Điều chưa biết về ngôi biệt thự đặc biệt, nơi những vị danh tướng sống cuộc đời giản dị, đầm ấm
Điều chưa biết về biệt thự 36 Hoàng Diệu – Nơi những vị danh tướng sống cuộc đời giản dị, đầm ấm
Quốc Phong
Thứ tư, ngày 18/12/2024 10:22 AM (GMT+7)
Ngôi biệt thự số 36 Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội), nằm trong một đọan phố Tây rất đặc biệt của Thủ đô. Đây cũng chính là nơi từng có nhiều danh tướng Việt Nam ngụ cư trong nhiều thập kỷ.
Ngôi biệt thự số 36 Hoàng Diệu (Hà Nội) thuộc dạng nhà công vụ được sử dụng từ những năm sau Hoà Bình lập lại 1954 khi ta tiếp quản Thủ đô. Họ sống rất giản dị và cùng có cuộc sống đạm bạc như nhau, song luôn đầy ấm áp tình người, tình đồng đội.
Đó là các vị danh tướng tài ba một thời của quân đội gồm: Cố Đại tướng Lê Trọng Tấn, cố Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu, cố Trung tướng Vương Thừa Vũ, cố Trung tướng Đặng Kinh.
Họ thuộc một thế hệ tướng lĩnh tài năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thực sự một lòng một dạ vì dân, vì nước. Họ có cuộc sống thanh bạch, giản dị nhưng đầy ắp tình người, tình đồng chí, đồng đội, thực sự xứng đáng là những người lính bộ đội Cụ Hồ dù đều là những người có quyền cao, chức trọng, rất được xã hội, quân và dân tôn trọng và kính nể.
Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914 - 1986)
Ông là nguyên Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, là một vị tướng kiệt xuất của quân đội ta. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy đã đánh trận mở màn vào cứ điểm Him Lam (13/3/1954) và kết thúc chiến dịch vào ngày 7/5/1954, bắt sống tướng Christian de Castries và toàn bộ Ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm.
Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, ông là Phó Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam, là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Tháng 3/1975, ông làm Tư lệnh Chiến dịch Huế – Đà Nẵng. Vị tướng ấy đã từng hứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng, chỉ trong 3 ngày, ông sẽ chỉ huy và đã đập tan toàn bộ căn cứ quân sự Đà Nẵng cực lớn với 10 vạn quân vào hồi cuối tháng 3/1975. Và lời hứa của ông đã thành hiện thực, chứng minh ông là một thiên tài quân sự...
Năm 1980, ông là Thứ trưởng bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông được thụ phong quân hàm Đại tướng khi tuổi đã ngoài 70.
Ông đã từng trong quy hoạch đảm trách cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Rất tiếc ông đã ra đi đột ngột do bị nhồi máu cơ tim ngay trước dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Ngày đó, dù ông Lê Trọng Tấn đã giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Phó Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam nhưng ông cũng chỉ được tổ chức phân cho ở trong một diện tích 48m2, hoà đồng với các đồng chí khác cùng sống trong biệt thự số 36 Hoàng Diệu. Lối sống của các ông khi đó đều toát lên sự giản dị, chân thành và đáng ngưỡng phục.
Từ tháng 12/1978 đến tháng 2/1979, ông chỉ huy các lực lượng vũ trang trong chiến tranh biên giới Tây Nam và đánh quân Khmer Đỏ của Pol Pot ở Campuchia. Quân đội tìm nhà cho ông ở TP.HCM để thuận lợi trong công tác. Ông nhiều lần từ chối những ngôi nhà lớn khi đơn vị bố trí mà chỉ nhận một diện tích cũng rất khiêm tốn tại TP.HCM.
Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910 - 1986)
Ông là nhà khoa học lỗi lạc của Việt Nam, có nhiều cống hiến ở các lĩnh vực ngoại giao, giáo dục, quân sự - quốc phòng, khoa học công nghệ của đất nước. Với kiến thức uyên thâm, ông là nhà quản lý giáo dục có tầm nhìn chiến lược và là "cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam".
Những năm 70 của thế kỷ trước, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã chuyển khỏi quân đội, ra dân sự, nhưng ông vẫn ở ngôi nhà 36 Hoàng Diệu cùng với một số cán bộ cao cấp trong quân đội.
Hồi trẻ, ông học rất giỏi toán và được theo học ở Pháp. Ông thi đỗ vào trường Centrale Paris năm 1930, theo học chương trình cử nhân khoa học ở Đại học Sorbonne, học toán ở các Đại học Paris, Đại học Bordeaux (Pháp) từ 1930 đến 1934 và được trường Bordeaux trao đổi sang Đại học Oxford (Anh) trong một thời gian ngắn. Tại đây ông học thêm vật lý lượng tử.
Ông trở về Tổ quốc năm 1934. Khi đó, ông không ra làm quan mà đi dạy toán và tiếng Anh tại trường tư, ban đầu là trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence (Trường Thiên Hựu) ở Huế. Ngoài tiếng Anh và Toán, Lý, Hóa ông còn dạy các môn khoa học tự nhiên khác theo yêu cầu của nhà trường.
Từ 8/1947 đến 8/1948, ông Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao. Từ 1948, ông là Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương. Từ tháng 9/1948 đến 1961, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và kiêm nhiệm nhiều cương vị khác ngoài dân sự bởi ngoài là một cán bộ quân đội cấp cao, ông còn là một nhà khoa học tài năng.
Từ 1965 đến 1976, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Tuy chức vụ là thế, nhưng gia đình ông Bửu đông con (có 6 người con) nên gia đình GS Tạ Quang Bửu vẫn còn rất khó khăn, thiếu thốn. Mà đa phần các gia đình thời đó đều khó khăn dù đều là cán bộ cao cấp của Nhà nước hoặc trong quân đội. Vì thế nên lại càng hiểu và sẻ chia khó khăn với nhau.
Nhà GS Tạ Quang Bửu, cũng như nhiều cán bộ khác, phải nuôi lợn để có thêm thu nhập, phụ giúp vào bữa ăn cho vợ con ngoài tiêu chuẩn tem phiếu của ông. Vì thế, gia đình ông mỗi khi mua rau mậu dịch về, việc trước tiên là chọn phần xanh hơn dành để người ăn. Phần héo, úa vàng thì thái nhỏ nấu với cám cho lợn ăn. Ngày đó, mọi người thường nói vui rằng lợn chính là... "thủ trưởng" của cả nhà bởi nó nuôi cả nhà...
Nhiều người vẫn nhớ, ông bà là người dạy dỗ con cái rất nghiêm khắc và sống cũng rất mực giản dị, khiêm nhường, nhẹ nhàng, đức độ.
Trung tướng Vương Thừa Vũ (1910 - 1980)
Ông là một trong những vị danh tướng quân sự tài ba với nhiều chiến công lẫy lừng gắn liền với lịch sử hào hùng, chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910, tại làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Thuở nhỏ, ông theo cha sang Vân Nam, Trung Quốc sinh sống.
Lớn lên, làm công nhân xe lửa và năm 1937 học Trường Quân sự Hoàng Phố. Năm 1940, ông về nước, tổ chức hoạt động cách mạng. Từ năm 1941, tham gia phong trào cứu nước, ông đã bị thực dân Pháp bắt giam và năm 1942 bị đày tại trại giam Bá Vân, Thái Nguyên...
Với tài năng của mình, ông được cấp trên giao giữ nhiều trọng trách trong quân đội: Năm 1946 - Chỉ huy trưởng bộ đội Hà Nội; Khu trưởng Khu 11 (Hà Nội); chỉ huy quân sự Khu 2 bảo vệ Hà Nội; 1947 - 1948 - Khu phó Khu 4 rồi Phân khu trưởng Phân khu Bình - Trị - Thiên.
Tháng 4/1949, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Đại đoàn 308 ở Việt Bắc. Từ năm 1949 – 1954, ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 308 kiêm Chính ủy Đại đoàn (1949 - 1951).
Từ năm 1949 đến 1954, ông đã chỉ huy chiến đấu tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
Ngày 28/9/1954, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và từng được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội cùng Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô; Từ năm 1955 - 1963, ông là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, rồi làm Tư lệnh Quân khu 3.
Từ năm 1964-1980, ông được giao giữ chức Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Quân chính, kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (1964 -1971). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét về thuộc cấp của mình như sau: "Vương Thừa Vũ là con người trung thực, tính tình nghiêm nghị với tấm lòng nhân hậu, cương trực, thẳng thắn nhưng coi trọng đoàn kết… Anh có lối sống cần kiệm giản dị, liêm khiết, mẫu mực, không chạy theo danh lợi, luôn luôn nghĩ đến việc làm có ích cho xã hội, cho quân đội… Bao trùm lên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng, một vị tướng Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy…".
Trung tướng Đặng Kinh (1921 - 2019)
Ông được biết đến trong lịch sử quân sự Quân đội ta nhờ tài năng đánh du kích đặc biệt xuất sắc. Ông là vị tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy tập kích sân bay Cát Bi trước ngày ta mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đúng 1 tuần khiến Pháp bị tổn thất vô cùng lớn, 59 máy bay bị tiêu huỷ chỉ trong vài tiếng.
Nên nhớ, số lượng máy bay của Pháp bị ta tiêu diệt trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ cũng chỉ có trên 60 chiếc nên số lượng 59 chiếc nói trên là vô cùng lớn và hết sức quan trọng, khiến địch bị tổn thất quá choáng váng...
Với ông Đặng Kinh, ông rất nhớ câu chuyện về lạng cao hổ cốt được Bác Hồ tặng năm 1967 "để chú tăng cường sức khoẻ còn tiếp tục vào chiến trường chiến đấu".
Ngày đó, động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Song thời kỳ những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi đất nước ta còn chiến tranh thì luật bảo vệ này cũng chưa có. Do vậy việc người dân dùng xương hổ, gấu, hươu, khỉ... khi đó cũng xem là bình thường. Cao có thể dùng để chữa bệnh hoặc tăng cường sức khoẻ khi thời chiến, cuộc sống còn muôn vàn thiếu thốn về vật chất, dinh dưỡng hoặc thuốc men...
Năm 1967, ông Đặng Kinh vào chiến trường Trị Thiên Huế một thời gian thì được cử ra Bắc công tác. Đây là thời điểm ông ra báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ chuẩn bị Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968
Lần ra này, ngoài Tư lệnh phó Quân khu Trị Thiên Đặng Kinh (khi vào chiến trường, ông làm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên được 1 năm thì Trung ương tăng cường thêm một Ủy viên Trung ương Đảng vào đảm trách cương vị này. Thế nên ông Kinh xuống làm Phó Tư lệnh). Ông ra Bắc cùng một số đồng chí, trong đó có 2 nữ Anh hùng LLVT Kan Lịch và Tạ Thị Kiều.
Lần vào thăm Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch đó, ông Đặng Kinh được Bác Hồ tặng riêng cho 2 lạng cao hổ cốt và một hộp sâm Cao ly (sâm Bắc Triều Tiên).
Ông Đặng Kinh cảm động hồi tưởng, từ rất xa xưa, sau những chiến công của mình bởi cách đánh du kích tài tình thời trước Chiến dịch Điện Biên tại Hải Phòng và Kiến An (khi ông đánh sân bay Cát Bị và Sở Dầu- Thượng Lý nổi tiếng) thì Bác Hồ biết chuyện "vị Thành đội trưởng Hải Phòng Đặng Kinh, người vốn to lớn nên ăn rất khoẻ và luôn luôn bị đói…".
Vì thế, Bác đã chỉ đạo đơn vị ưu tiên cho ông được hưởng 2 suất gạo. Thế nhưng ông Kinh đã từ chối tức thì, không dám nhận đặc ân từ Bác.
Trung tướng, AHLLVT Đặng Kinh khi về ngôi biệt thự 36 Hoàng Diệu đang là Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn. Ông lên nhận nhiệm vụ Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu rồi Cục trưởng Cục Liên lạc Đối ngoại Bộ Quốc Phòng. Sau đó tới năm 1966, ông mới đi vào chiến trường làm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên.
Không chỉ có ngôi nhà 36, ngay cạnh biệt thự này, đó là biệt thự số 38, cũng có 4 gia đình của "4 vị tướng họ Trần" cùng sống: Đó là Tướng Trần Văn Trà, Tướng Trần Văn Quang, Tướng Trần Sâm và Tướng Trần Quý Hai...
Rồi nhà 30 là biệt thự Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở. Biệt thự số 32 là nhà Đại tướng Văn Tiến Dũng. Tất cả các biệt thự này quy tụ thành một cụm biệt thự công vụ cao cấp của các danh nướng nước nhà từ 1954 cho đến nửa thế kỷ sau. Phía sau vườn của các biệt thự có một lối đi thông sang nhau rất tiện cho công tác bảo vệ yếu nhân khi đất nước có chiến tranh.
Thậm chí có cả lối đi dưới lòng đất dành cho Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, cho Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng... bí mật sang bên đường, đi thẳng vào Thành Hà Nội, cơ quan Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng, Quân uỷ Trung ương… Đến nay các danh tướng đã về chốn thiên thu, để lại danh thơm cho đời.
Tình cảm đồng chí, đồng đội trong sáng của 4 cán bộ cao cấp trong ngôi biệt thự 36 Hoàng Diệu thật ấm áp và đầy ắp tình người trong mỗi gia đình quân nhân ấy. Cũng bởi lẽ họ vốn có gốc gác từ người lính Cụ Hồ chân chất, được chính Bác Hồ dìu dắt, đào tạo và tôi luyện trong chiến đấu, công tác...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.