“Chị Tư Hậu” Trà Giang tiết lộ về cuộc sống ở tuổi 80 và niềm ấp ủ lớn nhất cuộc đời

Hà Tùng Long Chủ nhật, ngày 01/05/2022 09:15 AM (GMT+7)
NSND Trà Giang chia sẻ với Dân Việt rằng, ở tuổi 80, bà vẫn đam mê vẽ bởi hội họa giúp bà biểu lộ được xúc cảm của trái tim và bà luôn ấp ủ vẽ được một bức tranh về Bác Hồ kính yêu.
Bình luận 0

NSND Trà Giang: "Hội hoạ đã khiến tôi không cảm thấy cô đơn"

Năm nay, NSND Trà Giang - Chị Tư Hậu của bộ phim kinh điển "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" tròn 80 tuổi. Ở cái tuổi "bát thập, lai hy", nữ nghệ sĩ vẫn chưa phút giây nào ngơi nghỉ tình yêu với nghệ thuật.

Nhiều năm qua, NSND Trà Giang sống một mình trong căn hộ chung cư trên đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP. HCM. Căn hộ không quá lớn nhưng có đủ không gian cho bà sinh hoạt và vẽ tranh. Thỉnh thoảng, nghệ sĩ piano Bích Trà - con gái duy nhất của bà lại về thăm mẹ, ở chơi với mẹ được mấy hôm rồi lại đi.

“Chị Tư Hậu” Trà Giang tiết lộ về cuộc sống ở tuổi 80 và niềm ấp ủ lớn nhất cuộc đời  - Ảnh 1.

Ở tuổi 80, NSND Trà Giang vẫn xinh đẹp và gần gũi. Ảnh: Hằng Cun.

"Phần lớn thời gian của tuổi xế chiều, tôi dành cho đam mê vẽ. Có lẽ, hội hoạ đã không khiến tôi cảm thấy cô đơn. Con gái tôi dù ở xa nhưng luôn đồng hành, bên cạnh đó tôi luôn có những người bạn thân thiết. Với tình yêu nghệ thuật và sự lạc quan tôi vẫn luôn luôn sống một cách khoẻ mạnh, hạnh phúc", NSND Trà Giang chia sẻ.  

Nữ nghệ sĩ tâm sự, mặc dù cả một thời tuổi trẻ, bà đã "cháy" hết mình cho những vai diễn nhưng nhiều năm qua bà vẫn luôn thấy nhớ nghề. Nhiều lúc bà cũng muốn nhận lời tham gia phim ảnh nhưng vì đã có tuổi nên đành gác lại. Với bà, việc được đứng trước ống kính máy quay và hợp tác cùng các đạo diễn trẻ cũng khiến bà trẻ ra, cập nhật mọi thứ về đời sống đương đại nhanh hơn.

Nhắc đến những vai diễn mình đã từng thể hiện, trong lời kể của NSND Trà Giang vẫn vương vấn rất nhiều ký ức. Cả ký ức đau thương, vất vả, ngọt ngào xen lẫn hạnh phúc.

"Cái vốn liếng mà tôi mang vào phim chính là ký ức tuổi thơ nơi vùng chiến tranh ác liệt. Tôi nhớ những trận càn, những trái bom nổ tung, những gia đình ly tán... Ba tôi hoạt động cách mạng ở Phan Thiết, kẻ địch bắt không được nên tới bắt mẹ tôi. Lúc đó, em trai tôi còn ẵm ngửa, tôi và anh hai thì nhỏ xíu, sợ hãi khóc òa lên nhìn theo chiếc xe chở mẹ đi thật xa.

“Chị Tư Hậu” Trà Giang tiết lộ về cuộc sống ở tuổi 80 và niềm ấp ủ lớn nhất cuộc đời  - Ảnh 2.

NSND Trà Giang nhiều năm sống một mình nhưng bà không hề cảm thấy cô đơn. Ảnh: Hằng Cun.

Rồi cả ba anh em lại đứng trước cửa nhà dõi theo từng chiếc xe chạy ngang đường, vì người ta hứa sẽ trả mẹ về nên thấy chiếc xe nào cũng tưởng có mẹ mình trong đó. Chính cảm xúc ấy giúp tôi thể hiện lại chị Tư Hậu trong một bối cảnh chiến tranh tương tự. Nếu còn sức khỏe, với nhân vật thấy, tôi không thể không đóng. Với tôi, nhân vật phải là nơi mình gửi gắm tình cảm của chính mình".

Niềm ấp ủ lớn lao nhất cuộc đời NSND Trà Giang là vẽ tranh về Bác Hồ

Vì quan niệm, cuộc sống của con người không thể không có đam mê nên nhiều qua NSND Trà Giang trải lòng mình với hội hoạ. Bà thực sự bị mê hoặc bởi đường nét, hình khối, bố cục, sắc màu… của hội hoạ bởi bộ môn nghệ thuật này giúp bà biểu lộ được xúc cảm của trái tim.

“Chị Tư Hậu” Trà Giang tiết lộ về cuộc sống ở tuổi 80 và niềm ấp ủ lớn nhất cuộc đời  - Ảnh 3.

Những năm tháng tuổi già, NSND Trà Giang dành nhiều thời gian cho đam mê vẽ tranh. Ảnh: TL.

NSND Trà Giang kể, sau khi nghỉ đóng phim vì cảm thấy không hợp với dòng phim thị trường, bà cứ thấy "thiếu thiếu" một điều gì đó. Một lần, vào đầu năm 1999, bà đến thăm bà Lê Thị Thoa - phu nhân Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Phó Giám đốc Viện Pasteur TP.HCM thì thấy treo rất nhiều tranh. Nữ nghệ sĩ hỏi ra mới biết tranh do chính bà Thoa vẽ.

Bà nghĩ bâng quơ rằng: "Chị Lê Thị Thoa là Tiến sĩ sinh hoá, đã cao tuổi mà vẫn chịu khó học vẽ và vẽ rất đẹp thì chắc mình cũng vẽ được". Nghĩa là thế nên bà đăng ký các lớp học vẽ. Cuối năm 1999, chồng bà là GS Bích Ngọc qua đời. Sự mất mát này để lại một khoảng trống lớn trong lòng nữ nghệ sĩ khiến bà đến gần hơn với hội hoạ.

"Hội hoạ đối với tôi cũng là một cách thiền. Và tôi nhìn cuộc đời như đứa trẻ lần đầu nhìn thấy, hội hoạ có cái bản năng nguyên khôi như tranh trẻ thơ đùa bỡn với sắc màu. Tôi vẫn nghĩ hội họa đến ngưỡng cuối cùng chính là vô ngã.

img
img

NSND Trà Giang bên những bức họa của một người bạn. Ảnh: Hằng Cun.

Người nghệ sĩ nào cũng đi trên con đường tìm về bản ngã để bộc lộ rõ nhất cá tính của mình nhưng khi đã vẽ với tinh thần vô thường, không cần để chứng tỏ, cũng không cầu xấu, đẹp thì sẽ đạt đến cảm xúc vô ngã. Tôi vẽ giống như hơi thở, như sự vận động không ngưng nghỉ để khám phá bản chất của tâm thức, loại trừ mọi chất bẩn còn tồn ứ và đấy cũng là một phương pháp tu tập", NSND Trà Giang tâm sự.

Theo NSND Trà Giang, trong quãng thời gian cầm cọ của bà, bà luôn ước mơ được vẽ Bác Hồ. Vì với nữ nghệ sĩ, Bác Hồ không chỉ là một "vị cha già kính yêu" mà còn là người mà bà vinh dự được gặp 3 lần trong đời.

"Vẽ tranh về Bác Hồ là niềm ấp ủ lớn lao nhất cuộc đời tôi mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể thực hiện được. Vì như mọi người đều biết, tôi vốn xuất thân là một diễn viên, tôi đến với hội hoạ theo đúng nghĩa "tay ngang".

Kể từ khi chồng tôi qua đời cách đây 20 năm thì tôi bắt đầu tìm đến hội hoạ nhiều hơn để có thú vui tuổi già. Nhưng tôi chỉ vẽ hoa lá, cỏ cây, tĩnh vật… những thứ đơn giản thôi. Vẽ về Bác quá khó đối với tôi bởi Người vừa gần gũi mà lại vừa cao cả. Tôi chỉ dám vẽ chân dung Bác trong tâm hồn, ký ức của mình thôi", NSND Trà Giang bộc bạch thêm.

NSND Trà Giang, sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi. Bố của bà là NSƯT Nguyễn Văn Khánh. Chồng là GS âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc. Hai vợ chồng có một người con gái cũng nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật là nghệ sĩ dương cầm Bích Trà. Bộ phim đầu tiên bà tham gia là phim "Một ngày đầu thu" (đạo diễn Huy Vân) và bộ phim cuối cùng là "Dòng sông hoa trắng" (đạo diễn Trần Phương).

Trà Giang cũng tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: "Chị Tư Hậu" (Huy chương Bạc tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1963), "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (vai Dịu, đoạt giải diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1973).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem