Coca-Cola, Heineken bị truy thu 1.738 tỷ: Đau đầu bài toán chống chuyển giá của DN FDI

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 14/01/2020 07:30 AM (GMT+7)
Thông tin về số tiền truy thu thuế và phạt chậm nộp lên tới 821,4 tỷ đồng với Coca-Cola Việt Nam và 917,2 tỷ đồng với Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam một lần nữa đặt ra yêu cầu về việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm chống chuyển giá, né thuế.
Bình luận 0

img

Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam bị truy thu tiền thuế chuyển nhượng và tiền chậm nộp hơn 917,2 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ).

Phía sau số tiền truy thu thuế nghìn tỷ với Coca-Cola Việt Nam, Heineken Việt Nam

Sau thông tin Coca-Cola Việt Nam bị cơ quan thuế yêu cầu phải nộp vào ngân sách hơn 821,4 tỷ đồng tiền truy thu thuế và phạt chậm nộp, cơ quan thuế tiếp tục cung cấp thông tin về một doanh nghiệp FDI khác là Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam bị truy thu tiền thuế chuyển nhượng và tiền chậm nộp là hơn 917,2 tỷ đồng.

Dù sau đó Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp 917,2 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách, bao gồm số tiền thuế chuyển nhượng là gần 823 tỷ đồng, phần còn lại là tiền chậm nộp. Song có một thực tế được Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) chỉ ra qua các cuộc thanh, kiểm tra các công ty có hoạt động chuyển giá, giao dịch liên kết, đầu tư nước ngoài, đó là số thuế truy thu, truy nộp chiếm tỷ trọng rất cao.

Theo đó, những trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu ngoài lãnh thổ, giống trường hợp Heineken thường sẽ phát sinh tranh chấp quyền đánh thuế giữa giữa các nước có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

"Có dòng thuế mà bên nước ngoài không thu trong khi doanh nghiệp vẫn cố gắng vận dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giống như trường hợp Heineken, họ khai thuế nhưng đồng thời nộp Hiệp định tránh đánh thuế và xin được áp dụng Hiệp định này.

Do đó, trong quá trình thanh, kiểm tra cơ quan thuế phải chứng minh tỷ lệ giá trị tài sản hình thành từ bất động sản chiếm từ 50% tổng giá trị chuyển nhượng thì phải thực hiện theo pháp luật Việt Nam, không thể theo Hiệp định được và phải nộp thuế tại Việt Nam", Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) thông tin.

img

Coca-Cola Việt Nam từng liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. (Ảnh minh hoạ).

Trở lại với trường hợp của Coca-Cola Việt Nam, doanh nghiệp này từng có thời gian dài nằm trong “tầm ngắm” của các cơ quan thuế Việt Nam khi liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm.

Trong một bài viết của mình, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, từng đưa ra thông tin: “Với Coca-Cola, theo Cục thuế TP.HCM, từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, công ty này liên tục báo lỗ cho đến cuối năm 2012. Việc thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam không phải do tăng trưởng doanh số yếu, thực tế sản lượng của công ty vẫn tăng trưởng trên 25% mỗi năm. Đến thời điểm tháng 12.2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng”.

"Về mặt kỹ thuật thì lẽ ra Coca-Cola Việt Nam đã phải phá sản. Thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Điều này đặt ra cho các cơ quan thuế Việt Nam về nghi án chuyển giá của công ty này. Về mặt bằng chứng để chứng minh Coca-Cola Việt Nam chuyển giá là rất yếu. Sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2013 Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Chính phủ Việt Nam”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhìn nhận.

Theo ông Tuấn, trường hợp Pepsi Việt Nam cũng tương tự như Coca-Cola Việt Nam. Vào Việt Nam sớm hơn Coca-Cola (năm 1991) nhưng trong suốt gần 20 năm hoạt động, Pepsi Việt Nam cũng liên tục kê khai lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, do mức tăng trưởng tiềm năng quá lớn của thị trường nước giải khát Việt Nam, Pepsi Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều nhà máy mới ở các tỉnh/thành khác trong cả nước để mở rộng thị phần. Việc tìm các bằng chứng chứng minh Pepsi Việt Nam chuyển giá cũng khó khăn không kém so với Coca-Cola Việt Nam.

Đau đầu ngăn “chiêu” né thuế của doanh nghiệp FDI

Hiện Việt Nam đã ký kết 75 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Tổng cục Thuế, thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường đàm phán với các cơ quan thuế có liên quan để ký kết hiệp định. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng thực hiện vấn đề thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA). Khi doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, cơ quan thuế sẽ thực hiện thỏa thuận với doanh nghiệp về cơ chế nộp thuế, số thuế tối thiểu phải nộp...

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất hiện nay với các cơ quan thuế khi thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là thời gian thanh tra. Đối với các nước như Nhật Bản hay các nước thuộc OECD, một cuộc thanh tra kéo dài hơn 1 năm, trong khi Việt Nam quy định tối đa chỉ 70 ngày.

Điều này gây khó khăn cho cơ quan thanh tra bởi có những cuộc thanh tra, nhất là với các tập đoàn đa quốc gia, công ty nhiều lãnh thổ thời gian cung cấp tài liệu của doanh nghiệp rất dài do phải chuyển hồ sơ, số liệu cho công ty mẹ, sau đó chuyển cho đơn vị kiểm toán sau đó mới cung cấp cho cơ quan thuế. Quy trình này kéo dài, thậm chí có những đơn vị thực hiện mất cả năm trời. Do đó, cơ quan thuế từng không ít lần kiến nghị được nâng thời gian thanh tra cao hơn mức quy định hiện nay.

img

PGS. TS. Phạm Thế Anh.

Về cơ sở pháp lý, trong hệ thống pháp lý Việt Nam liên quan đến chống chuyển giá, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất liên quan đến chống chuyển giá là Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định một số nội dung về quản lý thuế.

Từ góc độ chuyên gia, PGS. TS. Phạm Thế Anh cho rằng, Nghị Định 20/2017/NĐ-CP ra đời với mục tiêu cao nhất là chống chuyển giá/chuyển nợ với mục đích trốn tránh thuế. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định 20 là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tức là các công ty có quan hệ họ hàng như bố mẹ, con cái, anh chị em, con cháu trong họ.

Liên quan đến việc chống chuyển nợ/lãi vay, Điều 3 Khoản 8 của NĐ20 quy định tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ chỉ được khấu trừ thuế nếu không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA).

Song trong khi các công ty đa quốc gia “bình chân như vại” thì điều khoản trên của Nghị định 20 gặp khá nhiều phản ứng từ các doanh nghiệp trong nước vốn dựa nhiều vào vay nợ, đặc biệt là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước có giao dịch liên kết giữa các thành viên trong cùng tập đoàn/TCT.

Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, khu vực FDI có chi phí lãi vay quốc tế/lãi vay trong nước bằng khoảng 1,2 lần trong giai đoạn 2013-2016. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của nhóm doanh nghiệp này là thấp nhất nhưng không quá xa hai khu vực còn lại (1,6 so với 1,8). Điều này chứng tỏ khu vực FDI chủ yếu có vay nợ từ thị trường quốc tế, rất có thể là từ các công ty liên kết ở nước ngoài.

Trong năm 2016, chỉ có khoảng 4,9% số doanh nghiệp trong khu vực FDI có tỷ lệ lãi vay/EBITDA > 20%, và chỉ khoảng 3,4% số doanh nghiệp trong khu vực này có tỷ lệ lãi vay/EBITDA > 30%.

“Lưu ý rằng, trong số những doanh nghiệp có tỷ lệ lãi vay/EBITDA > 20% thì không phải doanh nghiệp nào cũng có giao dịch liên kết. Do vậy, số doanh nghiệp thực sự chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20/2017/NĐ-CP trong khu vực FDI còn thấp hơn nữa. Khối này hầu như cũng không có phản ứng gì kể từ khi Nghị định 20 có hiệu lực. Do vậy, muốn chống được hành vi trốn thuế rất phức tạp của khu vực FDI, và cả khu vực DN trong nước hiện nay, tôi cho rằng Chính phủ không nên nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA được khấu trừ thuế từ 20% lên 30% như đòi hỏi của một số doanh nghiệp”, PGS. TS Phạm Thế Anh đề xuất.

img

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn.

Về phía TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, trong một dịp trao đổi với người viết, ông cũng đưa ra ý kiến từ góc độ vĩ mô.

“Chuyển giá là thách thức với hầu hết quốc gia trên thế giới. Các quốc gia OECD coi đây là vấn nạn của họ nên đã đưa ra nhiều cơ chế hợp tác với nhau như BEPS, bởi đây không chỉ là vấn đề nội bộ của từng quốc gia, mà là vấn đề xuyên quốc gia.

Việt Nam trên tư cách là một quốc gia đang phát triển, với những tồn tại đã được chỉ ra như năng lực quản trị nhà nước, chất lượng thể chế, năng lực của cán bộ thuế… Rõ ràng, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức hơn so với các quốc gia phát triển”, ông Tuấn cho biết.

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, hiện hành lang pháp lý của Việt Nam chưa hoàn thiện nên chưa thể tạo ra một cơ chế, công cụ hay biện pháp vừa có tính chất khuyến khích tuân thủ thuế với các doanh nghiệp, vừa tạo ra sự chặt chẽ trong quy trình đấu tranh với những hành vi có dấu hiệu chuyển giá, né thuế.

“Khi thu hút đầu tư, với tư cách một quốc gia đang phát triển, Việt Nam mong muốn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điều này rất khác các quốc gia phát triển vốn đã có rất nhiều nhà đầu tư lớn nên không có động lực thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Ngược lại, chúng ta từng có rất nhiều chính sách ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trên phương diện quản lý thuế, chúng ta cũng có giai đoạn buông lỏng với họ, làm gia tăng động cơ không tuân thủ thuế của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng từ những ưu đãi thuế này, tới giai đoạn thực thi ở cấp độ địa phương, thì địa phương nào cũng tìm cách cấp phát ưu đãi, dẫn tới tình trạng kéo nhau xuống đấy giữa các địa phương. Còn môi trường thuế của chúng ta cũng xuất hiện tình trạng da beo, da báo”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích.

Kết quả, tình trạng né thuế không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp FDI mà còn ở các công ty trong nước.

“Chúng ta nói chuyển giá là tránh thuế chứ không nên coi đây là hành vi trốn thuế. Trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật, còn tránh thuế là tận dụng kẽ hở ở các quy định pháp lý thiếu chặt chẽ để tối thiếu hoả khoản thuế phải nộp. Đây là động cơ bình thường của bất kỳ doanh nghiệp nào, chúng ta không nên coi đó là hành vi xấu, mà phải nhìn nhận năng lực quản lý thuế của chúng ta ra sao”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận xét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem