TP.HCM không có cảng cá, khu neo đậu để tàu thuyền tránh bão đã xuống cấp
Quang Phương
Thứ năm, ngày 07/10/2021 10:11 AM (GMT+7)
TP.HCM có huyện biển Cần Giờ, với diện tích tự nhiên hơn 70.000ha, hơn 20.00 ha mặt nước sử dụng cho đánh bắt thủy hải sản và 23km bờ biển (từ sông Soài Rạp sang vịnh Gành Rái). Thế nhưng, TP.HCM không có cảng cá, có một khu neo đầu để tàu thuyền tránh bão, nhưng đã xuống cấp.
Theo thống kê của UBND TP.HCM số tàu thuyền khai thác và dịch vụ của thành phố năm 2020 là 742 tàu cá, số thuyền viên 2.634 người. Cơ cấu nghề của các tàu cá chủ yếu là nghề lưới rê với 514 tàu, nghề câu 6 tàu. Sản lượng khai thác năm 2020 là 18.895 tấn.
TP.HCM không có cảng cá đúng nghĩa
Tháng 11/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quyết định này, TP.HCM có 3 cảng cá loại 2 gồm: Cảng cá Tổng Công ty Hải sản Biển Đông (Cảng cá Biển Đông), Cảng cá chợ Bình Điền và Cảng cá Bình Khánh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP.HCM (ký ngày 5/10) về hiện trạng hệ thống cảng cá tại TP.HCM, hiện nay, thành phố không có cảng cá. Hoạt động lên cá của các tàu khai thác của TP.HCM dựa vào cảng cá của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, và vài bến neo đậu nhỏ, nằm rải rác trên các sông, rạch chính và 5 bến cá tại huyện Cần Giờ.
UBND TP.HCM cho biết: Hiện nay, Cảng cá Biển Đông đang cung cấp các dịch vụ bốc xếp, giao nhận, dịch vụ kho bãi, cung cấp dầu, nước các tàu vận tải. Cảng cá chợ Bình Điền không có tàu cá cập bến bán sản phẩm thủy sản, chủ yếu phục vụ buôn bán sản phẩm rau quả và vận tải.
Trong khi đó, cảng cá Bình Khánh là hạng mục công trình thuộc dự án Trung tâm thủy sản TP.HCM, bao gồm: cảng cá – chợ cá, khu chế biến thủy sản và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng. Nhiệm vụ quy hoạch 1/2000, 1/500 đã được phê duyệt, đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối tác công tư. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, chưa có nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.
Về khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, TP.HCM hiện chỉ có 1 khu neo đậu tránh trú bão tại sông Đồng Đình (huyện Cần Giờ). Khu neo đậu này được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009 với quy mô thiết kế chiều dài 11.060m, chiều rộng luồng 45m, cao độ đáy nạo vét -6,5m, tạo luồng đảm bảo cho tàu thuyền nghề cá có công suất 600CV đi lại thuận lợi (chiều sâu chạy tàu 4.88m). Bến này là nơi neo đậu cho khoảng 2.000 tàu, lắp đặt 20 phao neo bờ đọc lập, 20 trụ neo độc lập, 6 phao báo hiệu và 6 biển báo.
Loại cảng cá Biển Đông, Bình Điền khỏi quy hoạch
Theo UBND TP.HCM, số lượng tàu cá trên địa bàn TP.HCM ngày càng giảm, TP.HCM chủ trương phát triển nghề cá, là giảm cường lực khai thác để phục hồi nguồn lợi thủy sản. Từ thực tế trên và thực trạng 2 cảng cá (Cảng cá Biển Đông, Cảng cá chợ Bình Điền) không còn phục vụ ngành thủy sản, nên TP.HCM đề xuất không đưa 2 cảng cá trên vào quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan - cho biết: TP.HCM đề xuất tiếp tục đưa cảng cá Bình Khánh vào quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Hiện tại số lượng tàu cá trên địa bàn TP.HCM là 742 tàu, công suất neo đậu của Khu neo đậu tránh trú bão sông Đồng Đình (huyện Cần Giờ) là 2.000 tàu. Vì vậy, TP.HCM đề xuất tiếp tục đưa khu neo đậu này vào quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP.HCM, khu neo đậu tránh trú bão sông Đồng Đình hiện nhiều hạn mục đã xuống cấp. Tháng 2/2010, bến neo đậu tàu này được UBND TP.HCM giao lại cho huyện Cần Giờ quản lý. Cho đến nay, một số hạng mục công trình đã được đưa vào sử dụng 12 năm (quá hạn sử dụng), nên các phao neo, phao luồng bị gì sét, hư hỏng không có khả năng neo đậu tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn trong giao thông đường thủy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.