Các hình thức quảng cáo như “thương hiệu bán lẻ hàng tiêu dùng phong cách thời trang Hàn Quốc” của Mumuso hay chuỗi cửa hàng bán lẻ cung cấp các mặt hàng “chất lượng, theo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản” của Miniso… rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Trên thực tế, sản phẩm của các chuỗi cửa hàng này hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc.
Dạo một vòng cửa hàng Mumuso trong Trung tâm thương mại AEON Bình Tân (quận Bình Tân, TP.HCM), khách hàng hầu hết là những người trẻ, nhân viên văn phòng hoặc giới sinh viên, học sinh đến mua sắm.
Mumuso tự giới thiệu là thương hiệu bán lẻ hàng tiêu dùng phong cách thời trang Hàn Quốc, đại diện cho sự đơn giản, thời thượng và lối sống lành mạnh của xứ Hàn với mức giá chỉ từ 22.000 đồng.
Mumuso luôn dùng chữ "Korea" để quảng cáo sản phẩm, dù là có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Thế nhưng, theo quan sát, phần lớn sản phẩm bày bán tại Mumuso đều dán nhãn “made in China”, các sản phẩm điện tử, phụ kiện điện thoại, tai nghe, sạc pin… đều có giá rất “bình dân”.
Mới đây, sau khi tổ chức kiểm tra, Bộ Công Thương khẳng định Mumuso Việt Nam đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp này kinh doanh gần 2.300 loại hàng hóa, trong đó có đến 99,3% loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại mua từ các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.
Theo Bộ Công Thương, Mumuso Việt Nam đã có dấu hiệu vi phạm một loạt các quy định. Cụ thể như việc vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.
Mumuso cũng dùng chữ “Korea” để quảng cáo sản phẩm gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Còn tại Hàn Quốc, Bộ Công thương cho rằng, không có cửa hàng nào có tên là Mumuso như quảng cáo của doanh nghiệp này.
Hay như tại chuỗi cửa hàng Miniso, được quảng cáo là kinh doanh các mặt hàng chuẩn chất lượng Nhật Bản. Chuỗi cửa hàng Miniso bày bán nhiều sản phẩm mỹ phẩm với nhãn dán chi chít tiếng Nhật, kèm theo tiếng Anh. Tuy nhiên, xuất xứ hàng hóa vẫn là “Made in China”.
Nhiều cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đồng giá khác như Minigood, Daiso, Ilahui… đều dùng “chiêu” quảng cáo là hàng hóa phong cách Nhật Bản, hàng hóa chuẩn Nhật, Hàn… nhưng lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Chiếc áo trẻ em bị nghi thay nhãn mác nguồn gốc hàng hóa tại cửa hàng Con Cưng vừa bị khách hàng phát hiện.
Chị Nguyễn Thị Mùi, chuyên viên marketing của một doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng tại quận 3 (TP.HCM), cho rằng ưu điểm của các cửa hàng đồng giá, cửa hàng tiện lợi theo phong cách nước ngoài hiện nay là trang trí bắt mắt, hiện đại, hàng hóa phong phú, đa dạng và giá rẻ.
Sản phẩm của các nhãn hiệu này chủ yếu phục vụ người tiêu dùng trẻ tuổi tại các thành phố lớn, các khu dân cư đông đúc. Những doanh nghiệp này cũng có nguồn lực vốn đủ lớn để thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn, ví dụ như treo thưởng các chuyến đi tham quan Hàn Quốc, Nhật Bản… khiến người dùng càng dễ nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Đặc biệt, lợi dụng tính “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng, nhiều thương hiệu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mập mờ, “đánh lận con đen”, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Hành vi này có thể xem là gian lận thương mại, vì cạnh tranh không lành mạnh.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận xét tình trạng nhập nhèm nguồn gốc sản phẩm hiện trên thị trường rất phổ biến. Ông Phú cho rằng, theo Luật Thương mại, Luật Quảng cáo và các quy định pháp luật khác, lẽ ra các thương hiệu này phải ghi rõ bao nhiêu phần trăm là hàng gì. Ví dụ Hàng Nhật sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu rành mạch rõ ràng về nguồn gốc như vậy, doanh số các cửa hàng này có thể sẽ giảm ngay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.