Một báo cáo của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết, có đến 75% số cà phê của Việt Nam không đạt chuẩn Chương trình nâng cao chất lượng cà phê (CQP), trong khi tỷ lệ này của Indonesia chỉ có 9%.
|
Nông dân nhiều nơi vẫn còn thói quen thu hái cà phê xanh non, khiến chất lượng cà phê bị giảm sút. |
Báo động đỏ về chất lượng
Trên thực tế, khách hàng thường phàn nàn cà phê Việt Nam có độ ẩm trên 13%, kích cỡ không đồng đều, tỷ lệ đen vỡ cao, nhiều tạp chất, có mùi đất và nhiều vị lạ... Đây chính là lỗi dây chuyền từ khâu thu hái, vận chuyển, bảo quản, chế biến của nông dân và các doanh nghiệp (DN).
Mặc dù thu hái là khâu rất quan trọng và không khó thực hiện, nhưng vấn nạn thu hái cà phê xanh non vẫn tồn tại từ nhiều năm qua là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ đen vỡ, nhăn nheo, hạt nhỏ, ẩm mốc.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk, thêm một lo ngại là ngày càng có nhiều diện tích cà phê được mở rộng tự phát tại những vùng nằm ngoài quy hoạch đất đai và khí hậu không phù hợp, nguồn nước không đảm bảo... làm giảm thêm chất lượng và hiệu quả kinh tế.
"Đã có thời kỳ Đăk Lăk mạnh dạn cưỡng chế, nhổ bỏ diện tích cà phê trồng ngoài quy hoạch nhưng người dân phản ứng quyết liệt nên lại thôi" - ông Sinh nói. Cũng tại Đăk Lăk, số hộ có dưới 0,5ha cà phê chiếm đến 35%, số hộ có từ 0,5 - 1ha chiếm 34%, nên việc đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng cà phê lại càng khó thực hiện.
Khâu chế biến mặc dù đã có sự nỗ lực, song nhìn chung còn lạc hậu về công nghệ, manh mún về quy mô với 70% sản lượng được phơi khô, xát vỏ trong các hộ gia đình bằng phương pháp thủ công.
Về mặt tiêu chuẩn, Việt Nam chỉ phân ra 3 loại cà phê dựa trên 4 tiêu chí cơ bản (độ ẩm, tạp chất, hạt vỡ, kích cỡ), trong khi cà phê xuất khẩu của Colombia có đến 6 thứ hạng với 7 tiêu chí (độ ẩm, hương thơm, màu sắc, cỡ hạt, hàm lượng hạt lỏng, tạp chất, mùi vị).
Đây là lý do khiến cà phê Việt Nam phải chịu mức giá thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước khác khoảng vài trăm USD mỗi tấn. Điều này dẫn đến nghịch lý là mặc dù đứng hàng đầu thế giới về sản lượng, song giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại rất thấp.
Doanh nghiệp xuất khẩu đói vốn
Mặc dù là cây công nghiệp dài ngày, nhưng cà phê lại rất nhạy cảm với giá cả thị trường. Những người xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên vẫn chưa quên sự cố năm 2004: Giá cà phê tăng từ 600USD/tấn lên 4.000USD/tấn, trong khi hầu hết các DN đều bán với giá 2.000USD vì tưởng đây là mức giá đỉnh.
Theo Công ty CP Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (Cafecontrol), nếu được thu hái, bảo quản và chế biến đúng quy trình, cà phê Việt Nam sẽ có 35% loại rất tốt, 50% loại tốt, 10% loại trung bình và chỉ 5% loại kém.
Niên vụ 1998 - 1999 và cả niên vụ 2010 - 2011 mới đây, khi giá cà phê lên trên 2.000USD/tấn thì phần lớn nông dân và các DN xuất khẩu đều không còn hàng, trong đó phần lớn nông dân đã bán hết khi giá trong nước mới nhích lên 32.000 đồng/kg.
Các DN xuất khẩu không chỉ đóng vai trò tiêu thụ, mà còn là lực lượng quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị, vị thế cà phê Việt trên thị trường thế giới. Song, bên cạnh năng lực dự báo và ứng phó còn nhiều hạn chế, DN Việt Nam luôn thiếu vốn xuất khẩu cũng là nguyên nhân làm cho cà phê Việt Nam luôn bị ép giá trên thị trường.
Ông Vũ Đức Tiến - Giám đốc Công ty cổ phần XNK cà phê Tây Nguyên - cho biết: "Khi nông dân cần bán thì DN không có tiền, đến lúc lượng cà phê tồn đọng quá nhiều, các DN nước ngoài lại vào ép giá mua rẻ. Nghĩa là nông dân ta còng lưng làm cho nhà buôn nước ngoài hưởng. Cũng do lãi suất ngân hàng quá cao, khó vay, không vay được dài hạn nên hơn 140 DN trong nước chỉ mua đứt bán đoạn. Hiện DN Việt Nam chưa có khả năng tích trữ nhằm chứng tỏ khả năng điều tiết thị trường của Việt Nam với tư cách là quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới".
Tương tự, người trồng cà phê cũng chỉ vay được khoảng 30 - 40% nhu cầu vốn sản xuất, còn lại đành phải mua chịu vật tư của đại lý với lãi suất có khi lên đến 25 - 30%/năm. Đến vụ thu hoạch, họ buộc phải bán ngay với bất kỳ giá nào để trả cho ngân hàng và chủ nợ tư nhân. Trong khi đó, quỹ hỗ trợ nông dân giữ vững diện tích, tránh chặt bỏ ồ ạt khi thị trường biến động xấu đã được bàn đến từ lâu...
Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm là vấn đề sống còn của ngành cà phê Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dự báo nguồn cung cà phê trên thế giới sẽ vượt cầu trong 2 - 3 năm tới. Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực đồng bộ từ cơ quan quản lý, Hiệp hội Cà phê - Ca cao, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và hàng triệu nông dân đã và đang gắn chặt vận mệnh của mình với cây cà phê.
Đồng Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.