Con gái Giẻ Triêng "có giá" nhờ cần cù

Thứ hai, ngày 07/11/2011 11:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người Giẻ Triêng cư trú ở bắc cao nguyên, tập trung chủ yếu ở tỉnh Kon Tum. Phụ nữ Giẻ Triêng từ lâu đã nổi tiếng với đức tính cần cù, chịu khó, ít có phụ nữ dân tộc nào ở Tây Nguyên sánh được...
Bình luận 0

Lệ tục xưa đã quy định: Con gái đủ 18 tuổi mới được bắt chồng. Để tiến tới hôn nhân, các cô gái đều phải trải qua cả một núi công việc nhọc nhằn... Đầu tiên là phải có 100 bó củi hứa hôn. Bởi củi "đẹp" hay "xấu" là thước đo phẩm chất lao động của cô dâu tương lai nên cô gái nào cũng dốc hết khả năng để có được những bó củi đẹp.

img
Con gái Giẻ Triêng dệt vải rất giỏi.

Họ chọn loại gỗ tốt nhất dùng rìu cắt thành đoạn thật bằng (chừng 1m) bổ sao cho thanh nào cũng bằng thanh nào rồi gùi về cho nhà trai… 100 bó củi tính ra phải hơn 5m3 gỗ. Để hoàn thành thủ tục này, cô dâu tương lai phải bỏ công sức cả năm ròng...

Nhưng đó mới chỉ là thử thách đầu. Thử thách kế tiếp của cô dâu tương lai còn nặng hơn nhiều: Đó là phải lo cho cả họ hàng nhà chồng: Đàn ông mỗi người một chiếc khố, đàn bà một chiếc váy. Rồi khố áo, chăn đắp, tấm choàng cho hai vợ chồng…

Nếu không có họ hàng giúp sức và nhà chồng không đông người lắm thì một cô gái khéo léo, nhanh nhẹn cũng phải mất chừng 3 năm. Như vậy trước khi chính thức làm dâu, mỗi cô gái đã phải "lao động không công" cho họ nhà chồng cả 4 năm trời...

Chính vì những phẩm chất chịu thương, chịu khó đáng quý như vậy nên từ xưa con gái Giẻ Triêng đã rất "có giá". Con trai các dân tộc khác muốn "bắt" được con gái Giẻ Triêng tối thiểu phải có 5 trâu. Tiếng vậy nhưng thực ra chẳng đáng là bao so với cái "giá" của một cô dâu Giẻ Triêng.

Riêng về tài dệt, mỗi năm người phụ nữ Giẻ Triêng có thể hoàn thành 80 tấm đồ, trị giá bằng 4 con trâu. Tài dệt của họ nổi tiếng khắp vùng bắc cao nguyên, sản phẩm cung cấp cho hầu khắp các dân tộc vùng này, "xuất khẩu" sang tận Lào. Cần cù lao động, giỏi nghề dệt, gia đình có con dâu người Giẻ Triêng ngày xưa như có vàng trong nhà...

Và một phẩm chất rất đáng quý không thể không kể của người phụ nữ Giẻ Triêng - ấy là sự năng động, ham hiểu biết cái mới. Trong kháng chiến chống Mỹ, Giẻ Triêng là dân tộc có nhiều phụ nữ thoát ly làm cách mạng nhiều nhất tỉnh Kon Tum... Không mai một theo thời gian, những phẩm chất ấy càng trở nên thu hút giữa thời bình...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem