Hệ sinh thái đa dạng
Từ đảo Cồn Cỏ nhìn về phía Tây ta sẽ thấy rõ màu xanh của rừng dương ven biển Cửa Tùng và bãi cát trắng phau trước thềm địa đạo Vịnh Mốc. Phía Tây Nam là một dải bờ nam sông Bến Hải, xa nữa là dãy Trường Sơn tím nhạt chạy dài. Chính nhờ vị trí đó mà Cồn Cỏ giữ một ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng trong cuộc đụng đầu lịch sử khi đất nước ta còn chia cắt hai miền Nam - Bắc.
Một góc biển đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). (Ảnh: Q.A)
Ông Lê Quang Lanh - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ giải thích về tên gọi của hòn đảo: “Gọi là Cồn Cỏ bởi đây là hòn đảo xanh với 75% diện tích là rừng. Cồn Cỏ là hải đảo duy nhất ở thềm lục địa Việt Nam có sinh thái rất đa dạng. Rừng ở đây xanh tốt, là loại rừng nhiệt đới phát triển với 3 tầng cây cỏ và dây leo. Bởi thế, Cồn Cỏ còn được mệnh danh là hòn ngọc xanh giữa trùng khơi”.
Thế giới động vật trên đảo khá độc đáo. Các loài chim, rắn ở đây rất nhiều, đặc biệt có loài rắn lục nhỏ xanh có thể ngâm làm thuốc. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to gần bằng bàn tay, là nguồn thực phẩm dồi dào và quan trọng trên đảo.
Con cua đá đảo Cồn Cỏ còn vinh dự được đi vào bài hát vui nhộn thời chiến tranh mang tên “Con cua đá”. Lời bài hát về con cua đá đã được nhiều thế hệ chiến sĩ thuộc nằm lòng: “Cồn Cỏ ấy có con (cá đua) mà là con cua đá, góp phần bồi dưỡng bộ đội ta càng đánh Mỹ lăn quay”… Ngoài ra, biển Cồn Cỏ còn có giống rắn biển và hải sâm đen, trắng to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, đều là những loại thuốc quý.
Tiềm năng du lịch
Chính vì hệ sinh thái đa dạng mà định hướng phát triển của đảo Cồn Cỏ là du lịch sinh thái, hấp dẫn du khách bằng vẻ nguyên sơ, chưa được khai thác. Hiện nay, dân số trên đảo chưa nhiều, với chủ trương "dân sự hóa", năm 2002, mô hình "đảo thanh niên" của Tỉnh đoàn Quảng Trị được thiết lập. 43 thanh niên trẻ, khỏe và nhiệt huyết đã xung phong ra đảo lập nghiệp. Họ phải sống xa đất liền, chịu đựng mọi thiếu thốn về vật chất, tinh thần, đem sức trẻ xây dựng cuộc sống, xóa tan không khí cô tịch trên hòn đảo vắng.
Theo ông Lê Quang Lanh, cơ sở để đảo Cồn Cỏ phát triển du lịch sinh thái rừng là hoàn toàn khả thi. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu để tổ chức những tour du lịch theo kiểu đi vào những con đường mòn trong rừng, nghiên cứu những loài cây cỏ và hệ động thực vật trong rừng, tìm hiểu những nguồn gen quý hiếm” - ông Lanh cho biết.
Trên đảo có hàng chục cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi, gốc to vài người ôm không xuể, đặc biệt có bàng vuông - một giống cây quý cũng có trên đảo Trường Sa. Ngoài ra, ngọn hải đăng liên quan đến Anh hùng LLVT Thái Văn A - chiến sĩ trinh sát trên đảo Cồn Cỏ - nơi bị máy bay và tàu chiến đánh phá ác liệt ngày nay vẫn còn trên đảo. Đây cũng sẽ là một địa chỉ đỏ để khách du lịch tìm hiểu lịch sử truyền thống.
Ở vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ, du khách sẽ rất thích thú với dịch vụ lặn biển để ngắm san hô, bởi theo lời các thợ lặn ở đây, đáy biển có một rạng san hô tuyệt đẹp. Trong các rạng san hô, những loài cá quý tung tăng bơi lội tạo ra một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt.
Đến nay ở đảo Cồn Cỏ, các nhà khoa học thống kê có 113 loài san hô, 57 loài rong, cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi… Những con số này đang đặt ra một vấn đề, khai thác du lịch sinh thái phải làm thế nào để bảo vệ được môi trường bền vững cho các loài động thực vật vùng biển nhiệt đới đang sinh sống trên đảo.
Từ độ sâu 8-10m, san hô chiếm 85% diện tích đáy biển, màu sắc, hình thù vô cùng sặc sỡ, lạ mắt chẳng khác nào một tòa lâu đài lộng lẫy dưới thủy cung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.