Có thể trồng hàng trăm nghìn ha ngô trên vựa lúa

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 25/07/2015 06:05 AM (GMT+7)
Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc ứng dụng thành tựu từ công nghệ cây trồng biến đổi gen (BĐG) sẽ góp phần tăng thêm sản lượng ngô cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bình luận 0

Sẽ cần hơn 34 triệu tấn thức ăn chăn nuôi

Theo Viện Lúa ĐBSCL, cây BĐG có thể giúp tăng năng suất, sản lượng, hạn chế tác hại của sâu, bệnh, cỏ dại, tăng sức chống chịu đối với khô hạn, xâm nhập mặn, ngập úng... Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang phụ thuộc 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) nhập khẩu từ nước ngoài. Theo tính toán, cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi trong nước, thời gian tới, Việt Nam cần một lượng lớn thức ăn  với 28,1 triệu tấn vào năm nay và khoảng 34,4 triệu tấn vào năm 2020. Vì vậy, việc trồng cây BĐG sẽ giúp giảm tỷ lệ nguồn nguyên liệu nhập phải nhập khẩu.

img

Người dân huyện An Phú (An Giang) trồng ngô biến đổi gen. Ảnh:  Huỳnh Xây 

Theo TS Glick Harvey - Giám đốc Chính sách và pháp chế vùng châu Á-Thái Bình Dương (Tập đoàn Monsanto), trước đây người dân ít quan tâm đến việc lựa chọn cây giống, nhưng từ khi có cây BĐG, người dân dần có thói quen lựa chọn hơn. Cho đến nay, nhiều báo cáo khoa học trên thế giới về cây trồng BĐG cũng chưa ghi nhận trường hợp nào là có hại cho sức khoẻ con người. “Tới đây, chúng tôi sẽ đưa ra nhiều giải pháp hơn để tăng lợi nhuận cho người dân từ việc trồng loại cây này”- TS Glick Harvey nói.

TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), cũng cho rằng: “Sử dụng cây trồng BĐG ở nước ta là một hướng đi cần thiết theo lộ trình nhất định. Nhiều năm qua, các nghiên cứu về cây trồng BĐG đã được các viện, trường và các trung tâm sinh học nghiên cứu. Gần đây Bộ NNPTNT vừa công nhận 4 giống ngô BĐG chính thức được sản xuất đại trà tại Việt Nam, các giống ngô này đã được công nhận chính thức và bổ sung vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất và kinh doanh tại nước ta”.

Có thể trồng hàng trăm nghìn ha ngô ở ĐBSCL

  "Chúng ta phải cân nhắc về việc thị trường tiêu thụ, xem quốc gia nhập khẩu có chấp nhận không. Bởi người dân các nước trên thế giới rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Đây không phải là vấn đề kỹ thuật nữa mà là vấn đề kinh tế, chính trị của Việt Nam và của các nước trên thế giới”.
PGS-TS Mai Thành Phụng

Riêng về cây ngô, theo TS Phạm Văn Dư, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 4-5 triệu tấn ngô sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, chỉ tính trong hơn nửa đầu năm nay con số này đã là trên 4 triệu tấn. Như vậy, thị trường cây ngô là rất lớn và sẵn có. Như vùng ĐBSCL, khi thực hiện tái cơ cấu, có thể cho phép phát triển cây ngô từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn ha ngô là hoàn toàn có thể thực hiện được. “Hiện chúng ta có 3 vụ lúa, có thể sử dụng chuyển đổi hoàn toàn 1 vụ lúa sang 1 vụ ngô. Năng suất ngô ở ĐBSCL là rất cao, đã được nghiên cứu khá đầy đủ”- TS Dư khẳng định.

Tuy nhiên, cũng theo một báo cáo mới đây của Bộ NNPTNT, mặc dù định hướng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô ở ĐBSCL đã có, nhưng hiện diện tích chuyển đổi còn rất chậm, tính từ năm 2014 đến nay, toàn vùng mới chuyển đổi được trên 6.000ha ngô. Nguyên nhân chính là do chưa quy hoạch được vùng và xác định vụ chuyển đổi; mức độ cơ giới hóa chưa cao, nhất là khâu làm đất và gieo hạt; nông dân hoàn toàn chưa có kinh nghiệm và hiểu biết trong canh tác ngô. Đặc biệt, sau thu hoạch mạng lưới thu mua, sấy và lưu trữ ngô còn rất ít, hạn chế. Đây chính là những vấn đề đang cản trở quá trình chuyển đổi bớt đất trồng lúa sang trồng ngô.

 Theo PGS-TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), chúng ta phải có chiến lược khôn ngoan, không lệ thuộc vào bên bán giống BĐG, tránh độc quyền, nếu không thì giá cây giống sẽ tăng lên cao.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem