Con đường quan lộ Chu Vĩnh Khang - Kỳ 3: Leo lên đứng đầu ngành chính pháp
Con đường quan lộ của Chu Vĩnh Khang - Kỳ 3: Leo lên đứng đầu ngành chính pháp
PV (tổng hợp)
Thứ tư, ngày 11/12/2024 18:29 PM (GMT+7)
Tại Đại hội 17, với "ưu thế" của mình, Chu Vĩnh Khang đã tiến thêm một nấc trên bậc thang danh vọng, trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, thay vị trí của La Cán (về hưu), chủ quản ngành chính pháp Trung ương. Một phần của sự tấn thăng này là nhờ sự sắp xếp của Tăng Khánh Hồng.
Có người nói, nếu lấy khu vực làm chuẩn, Tăng Khánh Hồng là người của "bang Thượng Hải", nếu xét nhân tố xuất thân, Tăng Khánh Hồng thuộc "phe Thái tử" (con cháu quan chức cao cấp), nhưng tất cả đều không chính xác bằng việc quy Tăng Khánh Hồng vào "bang dầu khí".
Thanh danh của "bang dầu khí"
Tăng Khánh Hồng có một thời gian dài công tác trong hệ thống dầu khí, xây dựng được mối quan hệ phong phú. Thế hệ đầu tiên của ngành dầu khí, gồm các ông Dư Thu Lý và Khang Thế Ân, làm tới chức Phó Thủ tướng, đều là tiền bối mà Tăng Khánh Hồng phụng sự.
Thế hệ thứ hai gồm các ông Trầm Cẩm Hoa và Thịnh Hoa Nhân, làm tới chức Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc (Mặt trận Tổ quốc Trung ương) và Phó Ủy viên trưởng (Phó Chủ tịch) Nhân đại Toàn quốc, đều được Tăng Khánh Hồng dùng mĩ từ tiến cử với lãnh đạo cấp cao.
Thế hệ thứ ba trở về sau có Chủ tịch Công ty Tập đoàn Dầu khí Hải dương (CNOOC) Vệ Lưu Thành từng được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Hải Nam, Chủ tịch Công ty Tập đoàn Công nghiệp Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) Lý Nghị Trung được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý Giám sát Tài sản Quốc hữu Trung Quốc, sau đó là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thông tin hóa...
Việc một nhân tố có vai vế trong ngành dầu khí Trần Đồng Hải bị "song quy" (biện pháp điều tra đặc biệt của do Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương và cơ quan giám sát hành chính Chính phủ Trung Quốc tiến hành, yêu cầu nhân viên liên quan có mặt tại địa điểm và thời gian quy định nói rõ về các vấn đề có liên quan tới vụ án) đã làm bại hoại thanh danh của "bang dầu khí".
Trong khi đó, Chu Vĩnh Khang có xuất thân chính quy ở ngành dầu khí. Hơn nữa, so với các quan chức cùng thời, Chu Vĩnh Khang có thời gian đảm nhiệm cương vị lãnh đạo trong doanh nghiệp dầu khí và ngành kinh tế dài hơn rất nhiều, mãi tới năm 1999, khi đã 57 tuổi, mới rời khỏi Bộ Tài nguyên Quốc thổ đi Tứ Xuyên làm "Đại sứ biên cương".
Tuy nhiên, quan trọng hơn là Chu Vĩnh Khang giành được sự tín nhiệm của ông Giang Trạch Dân. Điều đáng chú ý là sau khi Chu Vĩnh Khang trở thành Bí thư Chính pháp Trung ương, quy mô huy động lực lượng cảnh sát vũ trang ở Trung Quốc ngày càng lớn, các sự kiện ở Tân Cương, Tây Tạng hay sự kiện người Tây Tạng ở khu Xuyên Cam (khu vực người Tây Tạng sinh sống ở hai tỉnh Tứ Xuyên và Cam Túc), một lần huy động đã lên tới vài sư đoàn, ngoài ra còn có sự tham gia của các tổng đội cảnh sát vũ trang.
Các địa phương dù là cưỡng chế thu hồi hay họp hành đều sử dụng cảnh sát vũ trang khiến lực lượng này dần dần biến thành công cụ tư nhân. Nếu như dưới thời Kiều Thạch, mười mấy năm ngành chính pháp mới huy động cảnh sát vũ trang một lần, đến lượt Chu Vĩnh Khang nắm quyền, mỗi năm cảnh sát vũ trang bị huy động tới 15 lần, dần biến thành một "vương quốc độc lập".
Mối quan hệ giữa Chu Vĩnh Khang và Vương Lập Quân, Bạc Hi Lai
Trước khi Đại hội 18 khai mạc, dù có nằm mơ Chu Vĩnh Khang cũng không nghĩ được là cựu Cục trưởng Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy vào Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô (Tứ Xuyên) và sự kiện này khiến mình bị bại lộ chân tướng.
Sau sự kiện trên, Chu Vĩnh Khang đã ra sức bảo vệ Vương Lập Quân. Đây là sự thật công khai. Tại sao Chu Vĩnh Khang bảo vệ Vương Lập Quân, việc này cần phải trở lại hơn 10 năm trước khi Vương Lập Quân phụ trách hành động tấn công tội phạm ở thành phố Bàn Cẩm thuộc tỉnh Liêu Ninh.
Mùa thu năm 2002, với tư cách là Cục trưởng Công an thành phố Thiết Lĩnh, Vương Lập Quân được Sở Công an tỉnh Liêu Ninh giao nhiệm vụ tổng chỉ huy hoạt động tấn công tội phạm ở Bàn Cẩm.
Trong quá trình đánh án, Vương Lập Quân phát hiện cùng với việc sử dụng thương trường làm nguồn cung cấp tài chính, các tổ chức tội phạm ở đây còn tích cực tìm kiếm chỗ dựa về chính trị và pháp luật, thông qua các thủ đoạn như biếu tặng xe sang, tiền vàng, ra sức hối lộ và lôi kéo cán bộ đảng, chính quyền, cán bộ ngành chính pháp, biến họ thành ô bảo vệ cho mình, có cảnh sát còn biến thành kẻ đồng mưu, đồng lõa với thế lực tội ác.
Hành động tấn công tội phạm của Vương Lập Quân vô tình đã động vào địa bàn cũ của Chu Vĩnh Khang. Bởi vì Bàn Cẩm là nơi Chu Vĩnh Khang có thời gian gắn bó công tác liên tục trong 15 năm từ khi còn là kĩ thuật viên dầu mỏ và nhân vật này từng kiêm nhiệm Phó Bí thư Thị ủy, Thị trưởng Bàn Cẩm.
Năm 2010, Chu Vĩnh Khang tới Trùng Khánh thị sát, ngoài việc ca ngợi "mô hình Trùng Khánh" và Bạc Hi Lai còn lưu lại câu nói: "Tấn công, loại bỏ tận gốc thế lực tội phạm là 'công trình nhân tâm' để người dân sống những ngày yên lành".
Bị Vương Lập Quân tấn công, nhằm bảo vệ mình, những tên đầu đảng xã hội đen đã khai ra ông chủ đứng đằng sau họ. Trong đó, cha của hai ông chủ chính là nhân vật quyền lực khi xưa của thành phố Bàn Cẩm, nghe nói từng là cấp trên của Chu Vĩnh Khang khi nhân vật này ở Bàn Cẩm.
Vì chuyện của con, hai nhân vật quyền lực một thời ở Bàn Cẩm này đã chạy xe thẳng tới chỗ của Chu Vĩnh Khang ở Bắc Kinh để cầu cứu.
Khi đó, Chu Vĩnh Khang đã ra lệnh cho Vương Lập Quân đích thân tới Bắc Kinh báo cáo toàn bộ tình hình tấn công tội phạm ở Bàn Cẩm và yêu cầu Vương Lập Quân dừng ngay hành động tiếp theo ở Bàn Cẩm. Đây là lần đầu tiên Vương Lập Quân có vinh dự được gặp riêng Chu Vĩnh Khang và sự việc trên góp phần từng bước tăng thêm "tình hữu nghị" giữa hai người.
Sau này, Vương Lập Quân đã tận dụng mọi cơ hội để biểu thị sự trung thành của mình với Chu Vĩnh Khang, bao gồm việc hàng năm vào dịp lễ tết đều tới thăm Chu Vĩnh Khang, thậm chí còn tham gia những cuộc tụ họp gia đình của Chu Vĩnh Khang.
Chính trong khoảng thời gian này, Vương Lập Quân đã làm quen và trở nên thân thiết với con nuôi của Chu Vĩnh Khang là Khổng Đào (người Bàn Cẩm, làm Tổng Giám đốc Khách sạn Á châu ở Bắc Kinh).
Đối với Bạc Hi Lai, sau khi đến Trùng Khánh nắm quyền, nhân vật này hạ quyết tâm tấn công tội phạm, cho rằng nếu giao việc này cho người anh em thân mật Vương Lập Quân là thích hợp nhất. Bởi vì trong thời gian làm Tỉnh trưởng Liêu Ninh, Bạc Hi Lai rất thích phong cách làm việc của Vương Lập Quân, quan hệ giữa hai người cũng không phải dạng thông thường.
Năm 2008, khi đang làm Cục trưởng Công an thành phố Cẩm Châu, Vương Lập Quân đã được điều tới Trùng Khánh làm Phó Cục trưởng Thường trực, sau đó là Cục trưởng Công an. Đương nhiên, để thực hiện việc điều động nêu trên cần phải có chữ ký thông qua của Chu Vĩnh Khang ở cửa ải Bộ Công an.
Chu Vĩnh Khang cũng là lãnh đạo cấp cao ở Trung ương duy nhất biểu thị thái độ rõ ràng đối với chiến dịch "xướng hồng đả hắc" (hát nhạc đỏ, tấn công tội phạm) ở Trùng Khánh mà Bạc Hi Lai thúc đẩy ở Trùng Khánh.
Năm 2010, Chu Vĩnh Khang tới Trùng Khánh thị sát, ngoài việc ca ngợi "mô hình Trùng Khánh" và Bạc Hi Lai còn lưu lại câu nói: "Tấn công, loại bỏ tận gốc thế lực tội phạm là 'công trình nhân tâm' để người dân sống những ngày yên lành".
Sau đó, dư luận lan truyền thông tin, Chu Vĩnh Khang có ý để lại chiếc ghế Bí thư Chính pháp Trung ương cho Bạc Hi Lai và Bạc Hi Lai cũng có ý tiếp nhận. Có bình luận cho rằng, Chu Vĩnh Khang ủng hộ Bạc Hi Lai và Vương Lập Quân kiểm soát ngành chính pháp là nhằm tránh sau này bị thanh toán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.