Người ta lấy mo khô trong vườn để nắm cơm. Có lẽ không gì ngon bằng khi rời con trâu hay đám ruộng gặt dở, ngồi lên bờ hay dưới gốc đa, mở mo cơm với gói vừng rang hay mấy quả trứng luộc, cắt những lát cơm vừa thơm vừa dẻo nhai ngấu nghiến. Ăn xong, tu mấy ngụm nước chè xanh đựng trong một quả bầu.
Không chỉ đi làm đồng mà nông dân ngày xưa có việc ra tỉnh, lên hầu quan hay tới nhà thương... họ đều mang theo cơm nắm. Cơm nắm là bánh mì của người Việt. Không có mo người ta dùng vải màn hay bất kỳ thứ vải nào miễn là sạch. Không những đỡ tốn tiền mà ăn cơm nắm lấy lại nhanh sức khỏe chứ không như ăn phở, bún hay bánh trái. Cơm nắm vừa dễ làm, vừa tiện, vừa ngon, lại ít tiền. Nhưng tại sao thời nay người ta coi bánh mì, cơm hộp là sang, là sành điệu còn cơm nắm là “hèn”, chịu phận hẩm hiu? Ấy là sự khởi đầu của thói Âu hóa rởm mà các nước có nền văn hóa lâu đời đang vươn lên như Trung Quốc, Việt Nam mắc phải một cách nguy hiểm.
Chưa nói nguy hiểm về mặt ý thức văn hóa, hãy nói những nguy hiểm nhãn tiền. Tỷ lệ lạm phát cao nhưng ổ bánh mì bán cho dân lao động, sinh viên không thể nhỏ đi. Vậy là người ta rút bột mì mà thêm bột nở vào. Cơm hộp thường được nấu rất nhão để lợi cơm ít gạo, vừa ăn xong đã thấy đói. Nguồn rau, nguồn thịt và mỡ trong các hộp cơm rất khả nghi khi từng chuyến xe chở thịt thối, mỡ bẩn và hóa chất làm tươi nhập từ Trung Quốc vẫn ùn ùn đổ về những thành phố đông người như Hà Nội, TP.HCM... Ăn bánh mì, cơm hộp là ăn những thứ mình không rõ tung tích, không như cơm nắm của vợ, của mẹ.
Nông dân có tuổi ở nhiều nơi vẫn mang cơm nắm ra đồng, lên tỉnh. Nhưng bây giờ lớp trẻ nông thôn rất nhiều người đã nhanh chóng học được thói đua đòi. Họ khinh rẻ cơm nắm, hỏi có mấy thanh niên ra thành phố mà mang theo mo cơm? Người có tiền thì vào quán, kẻ ít tiền mua cơm hộp ra vườn hoa ngồi ăn. Ngồi ghế vườn hoa ăn cơm hộp hay bánh mì thì được, cơm nắm thì không, “nó thế nào ấy!”.
Tôi nghĩ, hay là họ chưa hề biết trên đời này có thứ cơm tuyệt vời là cơm nắm?
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.