Bạn đọc hỏi: Tôi có người thân trên đường đi làm về gặp tai nạn giao thông sau đó được chẩn đoán là gãy chân và nhập viện điều trị. Thời gian sau có đi tái khám và nghỉ ốm hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Tuy nhiên theo như xác định của cơ quan chức năng, do tai nạn lao động (TNLĐ) nên cần có biên bản xác nhận giấy tờ liên quan. Người thân nhà tôi có đi giám định thương tật, có biên bản giám định của hội đồng, sau đó gửi hồ sơ đầy đủ.
Cơ quan BH huyện từ chối do đã thanh toán bảo hiểm ốm đau. Nay tôi xin hỏi có được hoàn lại thủ tục hưởng ốm đau, để hưởng tai nạn lao động theo quy định không? Xin đựơc hướng dẫn.
Tại điểm c khoản 1 và khoản 2 điều 45 Luật An toàn vệ sinh, lao động quy định điều kiện hưởng chế độ TNLĐ đối với người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN là bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động theo quy định tại khoản 1 điều 50 Luật An toàn vệ sinh, lao động được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
Mặt khác, tại điểm b khoản 2 điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định không giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do TNLĐ, BNN.
Do đó, trường hợp người lao động bị tai nạn trên tuyến đường từ nơi làm việc về nơi ở, được đoàn điều tra tai nạn lao động có thẩm quyền kết luận là tai nạn lao động và được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên được giải quyết hưởng chế độ TNLĐ.
Trường hợp người lao động đã được giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với thời gian điều trị TNLĐ, cơ quan BHXH sẽ thu hồi số tiền trợ cấp ốm đau đã chi trả và thực hiện giải quyết chế độ TNLĐ đối với người lao động theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.