Tướng Đặng Quốc Bảo - vị Trợ lý chính trực, dám nói thẳng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Nguyễn Quốc Phong Thứ tư, ngày 18/09/2024 15:38 PM (GMT+7)
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo vừa qua đời hồi 9 giờ 2 phút ngày 15/9/2024 do tuổi cao sức yếu. Hôm nay, 18/9, Lễ viếng và truy điệu ông được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Bình luận 0

Quê ông tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định. Ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng (khoá IV), nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ngay từ thời trai trẻ, ông đã bộc lộ tư chất mạnh mẽ, trung thực và thông minh. Đến khi trở thành vị tướng rồi làm ở một số vị trí đứng đầu ngành Khoa giáo của Đảng cũng như thủ lĩnh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tư chất ấy, bản lĩnh ấy và tư duy ấy càng có dịp bộ lộ rõ.

Ông Đặng Quốc Bảo được học và đỗ Tú tài của Trường Bảo hộ Pháp (Trường Bưởi, Hà Nội) vào năm 1944. Trong thực tế, ông đã tham gia Cách mạng ngay năm 1937 khi chỉ mới 10 tuổi. Ông làm liên lạc cho một cơ sở Đảng tại thành phố Hải Phòng và Nam Định.

Ông sớm được giác ngộ cách mạng khi gia đình ông có truyền thống yêu nước. Cha ông và hai người chú ruột ông đều từng theo phong trào Đông Du chống Pháp. Ông có anh trai là nhà cách mạng Đặng Xuân Thiều (người từng được nhận Huân chương cao quý Hồ Chí Minh).

Đặng Quốc Bảo, vị trợ lý chính trực, dám nói thẳng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Đặng Quốc Bảo trong một Hội nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên. Ảnh tư liệu của gia đình

Người anh con bác họ ông (anh em cháu chú cháu bác với ông là Đặng Xuân Khu – tức Tổng Bí thư Trường Chinh - NV) đều là những người tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời.

Tôi nhớ cách đây độ chục năm, trong một lần đến thăm ông tại nhà riêng, ông có kể cho tôi nghe câu chuyện diễn ra vào khoảng những năm cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước. Lúc đó, ông chưa làm Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị kiêm Bí thư (tương đương Trợ lý Uỷ viên Bộ Chính trị bây giờ) của ông Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, vì những lý do khách quan, câu chuyện kể của ông vẫn còn dang dở… Phải tới tháng 9/2023, nhân dịp ông Đặng Quốc Bảo được Thành uỷ Hà Nội tổ chức Lễ trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, tôi đến tư gia của ông để chúc mừng thì lại được con trai ông là ông Đặng Quốc Trung kể thêm những gì tôi còn chưa rõ tường tận về câu chuyện ông Bảo từng kể với tôi 10 năm trước vẫn còn dang dở.

Số là ngay sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), ông Đặng Quốc Bảo báo cáo với Sư trưởng về tình hình sức khoẻ của anh em cán bộ chiến sĩ trong Đại đoàn quân Tiên phong. Ông đề nghị Sư trưởng cho các đơn vị sử dụng chiến lợi phẩm như lương thực, thực phẩm thu được của địch dùng luôn vào bữa ăn mà không chờ có chỉ đạo của trên và đề nghị của ông được chấp thuận.

Ông Nguyễn Chí Thanh, khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị biết chuyện, phê bình gay gắt ông Bảo. Ông Bảo lại là người vốn rất nóng tính, không những không tiếp thu phê bình của cấp trên mà còn cự lại rằng: Sau chiến đấu, anh em cán bộ chiến sĩ đều rất căng thẳng, mệt mỏi vì đói, sức khỏe suy nhược, giảm sút. Tất cả đều do bị thiếu chất nghiêm trọng. Nay chúng ta lấy được chiến lợi phẩm của địch thì cứ bồi dưỡng ngay cho anh em, sao phải chờ lệnh trên?

Đặng Quốc Bảo, vị trợ lý chính trực, dám nói thẳng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Nguyễn Quốc Phong (trái) cùng với ông Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương nhân dịp ông Bảo được vinh dự nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng năm 2023. Ảnh: Q.P

Vì chuyện này, ông Nguyễn Chí Thanh và ông Bảo đã lời qua tiếng lại, mà xem ra ai cũng đều có lý cả.

Chuyện tưởng tới đó kết thúc. Không ngờ, ngay tối hôm đó, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh cho gọi ông Bảo đến. Ông Bảo đã chuẩn bị sẵn tư tưởng chuẩn bị nghe thủ trưởng phê bình tiếp, không ngờ ông Nguyễn Chí Thanh lại mời ông dùng bát phở nóng hổi do nhà bếp nấu.

Đợi ông Bảo ăn phở xong, ông Nguyễn Chí Thanh ôn tồn phân tích cho ông Bảo hiểu, đồng thời cũng thừa nhận mình khi đó thiếu kiềm chế nên đã nặng lời khiến ông Bảo cũng cự cãi lại. Như thế cả hai đều có lỗi, đều phải rút kinh nghiệm.

Cũng từ cuộc "xung đột" nói trên mà họ nên duyên thày trò. Dường như ông Nguyễn Chí Thanh đã nhận ra bản tính chính trực cũng như sự thông minh, quyết đoán của ông Bảo qua sự việc trên.

Đặng Quốc Bảo, vị trợ lý chính trực, dám nói thẳng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ảnh 3.

Ông Đặng Quốc Bảo lúc mới được phong quân hàm Thượng tá năm 1958. Ảnh tư liệu gia đình

Và ông Đặng Quốc Bảo trở thành trợ thủ tin cậy cho Chủ nhiệm Tổng cục khi năm 1955, ông được điều lên "giữ tay hòm chìa khoá " cho ông Nguyễn Chí Thanh với hai nhiệm vụ cùng lúc: Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị kiêm Bí thư của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Thời điểm trước khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bất ngờ đi xa vì trọng bệnh, ông đã gặp Đại tá Đặng Quốc Bảo, ngỏ ý muốn ông Bảo đi cùng mình vào chiến trường miền Nam. Như vậy thêm một lần ông Bảo sẽ làm phụ tá cho Đại tướng. Ông Bảo bữa đó đã nhận lời nhưng chưa kịp làm thủ tục để lên đường thì Đại tướng đột ngột ra đi ...

Ông Bảo nhớ lại: Làm việc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh một thời gian, ông nhận thấy Đại tướng là một người cao thượng và có lòng vị tha vô cùng. Chính vì điều đó, Đại tướng không những không để bụng chuyện ông dám cự cãi lại mình, mà còn nhìn ra tố chất và bản lĩnh của cấp dưới để đề bạt vào những vị trí quan trọng.

Năm 22 tuổi, ông Đặng Quốc Bảo đã trở thành Chính ủy Trung đoàn 88. Ngày đó ông được coi là chỉ huy cấp Trung đoàn trẻ nhất Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, ông là Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Chính trị Đại đoàn quân Tiên phong. Ông cũng nguyên là Chính uỷ Sư đoàn 308; nguyên Chính uỷ Cục Công binh…; nguyên Hiệu trưởng kiêm Chính uỷ Đại học Kỹ thuật Quân sự; nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IV, ông được bầu làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và trước khi nghỉ chế độ, ông là Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Đảng.

Ông được phong hàm Thiếu tướng quân đội năm 1974 cùng một đợt phong Tướng với các vị Tướng danh tiếng như Lê Đức Anh, Đồng Sỹ Nguyên (2 ông được phong vượt cấp Trung tướng); cùng các Thiếu tướng khác như Nguyễn Quyết, Vũ Lăng, Nguyễn Hữu An...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem