Côn đồ bảo kê – cán bộ bảo kê

Vương Hà Thứ bảy, ngày 13/07/2019 14:25 PM (GMT+7)
Nếu vấn nạn “thu tiền” và bảo kê vẫn còn, thì trật tự xã hội không thể bình yên.
Bình luận 0

Vụ án xét xử Hưng “kính” và đồng bọn ngày 11/7 phải tạm hoãn vì vắng mặt luật sư. Nhưng những hành vi lộng hành, ngang ngược trấn tiền bà con tiểu thương ở chợ Long Biên không bớt ám ảnh xã hội, bởi những kiểu vụ án này không còn xa lạ với dư luận, đặc biệt với người Hà Nội. Vụ án này chỉ nối tiếp chuỗi vụ án của các băng nhóm xã hội đen đội lốt “bốc vác”: Từ vụ án Khánh “trắng” ồn ào dư luận thời gian dài; băng nhóm của Phúc “bồ” và Hùng “cuba”, nay đến lượt Hưng “kính”.

Vấn đề là cần làm rõ, vì sao một số băng nhóm đội lốt bốc xếp vẫn có thể hoành hoành, ngày càng ngang ngược? Đó mới là điều khiến dư luận thật sự bức xúc.

img

Hưng "kính" - trùm bảo kê chợ Long Biên.

Nếu như Khánh “trắng” không ngông cuồng “làm thay” cơ quan chức năng “thu giữ” tài sản của con nợ ở 71 D-E Kim Mã, chắc y chưa bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội danh cướp. Từ đó, chuyên án về Khánh “trắng” mở rộng liên quan tới 9 vụ án: Vụ cướp ở 71D- E Kim Mã, vụ giết người ở phố Hàng Chiếu, vụ giết người ở trại giam Hà Nội… Trong đó không thể không kể đến việc từ một tên lưu manh, Khánh “trắng” thành lập Đội dịch vụ bốc xếp, rồi trở thành “Chủ tịch nghiệp đoàn bốc xếp” chợ Đồng Xuân với khoảng 500 nhân viên.

Với lực lượng hùng hậu, trong đó có nhiều côn đồ, lưu manh, Khánh dễ dàng dẹp tan các băng nhóm cát cứ khác và ngang nhiên tung hoành ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Long Biên. Nhưng điều đáng nói nhất trong những vụ án liên quan tới Khánh “trắng”, kể cả vụ cướp ở 71 Kim Mã, cơ quan chức năng ở địa bàn chấp nhận như đó là chuyện… bình thường!?

Cùng thời với Khánh “trắng”, dư luận vẫn không thể quên những vụ án liên quan đến những kẻ cầm đầu “cửu vạn” nổi tiếng ở chợ tạm Phùng Hưng và chợ Long Biên là Phúc “bồ” và Hùng “cuba”. Nếu Phúc “bồ” nổi tiếng không chỉ vì “cuộc chiến” một mất một còn với Khánh “trắng” nhằm tranh giành địa bàn, mà còn bởi có “phi công trẻ” Dương Tử Anh, từng là võ sĩ có tên tuổi trước khi dính vào Phúc “bồ”, thì sau đó một thời gian, cùng với Hùng “cuba”, một số vị trong ban quản lý chợ Long Biên đã bị khởi tố vì để Hùng tác oai tác quái ở chợ.

Những tưởng, những vụ án kiểu đó sẽ là bài học cho các cơ quan chức năng để phòng ngừa tội phạm, nhưng không, đâu vẫn nguyên đấy.

Do đó, dư luận không khỏi ngỡ ngàng, bởi vẫn tính chất, hình thức cũ,  Hưng “kính” lại hoành hoành ở chợ Long Biên. Khác chăng giữa các đối tượng này là, nếu vụ án Khánh “trắng”, Phúc “bồ” bị khởi tố vì những tội khác, sau đó mới bị “bóc” thêm những hành vi côn đồ dưới “áo khoác” bốc xếp, thì vụ án của Hưng “kính” bị khởi tố xuất phát từ những bài báo báo điều tra ra sự thật kinh hoàng. Điều khác biệt nữa là, trong vụ Hưng “kính”, các đơn thư tố cáo của tiểu thương ở chợ hình như không có giá trị với các cơ quan chức năng. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc quyết liệt, vụ việc động trời mới được sáng tỏ, lúc đó cơ quan chức năng mới bắt đầu vào cuộc.

img

Phiên xét xử sơ thẩm Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) cùng các đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản” sáng 11/7 bất ngờ bị hoãn, dời phiên xử đến ngày 25/7. 

Những vụ việc này đặt ra câu hỏi lớn trong dư luận: Có hay không việc các cơ quan chức năng của địa phương làm ngơ cho những băng nhóm kiểu này? Và, làm ngơ để làm gì?

Chúng tôi đặt ra câu hỏi này bởi, không chỉ là các băng nhóm xã hội đen lũng đoạn ở một số chợ mà ở nhiều lĩnh vực khác, ở nhiều địa phương đều xảy ra hiện tượng này. Rõ ràng nhất là ở lĩnh vực xây dựng. Dù chỉ là xây dựng, cơi nới nho nhỏ, các cơ quan chức năng sớm có mặt để “hỏi thăm”. Nhưng không hiếm các cao ốc chọc trời, không chỉ vượt phép tới 10 tầng, thậm chí xây “chui” cả trăm căn biệt thự khi chưa có giấy tờ, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Chỉ đến khi chủ đầu tư đã xây dựng xong phần thô, cơ quan chức năng mới chợt phát hiện ra (!?).

Về hiện tượng “bảo kê”, tại Hội nghị về đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị ở Hà Nội trước đây, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nói thẳng băng trước các cán bộ chủ chốt: “Khi làm Giám đốc Công an thành phố, tôi thống kê trên 180 quán bia hơi vỉa hè thì 150 quán có công an đứng đằng sau. Nên chỉ cần quán triệt mấy ông công an là tốt hết”. Ông Chung cho biết thêm: Có cửa hàng nằm giáp ranh 3 quận, các đoàn kiểm tra xuống cứ đổ cho nhau vì “cả 3 ông đều thu tiền”.

Những điều đó cho thấy, nếu vấn nạn “đều thu tiền” và bảo kê vẫn còn, thì trật tự xã hội không thể bình yên. Do đó, nếu chỉ xử những đầu gấu, mà chưa lôi cổ được những người có trách nhiệm ở các cơ quan chức năng bảo kê thì còn những vụ án ngược đời: Kẻ làm thuê (như “cửu vạn”) bắt nạt, tống tiền các ông chủ (tiểu thương) sẽ còn diễn ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem