Loại thuốc BVTV nào phù hợp khi cho vào máy bay không người lái để chăm sóc cây trồng hiệu quả?

Hải Đăng Thứ năm, ngày 12/12/2024 13:36 PM (GMT+7)
Theo khảo sát của PV Báo điện tử Dân Việt, hiện nay nhiều nông dân, HTX đang tích cực đầu tư áp dụng các thiết bị bay không người lái (drone) vào phun thuốc BVTV cho cây trồng nhưng chưa thực sự quan tâm đến loại thuốc BVTV trong danh mục bằng phương pháp xử lý drone.
Bình luận 0
Hiểu đúng về sử dụng thuốc BVTV bằng máy bay không người lái - Ảnh 1.

Ông Trịnh Viết Chiến (hơn 60 tuổi) ở huyện Hoa Lư (Ninh Bình) áp dụng máy bay không người lái vào sản xuất. Ảnh: TQ

Hiệu quả cao khi phun thuốc BVTV bằng drone

Là đại điền tiên phong đưa máy bay không người lái (drone) vào chăm sóc lúa ở Ninh Bình, đến giờ ông Trịnh Viết Chiến ở xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã 2 lần thay và nâng cấp thiết bị bay để làm cánh đồng mẫu lớn.

Mới đây, ông Chiến lại đầu tư thiết bị bay mới tinh, có thể mang được 40 kg phân, thuốc BVTV, giúp công việc chăm sóc lúa đạt hiệu quả cao hơn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Chiến cho hay: Trong số các khâu trồng lúa, việc phun thuốc trừ sâu luôn tiềm ẩn nguy hiểm cho người nông dân nhiều nhất. Chính vì vậy, dùng máy bay phun thuốc trừ sâu, giải phóng sức lao động cho con người được nông dân hết sức ủng hộ.

"Với máy bay nông nghiệp điều khiển từ xa, chúng tôi sẽ không còn tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu, sự tiếp xúc duy nhất với thuốc trừ sâu là khi đổ thuốc pha vào máy bay, điều này là tối thiểu. Chúng tôi chỉ cần đứng trên bờ, xa vị trí cần phun và bấm nút, máy bay sẽ cất cánh, bay đến điểm phun và xịt thuốc tự động, đồng đều cho cây trồng. Bên cạnh việc giúp bảo vệ tối đa sức khỏe cho người đi phun do giảm trên 90% thời gian và không gian tiếp xúc với thuốc thì sử dụng máy bay có độ chính xác cao hơn, sẽ cần ít thuốc hơn và làm giảm lượng thuốc tồn dư chảy ra sông suối gần đó, hạn chế gây ra tác động ngoài ý muốn đối với môi trường", ông Chiến khẳng định.

Hiện mỗi năm gia đình ông Chiến cấy trên 150 mẫu ruộng lúa ở các huyện Hoa Lư, Yên Khánh… nên sử dụng lượng thuốc BVTV tương đối lớn. Tuy nhiên, khi được hỏi về quy định, danh mục thuốc BVTV, quy trình sử dụng thuốc BVTV với drone, ông Chiến tỏ ra khá lúng túng.

"Khi sử dụng thiết bị bay để phun thuốc BVTV, chúng tôi thường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp thiết bị để xin cấp phép bay. Thông thường vào các lứa sâu bệnh, tôi đặt mua hàng từ nhà sản xuất đưa về phun tùy theo loại dịch bệnh trên lúa", ông Chiến nói.

Nói về quy trình sử dụng thuốc BVTV với Drone, bà Bùi Thanh Hương – Trưởng phòng Phòng Thuốc bảo vệ thực vật, (Cục BVTV, Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay việc sử dụng thiết bị bay không người lái drone không quá mới mẻ trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam vấn đề này trong 1-2 năm trở lại đây trở thành hiện tượng khá phổ biến. Việc quản lý thiết bị bay thuộc nhiều các tổ chức, bộ ngành và người điểu khiển thiết bị bay phải được cấp phép bay để đảm bảo an toàn.

Các tổ chức cá nhân ngoài việc đáp ứng các quy định về xin phép và đảm bảo an toàn thiết bị bay thì việc sử dụng để phun thuốc BVTV phải đáp ứng các quy định hiện hành về quản lý thuốc BVTV.

Cụ thể, thuốc BVTV phải được đăng ký sử dụng trong danh mục bằng phương pháp xử lý drone. Các doanh nghiệp chỉ có thể in trên nhãn sau khi thuốc đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam với phương pháp xử lý bằng drone.

Trong thời gian vừa qua, Cục BVTV đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn, quy định để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký sử dụng, cụ thể là TCCS khảo nghiệm hiệu lực thuốc BVTV trên đồng ruộng bằng thiết bị bay không người lái.

Hiểu đúng về sử dụng thuốc BVTV bằng máy bay không người lái - Ảnh 2.

Ông Trịnh Viết Chiến (hơn 60 tuổi) ở huyện Hoa Lư (Ninh Bình) pha thuốc dùng cho máy bay không người lái để chăm sóc lúa. Ảnh: TQ

Cần thực hiện đúng theo quy định

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, những năm gần đây, việc sử dụng drone trong nông nghiệp (phổ biến là phun thuốc BVTV) đã được một số công ty nhập khẩu và phát triển mở rộng dưới loại hình dịch vụ ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam chỉ mới có các loại thuốc được cấp phép để sử dụng bằng thiết bị phun thông thường (bình bơm đeo vai, phun máy…). Do đó, nếu sử dụng drone để phun thuốc BVTV, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá về hiệu lực phòng trừ, quy trình sử dụng... nhằm đảm bảo an toàn cho con người, môi trường cũng như hiệu quả đối với cây trồng.

Hiệu lực sinh học của thuốc khi phun bằng drone là một vấn đề rất quan trọng do khi phun, thuốc BVTV sẽ rơi tự do, hạt nước quá nhỏ và bay hơi trước khi tiếp xúc đến cây trồng, nên hiệu quả sử dụng cần phải được đánh giá cụ thể.

Theo các chuyên gia, tính an toàn đối với con người khi phun thuốc BVTV bằng drone cần phải được đánh giá, nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể. Do lượng thuốc sử dụng quá đậm đặc, có thể gây ra hiện tượng ngộ độc cấp tính. Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ an toàn của việc sử dụng drone trong phun thuốc BVTV đối với cây trồng, thủy sản, ong… trong khu vực sử dụng và môi trường xung quanh cũng là vấn đề cần phải được khảo nghiệm, xem xét, đánh giá trên nhiều phương diện.

Ngoài ra, không phải bất cứ loại thuốc BVTV nào cũng có thể sử dụng Drone để phun, do liên quan đến dạng thuốc, cơ chế tác động của thuốc, cây trồng, đặc tính của sinh vật gây hại. Phun thuốc bằng Drone sẽ rất khó tiếp xúc đối với các sinh vật gây hại mặt dưới của tán lá, dưới gốc cây hay sinh vật gây hại trong thân, dưới đất...

Một số dạng thuốc BVTV do khả năng hòa tan của thuốc trong nước kém, sẽ dẫn đến làm tắc vòi phun, không hiệu quả khi sử dụng. Ngoài ra, việc pha thuốc để sử dụng Drone đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao do lượng nước sử dụng rất ít, nếu sử dụng lượng thuốc nhiều sẽ rất khó hòa tan và phân tán đều trong nước.

Việc sử dụng Drone trên thực địa còn một số hạn chế như tính ổn định và chính xác của thiết bị, sự ảnh hưởng của khí động học đối với các thiết bị đơn hoặc đa cánh quạt, hay sự tương tác với các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió…).

Bà Bùi Thanh Hương – Trưởng phòng Phòng thuốc BVTV cho biết, để tiếp tục thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, đầu năm 2024, Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã ký kết Kế hoạch hợp tác triển khai chương trình "Khung quản lý thuốc BVTV bền vững".

Thông qua ký kết này, hai bên sẽ đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tiên tiến về thuốc BVTV; xây dựng các nền tảng, đào tạo, tập huấn và đổi mới phương thức tiếp cận nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông về vai trò của thuốc BVTV, ứng dụng các giải pháp mới trong triển khai khung quản lý thuốc BVTV bền vững. Trong đó, có việc sử dụng thiết bị bay không người lái Drone trong ứng dụng phun thuốc BVTV.

Thuốc BVTV phải được đăng ký sử dụng trong danh mục bằng phương pháp xử lý drone. Các doanh nghiệp chỉ có thể in trên nhãn sau khi thuốc đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam với phương pháp xử lý bằng drone.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem