VNM kéo VnIndex giảm sâu
Áp lực chốt lời đã xuất hiện ngay từ những phút đầu tiên của phiên giao dịch ngày 26.2 đã khiến chỉ số VnIndex rơi vào cảnh giao dịch dưới mức tham chiếu. Sắc đỏ vì vậy cũng tràn ngập bảng điện tử do các cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán ra khá mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26.2, chỉ số VnIndex giảm 7,37 điểm (0,74%) xuống 987,06 điểm. Còn HNX-Index tăng 0,05 điểm (0,05%) lên 107,66 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26.2, chỉ số VnIndex giảm 7,37 điểm (0,74%) xuống 987,06 điểm.
Khối ngoại trên TTCK Việt Nam hôm nay đã bán ròng trở lại với tổng khối lượng bán ròng đạt 16,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 365,2 tỷ đồng. Song trên sàn HoSE, khối ngoại lại mua ròng phiên thứ 6 liên tiếp với khối lượng mua ròng gần 10 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 154,7 tỷ đồng.
Trong đó, CCQ ETF nội E1VFVN30 được khối ngoại mua ròng với giá trị đạt 101 tỷ đồng. Tiếp đó, GEX và VCB lần lượt được mua ròng với giá trị mua ròng đạt 50,8 tỷ đồng và 41 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, VHM và VIC bị khối ngoại bán ròng lần lượt 39 tỷ đồng và 23,6 tỷ đồng.
Trong số các cổ phiếu sở hữu số vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE, VNM là cổ phiếu tạo tác động tiêu cực nhất đối với chỉ số VnIndex khi giảm tới 3,6% về 146.100 đồng. Đóng góp vào mức giảm sâu của VnIndex còn có MSN và GAS khi hai cổ phiếu này cùng giảm 1,3% về mức 90.000 đồng và 97.900 đồng
Ở nhóm “cổ phiếu họ Vin”, VHM đủ sức đảo chiều trở về mức tham chiếu ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch thì VIC giảm nhẹ 0,7% về 115.500 đồng, còn VRE tăng 1,8% lên 34.500 đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng góp phần khiến chỉ số VnIndex giảm điểm. Cụ thể, ngoại trừ CTG tăng nhẹ 0,2% lên 21.350 đồng, còn lại MBB giảm 1,8%, TPB giảm 1,2%, VCB giảm 0,6%, BID giảm 1,2%.
Ở nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC tăng 1,3% lên 5.410 đồng, HAG tăng 2,9% lên 5.660 đồng, HVG tăng trần lên 9.840 đồng, còn HSG vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Cổ phiếu HAG ngược dòng giúp bầu Đức có thêm 188 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)
Sau phiên giao dịch hôm nay, tài sản chứng khoán của 2/3 tỷ phú USD Việt Nam đã “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 639,99 tỷ đồng (0,34%) về mức 185.436,73 tỷ đồng, còn tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm nhẹ 108,30 tỷ đồng (0,49%) về mức 21.985,91 tỷ đồng.
Trong khi đó, tài sản tỷ phú Trần Đình Long đã đạt mức 13.335,42 tỷ đồng sau khi giá trị giao dịch của cổ phiếu HPG tăng 0,43% sau phiên giao dịch ngày 26.2.
Trong khi sắc đỏ xuất hiện ở hầu hết các cổ phiếu, khá bất ngờ khi giá trị giao dịch của cổ phiếu HAG của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tăng 2,9% lên 5.660 đồng. Qua đó, giúp tài sản chứng khoán của bầu Đức tăng thêm 188,93 tỷ đồng lên 3.772,16 tỷ đồng.
“Con chung” của bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương chuẩn bị ra đời
Theo một số thông tin, tháng 3.2019, Công ty Phân phối bao tiêu sản phẩm cho Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) giữ vị trí Chủ tịch HĐQT sẽ ra mắt với nhiệm vụ xuất khẩu 300.000 tấn trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây, tương ứng 15.000 container trong năm 2019.
Sau đó, Nhà máy Sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế trên 120.000 tấn/năm và Nhà máy Sản xuất vật tư nông nghiệp công suất thiết kế trên 200.000 tấn/năm sẽ được khởi công xây dựng tại Chu Lai (Quảng Nam).
“Con chung” của bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương sẽ giúp HAGL hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín của doanh nghiệp (DN) này tại khu vực Tây Nguyên - Nam Lào. (Ảnh: Internet)
Đây đều là những "đứa con" đầu tiên của cuộc "hôn nhân" giữa Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) và HAGL. Với tổng chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỉ đồng, dự kiến đi vào hoạt động ngay trong nửa đầu năm 2020, các nhà máy này dự kiến sẽ giúp HAGL hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín của doanh nghiệp (DN) này tại khu vực Tây Nguyên - Nam Lào, giảm nỗi lo về đầu ra sản phẩm.
Hiện tại, HAGL Agrico vẫn do HAGL nắm cổ phần chi phối. Thaco tham gia 35% cổ phần và chỉ tập trung sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.