Có xử lý được hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội hay không?

Phi Long Thứ tư, ngày 05/06/2024 07:01 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.
Bình luận 0

Vừa qua, thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận là làm thế nào để ngăn chặn hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Có xử lý được hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội hay không?- Ảnh 1.

Có xử lý được hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội được không. Ảnh: minh hoạ

Trong đó có vụ việc, gần đây Công an thành phố Hà Nội khởi tố nữ kế toán BHXH tham ô hơn 68 tỉ đồng, đại biểu đặt câu hỏi về vấn đề quản lý nguồn quỹ BHXH cũng như tính hiệu quả của việc thanh tra, kiểm tra giám sát lĩnh vực này?

Đánh giá việc giải quyết tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH hiện đang rất nan giải, đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét hành vi trốn đóng bằng pháp luật hình sự.

Một số đại biểu đề nghị cần phân hóa mức xử phạt tương ứng với số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm.

Trốn đóng BHXH là gì?

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP đưa ra hướng dẫn về một số thuật ngữ được sử dụng trong quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 như sau:

"Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp".

Trốn đóng BHXH có bị xử lý hình sự không?

Hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Thời gian qua, các hành vi nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đang có chiều hướng gia tăng với những diễn biến hết sức phức tạp, gây thâm hụt về quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

Việc bổ sung quy định Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BH thất nghiệp) cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù lên đến 7 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 200 triệu lên đến 3 tỷ đồng.

Khó xử lý hình sự các trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Dù Bộ luật hình sự hiện hành đã quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên nội dung này mới lần đầu tiên được quy định trong BLHS năm 2015 nên quá trình áp dụng trong thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết các vụ trốn đóng BHXH được cơ quan bảo hiểm chuyển hồ sơ sang cơ quan công an nhưng khó khởi tố, nguyên nhân hầu hết là vướng mắc ở quy trình, thủ tục, không đồng nhất các quy định pháp luật, chưa đạt được điều kiện để khởi tố, chưa cấu thành tội phạm để xử lý hình sự,…

Thông tin về tình hình lập hồ sơ kiến nghị khởi tố theo các tội danh lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Bộ luật Hình sự, Vụ Pháp chế, (BHXH Việt Nam) cho biết, tính từ năm 2018 đến hết 31/12/2023, cơ quan BHXH đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó có 34 hồ sơ kiến nghị khởi tố về Tội gian lận BHXH, BHTN, 4 hồ sơ kiến nghị khởi tố về tội gian lận BHYT, 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý hình sự các vụ án này rất khó khăn do cơ quan công an xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa đủ điều kiện thụ lý.

Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH cần hoàn thiện chính sách pháp luật trong xử lý hình sự đối với Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Các cơ quan chức năng cần bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm, tạo sự đồng bộ giữa các quy định pháp luật hành chính và pháp luật hình sự trong việc xử lý các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ đóng nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem