường cao tốc và 30km đang xây dựng. ĐBSCL cũng có chỉ số chất lượng đường quốc lộ thấp hơn mức bình quân cả nước và đứng thứ 2 từ dưới lên, chỉ cao hơn vùng Bắc Trung Bộ và thua cả Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
ĐBSCL chỉ có 6,7% chiều dài đường cao tốc cả nước, chỉ cao hơn Tây Nguyên và thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP của ĐBSCL cho cả nước.
"Giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò quan trọng ở ĐBSCL nhưng lại thiếu đầu tư và khai thác đúng mức", ông Đạt nhận định.
Trong khi đó, giao thông đường sắt chưa được quy hoạch và xây dựng. Dự án đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch từ năm 2013 nhưng chưa được triển khai.
Ngoài vấn đề giao thông, hàng loạt rào cản khác được ông Đạt nhắc đến là: Chất lượng cơ sở hạ tầng thương mại, thông tin, nguồn lao động và sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh còn hạn chế; Các hoạt động KTBĐ mới chỉ ở quy mô nhỏ, các sản phẩm dịch vụ KTBĐ còn nghèo nàn, đơn điệu, phát triển ở quy mô nhỏ; Cơ chế, chính sách cho phát triển KTBĐ chưa rõ ràng...
GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng đề xuất, để phát triển KTBĐ khu vực ĐBSCL cần hoàn thiện hàng loạt giải pháp: Đẩy mạnh hoạt động quảng bá tài nguyên thiên nhiên của vùng ĐBSCL; Hoàn thiện thể chế và môi trường; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu việc làm cho phát triển kinh tế đêm; Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo an ninh cho nhà đầu tư, khách du lịch.
"Nhà nước cần chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển KTBĐ. Trong đó, tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia KTBĐ.
Đặc biệt, cần phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động KTBĐ trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển KTBĐ", bà Cành khuyến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.