"Liều" đem thứ cây ra trái chín tím đen về trồng ở xứ biển Kiên Giang, ngờ đâu nông dân này lại phát tài

Thứ sáu, ngày 12/08/2022 13:15 PM (GMT+7)
Trong lần tham quan mô hình của người thân ở tỉnh An Giang, ông Ngô Phú Vinh ở phường An Bình, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, quyết định đem cây dâu tằm từ “xứ ruộng” về “se duyên” nơi xứ biển quê nhà.
Bình luận 0

Chỉ sau 4 năm, cây dâu tằm đã giúp gia đình ông Vinh có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Những ngày này, vườn dâu của ông Vinh đang trĩu quả. Từ sáng sớm, vợ chồng ông đã ra vườn tất bật hái trái để kịp bỏ mối cho bạn hàng ở chợ Rạch Giá. 

Ông Vinh chia sẻ: “Trước kia, với hơn 4 công đất ruộng trồng lúa và rau màu, dù tốn nhiều công chăm sóc nhưng thu nhập của gia đình khá bấp bênh. Sau lần đến nhà người thân ở An Giang, thấy mô hình trồng dâu tằm khá hay nên tôi học hỏi rồi quyết định mang 10 cây giống về cải tạo đất của gia đình để chuyển sang trồng dâu tằm. Ðã 4 năm qua, cây dâu tằm rất thích hợp với thổ nhưỡng địa phương nên lớn nhanh, sai trái, thu hoạch không đủ bỏ mối cho bạn hàng”.

"Liều" đem thứ cây ra trái chín tím đen về trồng ở xứ biển Kiên Giang, ngờ đâu nông dân này lại phát tài - Ảnh 1.

Để nâng cao thu nhập, ông Vinh (phường An Bình, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) chiết bán cây dâu tằm giống ra thị trường với giá 50.000 đồng/nhánh.

Theo ông Vinh, việc trồng dâu tằm khá đơn giản vì cây rất ít sâu bệnh lại nhẹ công chăm sóc. Ngoài tưới nước, bón một ít phân sau khi thu hoạch để cây tiếp tục phát triển thì không sử dụng bất kỳ phân, thuốc gì. 

“Tôi thấy trồng cây dâu tằm cũng đơn giản, đất không cần lên liếp, chỉ đắp mô cao hơn bình thường. Ðể cây sai trái, tôi chia vùng, tỉa cành hoặc làm cây rụng lá để dồn chất dinh dưỡng cho trái, tiện thu hoạch. Nhờ vậy, tôi còn tích lũy được kinh nghiệm cho cây ra trái theo ý muốn của mình” - ông Vinh nói.

Nhờ dụng công chăm sóc, sau 4 năm, từ những nhánh trồng thử ban đầu, ông Vinh đã phát triển vườn dâu tằm của gia đình với hơn 500 gốc. 

Ông Vinh cho biết cây dâu tằm dễ trồng, cây nhỏ cũng có trái. Trái dâu tằm khi già có vị chua, đến chín ăn ngọt mát, có tác dụng bổ huyết, bổ can thận, nhuận tràng, giải khát. 

Ngoài ra trong trái dâu có nhiều thành phần dưỡng chất có lợi cho sức khỏe nên rất được thực khách ưa chuộng, nhất là chị em phụ nữ. 

“Bình quân sau khi trồng nhánh chiết khoảng 3 tháng sẽ thu hoạch. Với 500 gốc dâu tằm, hiện gia đình tôi hái cách ngày, mỗi lần thu hoạch được 15-20kg trái tươi, bán với giá 50.000-60.000 đồng/kg” - ông Vinh cho biết.

Ðể tăng giá trị kinh tế, ngoài bán trái dâu tươi, ông Vinh còn chế biến trái dâu thành các sản phẩm rượu dâu, mật dâu, nước cốt dâu, mứt dâu, siro dâu, sinh tố dâu bán cho thực khách và chiết bán giống với giá 50.000 đồng/nhánh. 

Trong vườn, ông Vinh cũng kết hợp trồng xen cây cà na Thái nhằm đa dạng sản phẩm và nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp. Với mô hình kết hợp dâu tằm - cà na, mỗi năm gia đình ông Vinh thu lời hơn 200 triệu đồng. 

“Trồng dâu tằm cơ bản chỉ tốn công chăm sóc chứ chi phí phân thuốc rất ít nên lời cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Do đó tôi sẽ trồng thêm vài trăm gốc dâu tằm để mở rộng diện tích, xây dựng vườn dâu thành điểm du lịch sinh thái phục vụ du khách. Ðồng thời làm thêm cây bon sai dâu tằm bán cho khách chơi Tết” - ông Vinh cho hay.

Ông Đặng Xuân Quy, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Bình, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Mô hình trồng dâu tằm của anh Vinh mang hiệu quả kinh tế khá cao, trái dâu tươi không đủ cung cấp ra thị trường. Hiệu quả thu được từ các mô hình kinh tế không chỉ giúp bà con nông dân tự nâng cao đời sống gia đình, mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đã đề nghị nhân rộng mô hình trồng dâu tại địa phương để góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích”.


Hiếu Thuận (Báo Cần Thơ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem