Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong ít năm vừa qua, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. (Ảnh minh họa)
“Tối hậu thư” của UBCKNN
Trong mấy năm qua, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin.
Tính tới tháng 5.2017, Hoàng Anh Gia Lai đã 3 lần chậm công bố báo cáo tài chính, liên tục bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở. Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai chậm công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2016, báo cáo kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2016, báo cáo thường niên năm 2016 và báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý I.2017.
Bước sang năm 2018, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục trễ hẹn trong việc nộp báo cáo tài chính kiểm toán. Ngày 6.2.2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) và Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HNG) nhắc nhở việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm liên tiếp.
Theo đó, HAGL và HAGL Agrico của Bầu Đức sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu vẫn chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 bởi hai năm trước đó (năm 2015 và 2016) cả khi doanh nghiệp này đều đã chậm nộp BCTC kiểm toán.
Song sau đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho Hoàng Anh Gia Lai và HAGL Agrico được gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính năm 2017 đã kiểm toán trong thời hạn 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, nhưng không quá 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC ngày 6.10.2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
HAGL bị nghi ngờ khả năng hoạt động
Và sau gần 2 tháng kể từ ngày được UBCKNN gia hạn, Hoàng Anh Gia Lai và HAGL Agrico đã công bố báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán bởi hãng kiểm toán E&Y.
Đối với HAGL, sau kiểm toán, lãi hợp nhất năm 2017 “bốc hơi” tới 661 tỷ đồng, giảm từ mức lãi 1.032,5 tỷ đồng xuống còn 371,6 tỷ đồng. Khoản chi phí tài chính của HAGL cũng đã tăng do chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lại của các công ty con trên 130,4 tỷ đồng; thuế nhà thầu tại nhóm công ty Lào, Campuchia tăng gần 12,8 tỷ đồng.
HAGL của bầu Đức từng bị nghi ngờ khả năng hoạt động do nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn là 3.526 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, trong BCTC hợp nhất đã kiểm toán của HAGL, kiểm toán viên có nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn. Dựa trên yếu tố nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn là 3.526 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.
Đối với khoản thu ngắn hạn và dài hạn từ Công ty CP Đầu tư BĐS An Phú, và các bên liên quan với tổng trị giá 10,57 tỷ đồng, khoản trả trước cho người bán trị giá 28,46 triệu đồng, khoản phải thu từ cho vay 47,2 triệu đồng đã được HAGL ghi nhận, đơn vị kiểm toán cho biết không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán để xác định khả năng thu hồi 4.023 tỷ đồng trong các số dư trên.
Về phía HAGL, Tập đoàn cho biết đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng đầu tư mạnh vào mảng cây ăn trái và tham gia vào chuỗi giá toàn cầu bằng các kênh xuất kh u trực tiếp sang các thị trường lớn, củng cố mảng cao su, thanh lý mảng thủy điện, đàm phán với đối tác để bán dự án Myanmar.
Ngoài ra, Công ty cũng đang xúc tiến nghiệp vụ phát hành chứng khoán để huy động vốn nhằm giải quyết khó khăn về thanh khoản. Công ty cũng đang bàn bạc với các ngân hàng có liên quan để điều chỉnh các điều khoản ràng buộc trong các hợp đồng tín dụng không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Vì vậy, HAGL tin rằng Công ty sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục lập báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục.
“Bom nợ” tỷ USD và cái bắt tay với tỷ phú Trần Bá Dương
Nhìn lại quãng thời gian 5 năm, từ thời điểm Hoàng Anh Gia Lai quyết định chuyển hướng kinh doanh từ BĐS sang nông nghiệp vào năm 2013, qua kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn 2013 - 2017, dễ dàng nhận thấy việc chuyển đổi của doanh nghiệp bầu Đức đi kèm với khối nợ tăng dần qua từng năm.
HAGL buộc phải bán đi một trong những mảng kinh doanh hiệu quả nhất là mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công, chuyển nhượng nhiều dự án thủy điện, bất động sản cho các doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp Bầu Đức hiện đã cầm cố gần như tất cả các tài sản của tập đoàn, từ nhà đất bất động sản, vườn cây, trụ sở, các tài sản thành từ vốn vay dự án nuôi bò, các vườn cao su tại Lào, Văn phòng làm việc Hội sở chính HAGL, tổng tài sản hình thành trong tương lai từ dự án Trung tâm thương mại HAGL tại Myanmar… và hàng cả cổ phiếu của ông Đoàn Nguyên Đức.
Bước sang năm 2018, HAGL vẫn chưa thể thoát khỏi vòng xoáy nợ nần. Dù kết quả kinh doanh của HAGL trong năm 2018 đã được cải thiện ít nhiều, nhưng những góc tối trong cơ cấu tài chính của doanh nghiệp này vẫn là mối lo ngại với những nhà đầu tư.
Theo BCTC hợp nhất quý II.2018 của HAGL, tiền mặt tại quỹ và các khoản tương đương tiền của HAGL tại thời điểm 30.6.2018 đạt 230,33 tỷ đồng, chiếm 0,41% tổng tài sản doanh nghiệp, tăng so với mức 0,26 % ở thời điểm 31.12.2017.
Trong khi đó, giá trị các khoản nợ ngắn hạn ở mức 13.673,2 tỷ đồng, tăng 10,46% sau 6 tháng. Theo tính toán, cứ 59,3 đồng vay ngắn hạn của HAGL chỉ được đảm bảo thanh toán bởi 1 đồng tiền mặt. Đây là một dấu hiệu cho thấy thanh khoản của HAGL đang trong tình trạng khó khăn.
Tính đến 30.6.2018, tổng nợ HAGL ghi nhận 36.851 tỷ đồng, trong đó nợ vay cả ngắn và dài hạn chiếm hơn 23.161 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và công ty liên quan là chủ nợ lớn nhất của HAGL. Cụ thể, HAGL đang nợ BIDV và công ty có liên quan tổng cộng hơn 9.223 tỷ đồng chiếm khoảng 40% tổng nợ vay tài chính của doanh nghiệp này hiện nay.
Sacombank cũng là chủ nợ lớn của HAGL khi doanh nghiệp này vay dài hạn của Sacombank 2.770 tỷ đồng và ngắn hạn 58,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng khác cũng là chủ nợ lớn của Bầu Đức, như HDBank cũng đang cho HAGL vay dài hạn hơn 1.495 tỷ đồng; ngân hàng Liên doanh Lào Việt (chi nhánh Attapeu) cho vay 1.397 tỷ đồng dài hạn và 374,6 tỷ đồng ngắn hạn; TPBank cũng cho vay 1.229 tỷ đồng dài hạn và 299,6 tỷ đồng ngắn hạn; ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia cho vay 19,3 tỷ đồng dài hạn và 35,1 tỷ đồng ngắn hạn.
Cái bắt tay với tỷ phú Trần Bá Dương đã giúp Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) có thêm tiền để giải quyết nợ nần
Và sau nhiều cố gắng thương thảo, đầu tháng 8.2018, Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) do tỷ phú Trần Bá Dương làm chủ tịch và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm chủ tịch đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược thông qua việc Thaco sẽ mua một lượng lớn cổ phần và trái phiếu chuyển đổi tại 2 công ty con quan trọng của HAGL là công ty nông nghiệp HAGL Agrico và khu phức hợp của HAGL tại Myanmar.
Sau cái bắt tay với tỷ phú Trần Bá Dương, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT đã kết thúc quý III.2018 với kết quả kinh doanh có nhiều tiến triển.
HAGL ghi nhận lãi ròng 403,2 tỷ đồng, tăng đến 235,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Công ty đạt 4.435,4 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi trước thuế gần 519,8 tỷ đồng, thực hiện 71,3% kế hoạch doanh thu và vượt đến 160% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong năm 2018.
Tuy nhiên, công ty của Bầu Đức đã phải vay nợ ròng 2.874,3 tỷ đồng để bù đắp cho dòng tiền âm tổng cộng hơn 2.168,1 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Cùng với đó, cũng có dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch nợ của HAGL từ dài hạn sang ngắn hạn. Tại thời điểm 30.9.2018, HAGL ghi nhận 5.790 tỷ đồng vay ngắn hạn, tăng 129% và 15.269,5 tỷ đồng vay dài hạn, giảm 24,8% so với đầu năm 2018.
Như vậy công ty giảm khá mạnh vay dài hạn từ con số 20.296 tỷ xuống 15.269,5 tỷ đồng nhờ tất toán khoản vay 1.190 tỷ tại TPBank, thanh toán một phần 1.900 tỷ cho khoản vay tại Sacombank và chuyển những khoản đến hạn trả trong vòng một năm tới thành vay ngắn hạn.
Và cũng vì lý do nêu trên, vay ngắn hạn của HAGL đã tăng từ 2.528,7 tỷ lên 5.790 tỷ đồng. Tổng nợ vay ghi nhận là 21.059 tỷ đồng, giảm 1.764 tỷ đồng so với đầu năm.
Tại thời điểm kết thúc quý III.2018, tổng chi phí phải trả cả ngắn hạn và dài hạn là 3.925 tỷ đồng, tăng 33,2% so với đầu năm. Trong đó, chi phí lãi vay là 2.847 tỷ đồng, tăng 33,4% so với đầu năm. Như vậy, mỗi sáng thức dậy, Bầu Đức phải gánh 31,6 tỷ đồng lãi vay ngân hàng.
Hành trình "vượt khó" của Bầu Đức và HAGL có lẽ chỉ mới bắt đầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.