Trước hết, xin ông cho biết lý do vì sao tập đoàn Casino quyết định bán chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam?
-Đúng, tôi biết là ở Việt Nam mọi người có phần nào bất ngờ về quyết định của Ban giám đốc tập đoàn Casino hôm 15/12 năm ngoái, nhưng đây là một hoạt động kinh doanh rất thông thường, rất quen thuộc đối với một tập đoàn quốc tế lớn như chúng tôi.
Như các bạn đều biết thì chúng tôi có nhiều tài sản ở nước ngoài nên bắt buộc phải luân chuyển hoạt động kinh doanh, muốn mua ở chỗ này thì phải bán ở chỗ khác. Quyết định của Casino về việc bán Big C ở Việt Nam vì thế là rất bình thường và đã làm nhiều lần như thế trong quá khứ.
Trong 10 năm qua, chúng tôi từng bán tài sản của mình ở Ba Lan, Hà Lan, Đài Loan, ở Mỹ hay ở Venezuela. Điều tôi muốn nói là đây là hành động này của Casino không phải là một vụ thoái vốn theo nghĩa tiêu cực, mà là cách chúng tôi cơ cấu lại tài sản của mình.
Nhìn vào các thương vụ bán tài sản của mình trong quá khứ thì có thể nói Casino đã bán các tài sản có chất lượng và sau khi về với người mua, tức là chủ mới, thì các tài sản này tiếp tục thịnh vượng và vẫn hết sức đáng chú ý.
Ban lãnh đạo tập đoàn Casino đánh giá như thế nào về hoạt động của Big C tại Việt Nam?
-Big C Việt Nam là một trong những tài sản giá trị mà chúng tôi tự hào đã phát triển và dù so với tổng doanh thu của Casino trên toàn cầu, phần đóng góp của Big C Việt Nam tương đối nhỏ nhưng chúng tôi cũng buồn khi rời Việt Nam.
Như các bạn biết thì Big C ban đầu thuộc về tập đoàn Bourbon và siêu thị đầu tiên được mở ở Đồng Nai cuối những năm 90. Đến tầm 2006-2007, chúng tôi mua lại công ty Bourbon và biết rằng Bourbon có một chuỗi các siêu thị nhỏ ở Việt Nam.
Ngày đó, ban giám đốc Casino đã nhận định rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng, dân số đông, đang phát triển rất nhanh và hấp dẫn nên sau khi có được Big C Việt Nam từ Bourbon, ban lãnh đạo Casino đã quyết định giữ lại để phát triển chứ không bán lại cho các đối tác khác.
Đó là lí do mà ngày nay chúng tôi có đến 33 siêu thị Big C ở Việt Nam, tức có thêm 27 siêu thị được mở từ 2007, với 9000 nhân viên và 99% là người Việt Nam. Chỉ có khoảng 20 người Pháp làm ở Big C Việt Nam nên có thể nói Big C Việt Nam là một công ty vốn của Pháp nhưng mang trái tim Việt Nam.
Tất cả 33 Giám đốc của 33 siêu thị Big C Việt Nam đều là người Việt Nam. Tôi nghĩ chúng tôi có thể tự hào vì đã phát triển Big C Việt Nam một cách thịnh vượng và xin vui lòng nhắc lại rằng Big C Việt Nam thực sự như một công ty Việt Nam bởi đến 85% sản phẩm bán tại các siêu thị Big C là sản xuất tại Việt Nam. Đó là điều đặc biệt rất đáng lưu tâm.
Bây giờ, sau 10 năm, Big C Việt Nam đã mở rộng, phát triển mạnh nhưng bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng đã nhiều thay đổi. Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, và với các hiệp định thương mại quốc tế được ký kết nhiều hơn, sự cạnh tranh với Big C Việt Nam cũng lớn hơn, với các đối thủ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trước nay thì đối thủ chính của Big C là Coop Mart, một công ty Việt Nam và có thể nói chúng tôi là hai đối thủ nặng ký luôn dẫn đầu trên thị trường phân phối, bán lẻ ở Việt Nam. Nhưng khi sự cạnh tranh trở nên khốc liệt thì cần phải đầu tư lớn hơn, mạnh hơn và trong một tập đoàn như Casino, với rất nhiều hoạt động ở nhiều nơi, chúng tôi buộc phải lựa chọn.
Khi chúng tôi thông báo quyết định này thì nhiều người cũng phản đối, bảo sao các ông không bán công ty ở Thái Lan luôn đi. Thực tế thì chúng tôi cũng đã bán các công ty ở Thái Lan và bán rất nhanh.
Cố vấn Chủ tịch tập đoàn Casino
Được biết, hiện có khoảng 20 công ty lớn nhỏ quan tâm đến việc mua lại Big C Việt Nam. Xin ông cho biết ngoài giá mua cao, liệu có tiêu chí nào khác?
-Đó là sự xem xét trên một tổng thể dữ liệu. Việc bán này không phải chỉ nằm ở giá bán vì nếu thế thì chúng tôi chỉ việc lên một danh sách 20 công ty, xem công ty nào trả giá cao nhất thì bảo họ “ký đi, thế là xong”. Chúng tôi không làm thế vì rõ ràng là trong 20 công ty đang quan tâm đến Big C Việt Nam này, có những công ty thực sự rất nghiêm túc, có những công ty kém hơn, hoặc có thể là chưa chắc đã đủ phương tiện tài chính để tiến hành vụ mua lại.
Về phần mình thì Casino cũng không muốn bán lại Big C cho một đối tác mà sau đó họ lại không đủ khả năng đưa Big C Việt Nam tiến lên phía trước, vì rõ ràng chúng tôi không muốn vứt bỏ hết công sức gần chục năm qua của mình. Chúng tôi hoàn toàn không muốn Big C Việt Nam sụp đổ vì thế cần phải xem xét tất cả các mặt, xem đối tác có khả năng tài chính hay không, có tiềm lực để tiếp tục đưa Big C phát triển hay không.
Như tôi đã đề cập thì trong quá khứ Casino từng bán lại nhiều công ty, tài sản của mình ở nước ngoài và các công ty này sau đó vẫn tiếp tục phát triển. Điều này cho thấy chúng tôi đã đưa ra các lựa chọn đúng về việc bán cho đối tác nào là hợp lý.
Hơn nữa, theo thỏa thuận với chính phủ Việt Nam thì kể cả khi bán Big C, chúng tôi vẫn giữ lại mảng xuất khẩu nên Casino vẫn sẽ ở lại Việt Nam chứ không phải là rút bỏ toàn bộ hoạt động của mình. Vì thế, chúng tôi không muốn chứng kiến Big C không phát triển hơn nữa.
Hiện tại thì tôi chỉ có thể nói về các thông tin ở chừng mực đó, tức là đã có một danh sách rút gọn gồm những công ty Việt Nam và những công ty nước ngoài. Nhưng tuần trước tôi có mặt ở Hà Nội và có đọc báo chí Việt Nam viết rằng Big C đã được bán cho Aeon của Nhật Bản. Đó hoàn toàn là thông tin sai.
Hiện tại, mọi việc vẫn đang bàn thảo và dự kiến giữa tháng 4 sẽ có kết luận cuối cùng.”
Ông có thể tiết lộ đôi chút về giá bán chuỗi siêu thị Big C?
-Thương vụ của chúng tôi ở Thái Lan được bán nhanh chóng với giá gấp khoảng 1,7 lần doanh thu hàng năm của công ty ở Thái Lan nên Big C Việt Nam hoàn toàn có thể bán với giá gấp 1,7 lần doanh thu, thậm chí còn cao hơn, đến khoảng 2 lần.
Tại sao chúng tôi lại có hy vọng bán được giá cao đến 2 lần doanh thu của Big C ? Đó là do tiềm năng phát triển siêu thị tại Việt Nam còn rất lớn. Có thể nêu một ví dụ thế này: ở các nước châu Âu, hay cụ thể là ở Pháp, các chuỗi siêu thị lớn đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu mua bán thực phẩm của người dân, trong khi ở Việt Nam, con số này mới chỉ ở mức từ 15 đến 20%. Có nghĩa là tiềm năng cho thị trường bán lẻ, cho các chuỗi phân phối là rất lớn.
Ở Việt Nam, dù quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh nhưng cũng có một lượng lớn người Việt Nam ở nông thôn mà Big C Việt Nam có thể coi là một trong những công ty phát triển mạnh nhất ở các địa phương ở Việt Nam chứ không phải chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Chúng tôi có các siêu thị ở Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ và nhiều tỉnh khác ở Việt Nam…
Vì thế, Big C Việt Nam có một tiềm năng rất lớn, có thể ví như một chiếc xe có động cơ rất tốt mà đối tác nào mua lại Big C sẽ có nhiều điều kiện để phát triển tiếp.
Dù bán chuỗi siêu thị Big C, song Casino vẫn dự định giữ lại mảng xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang chuỗi siêu thị Casino tại Pháp và châu Âu. Xin ông cho biết cụ thể hơn?
-Chúng tôi xuất khẩu khá nhiều hàng hóa từ Việt Nam, khoảng chục triệu đô la, khoảng 3000 container một năm sang châu Âu, Nam Mỹ. Casino rất tự hào vì bán cả những mặt hàng như quần soóc thể thao sản xuất tại Việt Nam sang Braxin. Chúng tôi xuất khẩu nhiều thực phẩm từ Việt Nam sang châu Âu, người châu Âu yêu thích tôm của Việt Nam bán trong chuỗi siêu thị Casino tại Pháp và các nước.
Sau khi bán chuỗi siêu thị bán lẻ Big C, chúng tôi vẫn giữ mảng xuất khẩu được tiến hành song song và quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp Việt Nam, hỗ trợ họ để cung cấp hàng đảm bảo chất lượng ra châu Âu. Đặc biệt mặt hàng nông sản như vải, xoài, dứa… Chúng tôi cũng có những kiểm tra kỹ thuật để đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của châu Âu từ sử dụng thuốc trừ sâu, hay quá trình. Chúng tôi nhận được sự hưởng ứng của nhiều công ty cung ứng của Việt Nam.
Ngày 1/6 tới, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức "Tuần hàng Việt Nam tại Lyon", đó là bằng chứng cho thấy chúng tôi vẫn tiếp tục có mặt và thúc đẩy hợp tác tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông./.
Thùy Vân (vov)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.