Cổ tục phạt "chửa không chồng" giữa đại ngàn Trường Sơn

Chủ nhật, ngày 22/09/2013 18:54 PM (GMT+7)
Người Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xê Đăng, Ca Dong, Cor từ bao đời nay quan niệm nếu người phụ nữ chưa có chồng mà có chửa sẽ phải tự giác khăn gói vào tận rừng già heo hút để sinh con và chờ ngày dân làng gọi trở về.
Bình luận 0
Bởi người phụ nữ như thế sẽ mắc tội với thần linh, con ma sẽ quấy nhiễu, bắt tội dân làng.

Chửa hoang là một tội

Để hoàn thành phóng sự này, chúng tôi phải rong ruổi vài chuyến lên các huyện miền núi Quảng Nam, nơi mà cuộc sống của người dân còn nhiều hủ tục đã theo họ bao đời nay.
Cuộc sống của phụ nữ nơi đây còn lắm nhọc nhằn
Cuộc sống của phụ nữ nơi đây còn lắm nhọc nhằn
Chị Hồ Thị Th. (26 tuổi, người Cor, ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) đã từng trải qua tục bị làng phạt vì tội “không chồng mà chửa”. Bỏ qua những ngại ngùng ban đầu, chị cởi mở cho biết, chị cũng như nhiều cô gái người Cor khác ở đây, khá lận đận về đường tình duyên. 7 năm về trước, khi đang học ở trường trung học phổ thông ngoài huyện, bố mẹ Th. nhờ người nhắn tin cho chị về nhà lấy chồng.

Dù Phong là người cùng xã nhưng chị chưa gặp anh bao giờ. Tưởng khi gặp Phong thì hai người sẽ ưng nhau, nhưng ông trời đã không cho họ cái duyên đó. Chị Th. phản kháng dữ dội. Nhưng bố mẹ Th. đã nhận sính lễ của người ta rồi có trả cũng không được. Thế là Th. đành chấp nhận lấy Phong. Nhưng éo le thay, tình trạng của Phong cũng hệt như Thanh, đều bị người lớn cưỡng ép sắp đặt mà không hề hay biết. Kết hôn vì không có tình yêu nên dẫn tới cảnh vợ thờ ơ, chồng lạnh nhạt.

Cuộc sống của Th. và Phong không có hạnh phúc. Người này về nhà thì người kia ra ngoài. Chồng nằm giường vợ ngồi ghế. Chán quá, Phong quyết tâm đi làm ăn xa quê liền 4 năm không về. Th. ở nhà tiếp tục học hết cấp 3, rồi thi đậu vào Trường đại học Quảng Nam (hệ trung cấp ngành giáo dục tiểu học). Cách đây hơn một năm, khi Phong về thì cả 2 quyết định ly hôn để giải thoát cho nhau.

Chia tay chồng, Th. đi học ở thành phố và đến với Đức bằng tình yêu nồng nhiệt của mối tình đầu. Và Th. đã mang bầu. Tưởng chừng hạnh phúc sẽ đến. Nhưng trớ trêu thay, khi làng hỏi Th. cái bầu đó của ai, Th. cho biết là của là Đức thì bất ngờ tác giả chối phắt. Thế là hình phạt của làng với những hủ tục truyền kiếp được thực hiện với Th. Dù là một người có học thức, am hiểu sự phát triển của xã hội, nhưng Th. cũng không thể chối bỏ những luật tục cổ hủ của làng mình được.
Nhiều phụ nữ không chồng  sinh con chịu kiếp mồ côi
Nhiều phụ nữ không chồng sinh con chịu kiếp mồ côi
Cùng với chị Th., anh Hồ Văn H. cũng được xếp vào một trong những người có học hành tử tế nhất làng. Anh được đi xuống phố học, làm giáo viên cấp 1 ở thôn, được tiếp xúc nhiều với cuộc sống xã hội hiện đại đã từng yêu cô gái người Kinh nhưng sau đó chia tay vì sợ những hủ tục lạc hậu của làng. Anh kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện hết sức đau lòng liên quan đến hủ tục này. Cách đây 5 tháng, vào mùa mưa lũ thường xuyên xảy ra, chị Hồ Thị Ế người Mơ Nông, cũng bị làng bắt phạt vì tội chửa hoang đến nỗi phải đón nhận một kết cục rất đau đớn.

Ế là một cô gái còn ít tuổi, học hết cấp 2 trường bản, Ế ở nhà phụ giúp ba mẹ làm kinh tế. Cứ ngày ngày, khi gà cất tiếng gáy, bản còn mù sương thì Ế cùng một số chị phụ nữ trong làng bắt đầu công việc làm nương, làm rẫy của mình. Đùm miếng cơm, với nhúm muối, vài ba miếng thịt rừng săn được đó là năng lượng cho một ngày làm việc của Ế. Có những lúc trời mưa to gió lớn Ế phải ở lại nhà lán của mình (nhà dựng lên bên nương).

Chính những lúc ở lại đó, Ế đã phải lòng anh chàng tên Giát làng bên, cũng làm nương gần đó. Sau những giây phút tình yêu ngọt ngào, Ế đã mang bầu. Lúc này Ế cũng chỉ ở độ tuổi của học sinh lớp 10. Bao nhiêu sự đau khổ đổ dồn lên, nhất là khi Giát không chịu nhận đứa con của mình làm cho Ế tuyệt vọng. Đến ngày sinh nở vì gia đình Ế quá nghèo không có heo để cúng cho làng, nên ngày hạ sinh Ế phải một mình tự chạy từ trong bản ra bìa rừng.
Niềm trăn trở của người mẹ trẻ
Niềm trăn trở của người mẹ trẻ
Anh H. còn nhớ rất rõ, đêm hôm đó trời mưa to, gió lớn, bụng đau dữ, biết mình sắp sinh Ế vẫn phải cắm đầu, cắm cổ chạy. Chạy được một khúc xa thì Ế ngất xỉu đi, đến khi nghe tiếng trẻ con khóc, cơn mưa cũng dần tạnh. Lúc này Ế mới tỉnh dậy biết mình đã đẻ con, hai mẹ con lấm lem bùn đất, vắt và muỗi rừng bâu cắn đầy người. Sợ làng “bắt vạ” nên Ế không dám bồng con về làng.

Trú tạm trong cái chòi mà những người trong làng thương tình làm cho, vài ngày Ế mới được mẹ vào thăm một lần, mang cho ít gạo muối, thức ăn sống tạm. Một tuần sau khi sinh, những chuyến thăm của mẹ Ế cũng ít dần, người làng ai đi ngang qua cho cái gì thì ăn cái đó. Sinh ra trong điều kiện khó khăn, đứa trẻ không được chăm sóc tốt nên bị nhiễm trùng rốn, lở loét nhiều chỗ và bị sốt cao. Lay lắt được 3 ngày thì đứa trẻ qua đời. Bản thân Ế cũng bị nhiễm trùng, và sức khỏe yếu.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Hồ Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND một xã của huyện Phước Sơn cho biết: “Tục cưới hỏi của người dân tộc rất nghiêm ngặt. Ban đầu nhà trai nhờ mai mối dẫn con trai mang rượu, trầu cau đến ra mắt nhà gái, nếu được ưng thuận, cùng định ngày ông mai và chú rể mang trầu rượu đến làm lễ “đẹp nhà gái”. Sau đó hai nhà chọn ngày cưới. Chuẩn bị lễ cưới hai nhà sửa sang đường sá sạch sẽ, báo cáo cho già làng biết để báo cho dân làng.

Ngày cưới, họ nhà gái kéo đến nhà ông mai chờ nhà trai đem trầu cau đến đón. Đêm hôm cưới, hai vợ chồng ngồi chung mâm, vợ chồng đặt lên đầu nhau ít cơm, gọi là bắt vía. Sau đó, cô dâu cùng nhà gái ra về. Hôm sau nhà trai sang nhà gái, tục lệ hôm trước lại tiếp diễn ở nhà gái. Ngày thứ ba nhà trai rước dâu về. Ngày thứ tư, nhà trai làm cho đôi tân hôn cái bếp mới và cho cô dâu làm lễ bắt nồi. Sau đó còn nhiều tục lệ khác nữa, hai người mới thực sự trở thành vợ chồng”.

Anh Hùng cũng cho biết thêm: “Đấy là luật tục như thế, nhưng chuyện những người con gái không cưới xin mà chửa hoang thì bị phạt rất nặng. Vợ chồng tui cũng từng bị làng phạt và dọn vào tận rừng sâu để làm chòi chờ ngày sinh nở đấy”.

Sinh con trong kiêng cữ hà khắc

Người Kinh thời phong kiến cũng coi việc “không chồng mà chửa” là chửa hoang và sẽ bị làng phạt vạ. Phạt vạ là một hình thức dùng tiền bạc, trâu bò tức là thuế đánh vào những gia đình có con cái không kết hôn mà có quan hệ trai gái dẫn tới sinh con.

Những hình thức khắc nghiệt hơn là: cạo tóc bôi vôi, thả bè trôi sông, trầm lồng heo (cho vào giỏ bỏ thêm đá và thả xuống sông)… cốt để răn đe.

Trường hợp của chị Th., anh H., anh Hùng, cô Ế không phải là ngoại lệ, còn nhiều và rất nhiều trường hợp khác nữa là nạn nhân của những hủ tục lạc hậu. Hủ tục sinh nở của phụ nữ chửa hoang vốn đã khắt khe, việc kiêng kỵ càng nghiêm ngặt hơn. Ngay cả những phụ nữ có chồng đường hoàng cũng phải chịu những luật tục mù quáng.

Lân la hỏi chuyện một phụ nữ lớn tuổi người Cor thì được bà cho biết: “Đàn bà đến tháng không được sang nhà người khác, không được bước lên nhà trên. Con chưa rụng rốn, vợ chồng chưa mổ heo cúng đặt tên con thì dứt khoát không được uống nước chung với làng bởi con ma nó chưa ra khỏi đứa bé, uống chung, cho con bú, nó nhập vào chết cả làng”. Người Cor muốn có con trai hơn con gái, người có thai không được phép đi qua người già, người lớn tuổi, không đứng bóng người lớn, ít tiếp xúc đàn ông…

Khi sinh đẻ, sản phụ có bà mụ giúp. Sinh xong, sản phụ phải uống nước có nhiều muối, củ mơ gang, các loại rễ cây, dây rừng đắng, uống nước nóng, đốt đá nóng quấn vải để lên bụng cho bụng nhỏ lại. Nhau được bỏ vào mo cau buộc kín treo lên cao. Bảy ngày sau, mẹ cho con đặt chân xuống đất, rồi cõng lên lưng, bắt đầu làm việc hằng ngày.

Vì điều kiện gia đình khó khăn nên hầu hết học sinh người dân tộc chưa học hết lớp 9 đã phải nghỉ học. Trong khi đó, sự quan tâm của bố mẹ đối với con cái còn hạn chế. Vì thế, trai gái có phần thoải mái trong yêu đương. Khi đã thích nhau, họ rủ nhau lên rừng ngủ một cách thoải mái. Và trong những đêm trăng thơ mộng, nếu không “kiềm chế” được thì rất dễ dính bầu. Theo thống kế, trong năm 2013, chỉ riêng xã Trà Mai đã có đến 10 trường hợp tảo hôn và hàng chục trường hợp mang thai ngoài ý muốn bị làng bắt tội.
Hà Kiều - Như Thủy (Dòng Đời) (Hà Kiều - Như Thủy (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem