Con đường quan lộ của Chu Vĩnh Khang: Từ Bộ Tài nguyên Quốc thổ đến Bộ Công an
Con đường quan lộ của Chu Vĩnh Khang - Kỳ 2: Từ lãnh đạo Bộ Tài nguyên Quốc thổ đến Bộ Công an
PV (Tổng hợp)
Thứ tư, ngày 06/11/2024 07:05 AM (GMT+7)
Năm 1992, tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 14 (Đại hội 14), Chu Vĩnh Khang được bầu làm Ủy viên Dự khuyết. Các Ủy viên Bộ Chính trị khóa 16 như Vương Lạc Tuyền, Hồi Lương Ngọc, Lưu Kỳ, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang, Hạ Quốc Cường… đều là Ủy viên Dự khuyết khóa 14.
Năm 1985, Trung Quốc tiến hành chuyển đổi lãnh đạo cũ mới. Khi đó, Chu Vĩnh Khang vừa ki niệm sinh nhật thứ 43 của mình thì được điều về Bắc Kinh, tấn thăng làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Dầu mỏ kiêm thành viên Tổ đảng Bộ Công nghiệp Dầu mỏ (ở Trung Quốc, Tổ đảng là tổ chức đảng được thành lập tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, trong các đoàn thể nhân dân, tổ chức kinh tế và các cơ quan lãnh đạo của tổ chức phi đảng khác, nhằm phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, thiết lập cả chức Bí thư, Phó Bí thư, khác với khái niệm "tổ đảng" của Việt Nam).
Mùa xuân năm 1988, kỳ họp thứ nhất Nhân đại Toàn quốc (Quốc hội) khóa 7 đã phê chuẩn phương án cải cách cơ cấu Quốc vụ viện (Chính phủ), xóa bỏ Bộ Công nghiệp Dầu mỏ, thành lập Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt thiên nhiên Trung Quốc, nay là Công ty Tập đoàn Dầu mỏ và Khí đốt thiên nhiên Trung Quốc (CNPC). Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc, Phó Bí thư Tổ đảng CNPC.
Truyền thông chính thức của Trung Quốc khi đó đã gọi CNPC là "Công ty nhà nước theo chế độ sở hữu toàn dân và tương đương cấp bộ". Chức năng của CNPC là căn cứ vào sự cho phép của Chính phủ, phụ trách quy hoạch, tổ chức, quản lý và kinh doanh thăm dò, khai thác, sản xuất dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên cũng như khai thác và lợi dụng các mỏ dầu khí cộng sinh khác trên đất liền.
Trong thời gian đảm nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc, Phó Bí thư Tổ đảng CNPC, vào tháng 3/1989, Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức Tổng Chỉ huy, Bí thư Đảng ủy lâm thời Sở Chỉ huy Chiến dịch Thăm dò Dầu mỏ ở Tháp Lý Mộc thuộc Khu Tự trị Tân Cương, mấy tháng sau lại được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý Dầu mỏ Thắng Lợi thuộc tỉnh Sơn Đông, đồng thời kiêm nhiệm chức Bí thư Thị ủy Đông Doanh, Sơn Đông.
Không rõ khi đó cán bộ trong tay Tổ đảng CNPC quá ít ỏi hay sao mà lại để Chu Vĩnh Khang một mình đảm trách ba chức vụ, trong đó có hai chức vụ ở hai nơi cách xa nhau hàng nghìn cây số, một ở bờ biển Bột Hải (Sơn Đông), một dưới chân núi Thiên Sơn (Tân Cương). Trong hai năm đó, Chu Vĩnh Khang hầu như rất ít khi có mặt ở trụ sở Tổng Công ty, lúc thì đi Tân Cương, lúc lại tới Sơn Đông.
Năm 1992, tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 14 (Đại hội 14), Chu Vĩnh Khang được bầu làm Ủy viên Dự khuyết. Các Ủy viên Bộ Chính trị khóa 16 như Vương Lạc Tuyền, Hồi Lương Ngọc, Lưu Kỳ, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang, Hạ Quốc Cường, Du Chính Thanh, Tăng Bồi Viêm đều là Ủy viên Dự khuyết khóa 14.
Tám năm sau khi Bộ Công nghiệp Dầu mỏ bị xóa bỏ, vào tháng 12/1996, vị Bộ trưởng Công nghiệp Dầu mỏ cuối cùng và Tổng Giám đốc kiêm Bí thư Tổ đảng đầu tiên của CNPC, ông Vương Đào, đến tuổi về hưu. Vốn luôn theo sát bước chân của Vương Đào, Chu Vĩnh Khang được đưa lên làm trưởng, đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc kiêm Bí thư Tổ đảng của CNPC. Tới năm 1997, Chu Vĩnh Khang trở thành Ủy viên Trung ương khóa 15.
Năm 1998, cùng với việc Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Chu Dung Cơ tiến hành cải tổ nội các, Chu Vĩnh Khang cũng được trọng dụng, trở thành Bộ trưởng, Bí thư Tổ đảng của Bộ Tài nguyên Quốc thổ. Đây là bộ mới, được hình thành trên cơ sở hợp nhất giữa Bộ Địa chất Khoáng sản, Cục Đất đai Quốc gia, Cục Hải dương Quốc gia và Cục Bản đồ Quốc gia.
Khi Chu Vĩnh Khang trở thành Bộ trưởng Tài nguyên Quốc thổ, thế giới bên ngoài cho rằng trên cương vị mới, tài năng và chuyên môn của Chu Vĩnh Khang sẽ được phát huy. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó đã xuất hiện không ít đánh giá tiêu cực và tin đồn về Chu Vĩnh Khang. Người trong ngành tiết lộ do lâu năm làm việc trong hệ thống dầu mỏ, ngành nghề lũng đoạn nhà nước, Chu Vĩnh Khang trở nên nổi tiếng vì tư tưởng cực tả và hành vi bá đạo.
Cũng vì thuộc ngành nghề lũng đoạn nhà nước, kinh phí đầy đủ, cho nên tham ô và sa đọa rất nhiều. Theo nguồn thạo tin của tờ "Nhật báo Bình quả" (Hong Kong), ngay từ thời Chu Vĩnh Khang đảm nhiệm chức vụ ở CNPC từ 1988-1998 đã có nhiều tiết lộ về hành vi tham ô sa đọa...
Trị vì Tứ Xuyên bằng bàn tay sắt
Làm Bộ trưởng Tài nguyên Quốc thổ được khoảng 1 năm 9 tháng, vào tháng 12/1999, Chu Vĩnh Khang được điều tới Tứ Xuyên, thay thế ông Tạ Thế Kiệt đã đến tuổi về hưu (65 tuổi), làm Bí thư Tỉnh ủy. Dư luận cho rằng, khi chuyển Chu Vĩnh Khang tới Tứ Xuyên, yếu tố "phục vụ cho việc sử dụng sau này" đã được tính tới.
Giới quyết sách Trung ương Trung Quốc muốn tạo cơ hội cho Chu Vĩnh Khang biểu hiện năng lực lãnh đạo tổng hợp, tích lũy vốn chính trị để có thể tiếp tục tấn thăng tại Đại hội 16. Trên thực tế, Chu Vĩnh Khang đã sử dụng bàn tay sắt của mình để trị vị Tứ Xuyên. Nhưng nói theo lời Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc khi đó là ông Hạ Quốc Cường, Chu Vĩnh Khang "đã thực hiện một khối lượng lớn công việc để bảo vệ ổn định chính trị xã hội".
Có hai điểm đáng chú ý mà truyền thông bên ngoài nói về thời gian nắm quyền ở Tứ Xuyên của Chu Vĩnh Khang. Thứ nhất là khi làm Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Chu Vĩnh Khang đã trở thành quan chức cấp tỉnh thứ hai của Trung Quốc bị khởi kiện tại Mỹ. Nguyên đơn là nghiên cứu viên Hà Hải Ưng thuộc Trường Y Harvard (Mỹ), tố cáo Chu Vĩnh Khang đã bức hại toàn bộ gia đình mình ở Tây Xương, cáo buộc Chu Vĩnh Khang phạm tội ngược đãi, sử dụng cực hình, chống lại nhân quyền..., đòi bồi thường 50 triệu USD. Tòa án khu Bắc, bang Illinois của Mỹ đã thụ lý vụ kiện này.
Thứ hai là họ cho rằng việc để một người hoàn toàn không hiểu về tôn giáo, không tôn trọng truyền thống văn hóa của dân tộc khác như Chu Vĩnh Khang tới trị vì Tứ Xuyên, nơi có nhiều người dân tộc Tây Tạng, đã khiến người Tây Tạng rơi vào bi kịch và cũng khiến người Hán cảm thấy xấu hổ. Tháng 3/2000, nghĩa là mới đến nhậm chức ở Tứ Xuyên được vài tháng, Chu Vĩnh Khang có cuộc gặp gỡ với các đại biểu Nhân đại (Hội đồng Nhân dân) tỉnh Tứ Xuyên là nông dân.
Chu Vĩnh Khang nói rằng khi đi thị sát khu người Tây Tạng ở Tứ Xuyên, ông không hiểu tại sao người Tây Tạng lại không chăm cho đời này mà chỉ lo cho kiếp sau. Chu Vĩnh Khang cũng phản đối việc người Tây Tạng quyên tặng cho nhà chùa.
Dẫu vậy, cũng có người đánh giá trong con mắt của người Tứ Xuyên, Chu Vĩnh Khang là một nhà lãnh đạo rất có ý thức cải cách. Bởi nếu không như vậy, Chu Vĩnh Khang đã không thể tấn thăng thêm một nấc tại Đại hội 16, sau đó tiến nhanh trên con đường quan lộ.
Trở thành Bộ trưởng Bộ Công an
Tại Đại hội 16, Chu Vĩnh Khang được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, vào Ban Bí thư Trung ương. Nhưng khi người Tứ Xuyên chưa kịp mừng vì Bí thư Tỉnh ủy địa phương mình có chân trong Bộ Chính trị, vào tháng 12/2002, Chu Vĩnh Khang được điều trở về Bắc Kinh.
Điều làm mọi người kinh ngạc không phải là việc Chu Vĩnh Khang được trọng dụng hơn người mà là việc nhân vật này được sắp xếp làm phó cho La Cán, đảm nhiệm hàng loạt chức vụ: Phó Bí thư Chính pháp Trung ương, Bộ trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ Công an, Chính ủy thứ nhất Lực lượng Vũ cảnh (cảnh sát vũ trang), Chủ nhiệm Ủy ban Phòng chống Ma túy Quốc gia...
Như vậy, Chu Vĩnh Khang đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Công an đầu tiên trong 25 năm kể từ sau tiền lệ do Hoa Quốc Phong tạo ra. Chu Vĩnh Khang cũng là quan chức duy nhất trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Chu Dung Cơ hai lần đảm nhiệm chức Bộ trưởng (Bộ trưởng Tài nguyên Quốc thổ và Bộ trưởng Công an).
Tháng 3/2003, sau khi Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Ôn Gia Bảo tiến hành cải tổ nội các, Chu Vĩnh Khang trở thành Ủy viên Quốc vụ (một chức vụ ở Trung Quốc nhỏ hơn Phó Thủ tướng, lớn hơn Bộ trưởng) kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an. Nói như lời của Chu Vĩnh Khang, tham gia công tác mấy chục năm, cả đời giao cho đảng bố trí, 60 tuổi tiến vào tầng lớp lãnh đạo Trung ương, đồng thời lại trở thành một "tân binh" trên mặt trận công an.
Không ai ngờ rằng trọng trách ấy lại được giao cho Chu Vĩnh Khang và càng không thể tưởng tượng được rằng Chu Vĩnh Khang còn kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an. Có người giải thích rằng việc để Chu Vĩnh Khang đứng đầu cơ quan chính pháp, làm Bộ trưởng Công an có liên quan chặt chẽ tới trải nghiệm công tác lâu dài của nhân vật này trong ngành dầu khí.
Trong một thời gian rất dài, công tác quản lý ngành dầu khí ở Trung Quốc trên thực tế mang sắc thái quân sự hóa. Trong thời kỳ thăm dò khai thác mỗi một giếng dầu lớn, Trung Quốc đều thành lập "Sở Chỉ huy Chiến dịch". Ngay từ tên gọi, người ta có thể thấy cái mà "Sở Chỉ huy Chiến dịch" áp dụng đều là thể chế và phương thức quản lý thời chiến cận quân sự hóa.
Việc chỉ huy của "Sở Chỉ huy Chiến dịch" từ các ban ngành tới mỗi cán bộ công nhân viên chức đều tuân theo kiểu chỉ huy mệnh lệnh từ trên xuống dưới trong quân đội, nhấn mạnh yếu tố "mệnh lệnh như sơn" hơn bất cứ ngành nghề xây dựng kinh tế nào…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.