"Thợ" sạ lúa kiểu mới giúp nông dân Hòn Đất nhàn tênh, lúa tốt bời bời, lợi nhuận tăng rõ rệt

Thiên Hương Thứ tư, ngày 17/08/2022 14:00 PM (GMT+7)
Nhờ kỹ thuật sạ lúa theo cụm bằng máy, các hộ dân tham gia mô hình ở xã Nam Thái Sơn (huyện Hòn Đất - Kiên Giang) chỉ cần 50kg lúa giống/ha (giảm 30kg so với sạ lan), không tốn công làm mạ. Đặc biệt, sạ lúa theo cụm giúp đồng ruộng thông thoáng, lúa tốt trĩu bông, cho năng suất cao.
Bình luận 0

"Thợ" sạ lúa kiểu mới giúp nông dân Hòn Đất nhàn tênh

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn ở  khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thời gian qua Kiên Giang đã tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa, đẩy mạnh cơ giới hóa thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả nghề trồng lúa, trong đó có kỹ thuật sạ lúa theo cụm bằng máy. 

Với "thợ" sạ lúa kiểu mới này, bà con thoát hẳn kiểu sạ lan, vãi lúa giống tù mù trước đây. Lúa lên thẳng hàng, theo khóm tương tự như cấy tay, bông nào bông nấy đều sai trĩu hạt. 

"Thợ" sạ lúa kiểu mới giúp nông dân Hòn Đất nhàn tênh, lúa tốt bời bời, lợi nhuận tăng rõ rệt - Ảnh 1.

Lúa tại mô hình sạ cụm bằng máy của gia đình bà Nguyễn Thị Yến sai trĩu bông. Ảnh: N.Đ

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vụ hè thu 2022, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tiếp tục phối hợp thực hiện mô hình "sạ cụm bằng máy trong sản xuất lúa" ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất. Quy mô thực hiện mô hình là 2ha, với 4 hộ tham gia.

Cho chúng tôi xem clip ghi lại ruộng lúa sai trĩu bông, chín vàng ươm mấy ngày trước, bà Nguyễn Thị Yến ở ấp Sơn Nam phấn khởi chia sẻ: Vụ đông xuân 2021 - 2022 gia đình được chọn tham gia chương trình canh tác lúa thông minh và áp dụng sạ lúa theo cụm bằng máy do Công ty Sài Gòn Kim Hồng phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, với diện tích 5 công. 

"Trong 15 ngày đầu sau khi sạ cụm, nhìn ruộng lúa chán lắm vì thưa thớt, thật sự tôi thấy rất lo lắng về năng suất, chất lượng. Vậy mà các giai đoạn sau đó lúa lên rất đẹp, bông sai và chắc hạt hơn so với ruộng sạ lan" - bà Yến nói. 

Bà Yến cho biết, tổng diện tích trồng lúa của gia đình là 50 công. Nhận thấy kỹ thuật sạ cụm bằng máy cho năng suất cao hơn nên sang vụ hè thu 2022, gia đình bà đã quyết định áp dụng cho 2,5ha đất. 

Theo bà Yến, trước khi sạ cụm, bà tiến hành làm đất, trang bằng mặt ruộng, bón lót bằng phân bón của Công ty Bình Điền. Sau sạ lúa 7 ngày, bón phân chuyên dùng 1; sau 17 ngày bón phân chuyên dùng lần 2; tiếp đó, sau 45 ngày bón phân thúc đòng bằng phân bón của Bình Điền.  

Với phương pháp này, tổng chi cho mô hình là 23,6 triệu đồng/ha, giảm 13.000 đồng/ha so với ruộng đối chứng. Đáng chú ý là năng suất lúa của mô hình cao hơn ruộng sạ lan bên cạnh 0,33 tấn/ha, nhờ các bụi lúa thẳng hàng; gieo thưa nên bụi lúa to, bông lúa to hơn so với ruộng sạ lan.

"Sau khi gặt lúa, lợi nhuận của ruộng sạ cụm cao hơn ruộng sạ lan hơn 2 triệu đồng/ha nhờ giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, sạ cụm bằng máy giảm 7kg lúa giống/công, giảm 8kg phân bón, giảm 2 - 3 lần phun thuốc trừ sâu và phòng bệnh. Vụ tới, gia đình sẽ tiếp tục nhân rộng biện pháp sạ cụm bằng máy" - bà Yến chia sẻ. 

"Thợ" sạ lúa kiểu mới giúp nông dân Hòn Đất nhàn tênh, lúa tốt bời bời, lợi nhuận tăng rõ rệt - Ảnh 3.

Hình ảnh ruộng lúa tại mô hình sạ lan, đối chứng với mô hình sạ cụm. Ảnh: N.Đ

Đại diện Công ty Sài Gòn Kim Hồng cho biết thêm, máy cấy rất hiệu quả trong canh tác lúa nhưng phải gieo mạ khay, chi phí đầu tư máy móc lớn, khó nhân rộng. Còn kỹ thuật sạ cụm bằng máy có ưu điểm giống như cấy máy nhưng không tốn công làm mạ, chi phí đầu tư rẻ hơn, vận hành dễ hơn.

Trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Văn Đây - nguyên Phó trưởng bộ phận thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Nam Bộ cho biết, với kỹ thuật sạ cụm bằng máy, quá trình chăm sóc lúa nông dân thuận tiện áp dụng đồng bộ các quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quy trình 1 phải 5 giảm, kỹ thuật tưới nước ngập – khô xen kẽ,… 

Tổng thể các giải pháp này sẽ giúp nhà nông giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng...   

Cũng theo ông Đây, canh tác lúa thông minh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, với sự tham gia thực hiện của ngành nông nghiệp 13 tỉnh thành trong vùng.

"Thợ" sạ lúa kiểu mới giúp nông dân Hòn Đất nhàn tênh, lúa tốt bời bời, lợi nhuận tăng rõ rệt - Ảnh 4.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh và doanh nghiệp, bà con nông dân triển khai hàng loạt mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Ảnh: T.L

"Cái khác của phương pháp sạ cụm so với phương pháp sạ lan phổ biến hiện nay là hạt giống sau khi ngâm ủ được dùng máy sạ cụm nhập khẩu từ Hàn Quốc gieo sạ theo cụm, theo hàng như ruộng cấy. Nghĩa là có thể điều chỉnh được cự li giữa các hàng, cự li giữa các cụm và số hạt giống ở mỗi cụm theo yêu cầu của mùa vụ canh tác, thời gian sinh trưởng của giống lúa, độ phì nhiêu của đất đai và trình độ thâm canh của người nông dân…

Cái khác nữa và là cái khác cơ bản của phương pháp sạ cụm là chỉ sử dụng lượng hạt giống tối thiểu, từ 40 – 60 kg/ha, so với phương pháp sạ lan sử dụng phổ biến 120 – 150 kg/ha. Nghĩa là giảm 60 – 70% lượng hạt giống so với tập quán sử dụng hiện nay" - ông Ngô Văn Đây cho biết thêm.

Mô hình sạ cụm trên nền phân bón chuyên dùng của Bình Điền kết hợp với áp dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ kỹ thuật khác đã giúp tăng năng suất lúa thêm 1,2 tấn/ha. Qua đó lợi nhuận tăng thêm 6,4 triệu đồng/ha so với mô hình sạ lan trên nền bón phân tự do theo tập quán của địa phương.

(Ông Ngô Văn Đây)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem