Thái Nguyên: Trồng đủ thứ cam chín đỏ đồi, nông dân bẻ trái ăn ngọt lừ

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 24/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Nhờ chuyển đổi từ trồng rừng kết hợp trồng chè kém hiệu quả sang trồng cam, gia đình anh Đỗ Ngọc Trung (xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Đến thăm vườn cam của gia đình anh Đỗ Ngọc Trung (xóm Bờ Suối, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), không ai là không bị thu hút bởi những chùm cam chín mọng, sai trĩu quả đang đến kỳ thu hoạch.

Thái Nguyên: Đưa cam lên đồi trồng, anh nông dân có thu nhập khá  - Ảnh 2.

Vườn cam của gia đình anh Trung trồng 3 loại cam là cam Vinh, cam V2 và cam canh (Ảnh: Hà Thanh)

Anh Trung cho biết, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng rừng kết hợp với trồng chè nhưng hiệu quả không cao. Do đó, năm 2017 anh chuyển sang mô hình trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cam.

Giống cam được anh Trung trồng là giống cam canh, cam V2 và cam Vinh. Trong đó cam canh có số lượng lớn nhất với khoảng 200 cây.

Theo anh Trung, cam canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời năng suất và chất lượng cũng cao hơn. Trung bình một cây cam canh trưởng thành nếu chăm sóc tốt sẽ cho năng suất khoảng 70kg quả/cây.

Thái Nguyên: Đưa cam lên đồi trồng, anh nông dân có thu nhập khá  - Ảnh 3.

Theo anh Trung, trồng cam trên đất đồi vất vả hơn nhiều so với trồng dưới bãi. (Ảnh: Hà Thanh)

Vườn cam của anh Trung chủ yếu để phục vụ khách hàng trong dịp Tết. Những năm trước, anh bán cam canh với giá trung bình 50.000 đồng/kg, cam V2 là 40.000 đồng/kg, còn cam vinh được bán với giá dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm.

Theo anh Trung, việc trồng cam trên đất đồi sẽ vất vả hơn so với việc trồng ở đất bãi. Bởi cây cam trồng trên đồi đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn. 

Để tránh trường hợp bị trôi mất phân bón, trước khi trồng, anh Trung đã tiến hành hạ cấp để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch cam.

Thái Nguyên: Đưa cam lên đồi trồng, anh nông dân có thu nhập khá  - Ảnh 1.

Những quả cam căng mọng, chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. (Ảnh: Hà Thanh)

Theo anh Trung, phân và nước là hai thứ không thể thiếu trong quá trình trồng và chăm sóc cây cam. Tuy nhiên, cần chú ý chăm sóc và bón phân sao cho phù hợp, nếu thừa phân gây sẽ dễ bị nhiễm bệnh và thối rễ, còn nếu thiếu thì cây sẽ không phát triển được.

Theo định kỳ, mỗi tháng anh Trung sẽ bón phân một lần, tùy độ tuổi của cây mà lựa chọn việc bón phân cho phù hợp. Anh Trung chủ yếu bón phân chuồng ủ hoai mục cho vườn cam. 

Ngoài ra, anh Trung còn bổ sung thêm đạm, lân, kali để tăng sức đề kháng và phòng trừ sâu bệnh cho cây cam. Theo anh Trung, cây cam thường mắc các loại bệnh chủ yếu là bệnh thối rễ và bệnh vàng lá. Khi cây mắc phải các loại bệnh này gần như không có cách để chữa trị mà phải chặt bỏ.

Thái Nguyên: Đưa cam lên đồi trồng, anh nông dân có thu nhập khá  - Ảnh 5.

Để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho vườn cam, anh Trung thiết kế một bể chứa nước trên đỉnh đồi (Ảnh: Hà Thanh)

Để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho cam, anh Trung đã thiết kế một bể chứa nước lớn trên đỉnh đồi để phục vụ cho việc tưới tiêu. Việc thiết kế này giúp giảm thiểu được chi phí vận hành máy bơm nước, đồng thời chủ động được nguồn nước tưới cho cây.

Hiện cam tại vườn của gia đình anh được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Do đó, cam của gia đình anh từ trước tới nay thu hoạch tới đâu được khách hàng đặt mua tới đó. Thậm chí có thời điểm không có đủ hàng để bán. Chỉ có duy nhất cam canh là gia đình anh Trung phải mang ra chợ bán do giá thành của loại cam này cao, tuy nhiên số lượng mang ra chợ bán không nhiều.

Thái Nguyên: Đưa cam lên đồi trồng, anh nông dân có thu nhập khá  - Ảnh 6.

Anh Trung cho biết, cây cam thường mắc các bệnh thối rễ và bệnh vàng lá. (Ảnh: Hà Thanh)


Hiện nay, thu nhập từ trồng cam của gia đình anh Trung chưa phải quá lớn do anh mới trồng và diện tích không nhiều. Tuy nhiên về lâu dài, anh dự định sẽ mở rộng quy mô và phát triển chất lượng ngày càng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Anh Trung dự kiến, với khoảng 1ha trồng cam như hiện tại, năm nay gia đình anh sẽ thu được khoảng 5 tạ quả.

Thái Nguyên: Trồng đủ thứ cam trên đất đồi, vất vả nhưng thu toàn trái ngọt - Ảnh 16.

Ông Trần Văn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hoà thăm vườn cam của gia đình anh Trung. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Trần Văn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hòa đánh giá, gia đình anh Trung là một trong những hộ phát triển kinh tế điển hình trên địa bàn xã trong những năm gần đây. 

Ngoài làm kinh tế giỏi, gia đình anh còn nhiệt tình tham gia và có những đóng góp tích cực vào các phong trào của địa phương. Với mô hình nuôi gà và trồng cây ăn quả, trung bình mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 200-300 triệu đồng.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem