"Vua chuối" Út Huy áp dụng cơ giới hoá gì mà trong buổi sáng cắt được 10 tấn chuối?
Tận mắt chứng kiến hệ thống cáp dài 33km của "vua chuối" Út Huy giúp thu hoạch 10 tấn chuối/buổi sáng
Thiên Ngân
Thứ năm, ngày 25/08/2022 08:06 AM (GMT+7)
Trang trại trồng chuối rộng 120ha của ông Út Huy ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) được đầu tư hệ thống dây cáp dài 33km để vận chuyển chuối từ vườn về nhà xưởng. Nhờ hệ thống dây cáp này, chỉ trong một buổi sáng, với 5 nhân công đã có thể thu hoạch được 10 tấn chuối.
Cơ giới hoá giải phóng sức người tại trang trại trồng chuối 120ha
Công ty TNHH Huy Long An là một trong những đơn vị đang đi đầu áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất chuối, nhất là khâu thu hoạch. Trên diện tích trang trại rộng tới 120ha không khác nào một khu rừng, Công ty Huy Long An chỉ cần 5 người hái cáp và chỉ trong buổi sáng là thu hoạch xong khoảng 10 tấn chuối.
Để làm được điều này, ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, ngay từ ban đầu, trang trại trồng chuối được chia thành nhiều liếp (luống), kết nối với hệ thống dây cáp dài 33km để vận chuyển chuối từ vườn về nhà xưởng.
Nhờ thiết kế này, chỉ cần 1 người điều khiển "lái" cáp là mỗi lần có thể chuyển được 50 buồng chuối (khoảng 10 nải/buồng, nặng 40 - 60kg) từ vườn về xưởng và chỉ mất thời gian 45 phút. Trong khi nếu cắt tay, mỗi ngày ông Huy phải cần tới hàng chục nhân công và mất nhiều thời gian mới đạt sản lượng thu hoạch.
Ông Huy cho biết, toàn bộ trang trại được đầu tư khép kín từ khâu làm giống, trồng, thu hoạch và đóng gói chuối xuất khẩu. Trong đó, trang trại đã áp dụng giống chuối nuôi cấy mô; hệ thống tưới bán tự động; thu hoạch bằng hệ thống cáp tải; bảo quản sản phẩm trong kho lạnh, ứng dụng công nghệ lạnh kết hợp điện phân cồn ra khí Etylen trong ủ chuối, giúp chuối chín vàng.
Nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, năng suất chuối tại trang trại đạt 60 tấn/ha; sản lượng 10.000 tấn/năm. Chuối mang thương hiệu FOHLA đã có thị trường ổn định ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… và một phần tiêu thụ trong thị trường nội địa.
Tại Hội thảo "Cơ giới hóa trong sản xuất trái cây" do Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức mới đây, ông Võ Hữu Thoại – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam chia sẻ, việc ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ thông tin trong sản xuất trái cây vùng ĐBSCL mang lại hiệu quả trên nhiều mặt, vì vậy, nông dân đã và đang thực hiện tích cực từ khâu làm đất, phun tưới nước, bón phân, thu hoạch và sau thu hoạch...
Trong đó, thiết kế vườn cây ăn trái là bước cơ bản bà con đang áp dụng nhiều loại máy móc như máy cày, máy cuốc, máy đảo đất,..., qua đó giúp tiết kiệm 30-35% thời gian và 20-25% chi phí vận hành. Việc sử dụng máy để vét bùn cho ao trong vườn hàng năm cũng đang tăng dần nhằm thay sức người.
Đa số các vườn cây ăn trái đều có hệ thống tưới bán hay tự động, lắp đặt các máy bơm điện và hệ thống ống dẫn nước, vòi phun tự động. Nhà vườn chỉ cần bật cầu dao đóng điện hay cài đặt qua bộ hẹn giờ tưới, hoặc điều khiển tưới bằng điện thoại thông minh là vườn cây được tưới nước đủ đầy. Tùy vào điều kiện kinh tế của chủ vườn, họ có thể trang bị hệ thống tưới kết hợp bón phân, hệ thống tưới nhỏ giọt, camera giám sát vườn, hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, máy phun cầm tay bán tự động, đem lại hiệu quả từ 50-70%.
Tại vùng trồng trên 15.000 ha cây sầu riêng chuyên canh của huyện Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhà vườn đã ứng dụng mạnh mẽ cơ giới hóa vào việc chăm sóc vườn cây. Các công đoạn như bơm nước ra vào vườn cây, tưới cây, phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây đều được cơ giới hóa 100%.
Hoặc cơ giới hóa thu hoạch quả thanh long cũng được nghiên cứu và áp dụng trong thực tế. Với chi phi đầu tư thấp, hệ thống cho năng suất thu hoạch cao hơn 30% so với thu hoạch thủ công, chất lượng sản phẩm tốt không nhiễm khuẩn, không bị dập, chất lượng tốt đạt yêu cầu xuất khẩu.
Ông Thoại khẳng định, nhờ cơ giới hóa, ngành trái cây được tăng cường năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng hiện nay khoảng 20%. Điển hình như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hòa Lộc RR tại huyện Cái Bè, Tiền Giang, với việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu vệ sinh, đóng gói, bảo quản..., doanh nghiệp này đã xuất khẩu trái cây đi nhiều quốc gia trên thế giới. Sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi năm khoảng 24 tấn, thị trường tiêu thụ chính là Liên bang Nga, Úc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.