Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Tôi thảng thốt khi thấy bố mình cứ yếu dần đi, như ngọn đèn leo lét”
Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Tôi thảng thốt khi thấy bố mình cứ yếu dần đi, như ngọn đèn leo lét”
Hà Tùng Long
Thứ hai, ngày 21/10/2024 11:03 AM (GMT+7)
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến - Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ rằng, thỉnh thoảng chị lại cảm thấy thảng thốt, hoảng hốt khi sức khỏe của bố mình ngày càng yếu đi, như ngọn đèn leo lét...
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến là một gương mặt khá quen thuộc với khán giả của kênh VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam trước đây. Chị còn được biết đến với tư cách là con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nhiều năm qua, sau khi nghỉ hưu, nhà báo Phạm Hồng Tuyến đã dành nhiều thời gian hơn cho bố mình.
Ngoài việc chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho bố, chị cũng bắt tay làm nhiều cuốn sách để giới thiệu nhiều tác phẩm âm nhạc thiếu nhi chưa được biết đến của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Với những cuốn sách này, âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên đến gần hơn với các bé thiếu nhi và các bậc phụ huynh, đồng thời cũng khẳng định sức sống trong xã hội hiện đại. Nhà báo Phạm Hồng Tuyến đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện.
Theo dõi cả quá trình dài thì thấy từ lúc nghỉ hưu chị dành nhiều thời gian hơn cho bố mình - nhạc sĩ Phạm Tuyên và ra sách từ những tác phẩm âm nhạc của bố mình. Những việc này chắc hẳn có lí do của riêng chị?
- Thực ra, trong thời gian còn đi làm tôi đã bắt đầu có ý thức về việc làm gì đó để gìn giữ tác phẩm cho bố mình. Tháng 1/2017, tôi làm liveshow "Phạm Tuyên - Nhớ và Quên" tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Kể từ đó, cứ mỗi khi đến sinh nhật bố tôi - 12/1, tôi lại "nghĩ cách" làm một điều gì đó bất ngờ, mỗi năm một kiểu. Tuy nhiên, chỉ đến khi nghỉ hưu, không còn bận bịu công việc thì tôi mới toàn tâm toàn ý với trách nhiệm của một người con gìn giữ di sản của bố. Và tôi thấy việc viết sách là một cách bảo tồn và phát triển hiệu quả nhất "tài nguyên" quý giá ấy.
Năm nay chị vừa ra mắt sách "Về quê - khúc đồng dao của bé". Cuốn sách này có ý nghĩa như thế nào với chị?
- Bố tôi sáng tác khoảng 200 ca khúc cho thiếu nhi đủ lứa tuổi, tuy đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao danh hiệu "Nhạc sĩ có nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi được phổ biến nhất ", nhưng nhiều bài vẫn còn nằm trên giấy, chưa có cơ hội đến với công chúng trẻ em.
Đặc biệt, bố tôi có một "kho" các bài phổ nhạc đồng dao lên tới 41 bài. Đây là một công trình hết sức công phu của cả bố và mẹ tôi, hai ông bà đã cùng nhau sưu tầm các bài đồng dao cổ, với sự phân tích khoa học về tâm lý, sinh lý lứa tuổi nhỏ của mẹ (bà là nhà tâm lý học, người đặt nền móng xây dựng Khoa Giáo dục mầm non của trường Đại học Sư phạm), bố tôi đã đưa âm nhạc, thổi hồn vào các bài đồng dao ấy.
Tôi đã chứng kiến cả quá trình lao động miệt mài, đầy nghiêm túc của bố mẹ, lúc đó tôi đã bắt đầu con đường làm biên tập ca nhạc thiếu nhi tại Đài Truyền hình Việt Nam nên càng hiểu rõ sự quý giá của công trình đó với trẻ em Việt Nam.
Chỉ một số ít bài trong đó được phổ biến, vì vậy tôi luôn cố gắng để có thể hiện thực hóa mong mỏi của bố mẹ, muốn trẻ thơ hôm nay không quên được hồn Việt.
Tôi cũng đã loay hoay một thời gian để tìm phương thức nào hiệu quả nhất để hiện thực hóa công việc này. Và cuối cùng tôi chọn cách viết sách, tôi xây dựng nhân vật bé Na và kể những câu chuyện nhỏ xinh, giản dị, qua đó các bài đồng dao của bố phổ nhạc sẽ vang lên, gắn kết với những câu chuyện đó.
Sách của tôi là sự kết hợp giữa sách viết và sách nói, khi trong sách có các mã QR, khi quét vào người đọc có thể nghe đọc truyện, nghe bài hát và cả xem video hoạt hình.
Tôi cảm ơn Nhà xuất bản ĐHSP đã đồng hành cùng tôi từ ngày mới bắt đầu có ý tưởng, đội ngũ họa sĩ trẻ trung đã tạo nên những trang sách có màu sắc tươi sáng, hình vẽ sinh động. Để có những bài hát, clip hoạt hình là sự giúp đỡ của Công ty Hồng Ân, những câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn qua giọng đọc của nghệ sĩ Trần Y Vân.
"Khúc đồng dao của bé - Về quê" mới là tập 1 trong loạt sách 5 tập. Hy vọng với sự đón chào, tiếp nhận khá tích cực của tập đầu tôi sẽ có thêm nhiều động lực để ra đời các tập tiếp theo.
Tại sao chị lại chọn 8 khúc đồng dao trong hàng loạt bài hát viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên để đưa vào cuốn sách này? Chị muốn gửi gắm điều gì qua cuốn sách?
- Như tôi đã đề cập ở trên, tất cả có 41 bài đồng dao bố tôi phổ nhạc, tôi chia làm 5 tập, mỗi tập sẽ có 8-9 bài. Trong tập 1 tôi chọn một số bài đã được phổ biến rộng rãi: Bà Còng đi chợ, Gánh gánh gồng gồng, Rềnh rềnh ràng ràng. Còn lại sẽ là các bài chưa được biết đến nhiều: Mau mau tỉnh dậy, Thương con ba ba, Cái cò đi đón cơn mưa, Cái bống là cái bống bình, Bầu và Bí.
Các bài trong tập sách đều nói về miền quê hiền hòa với cảnh vật và các hoạt động thú vị mà trẻ em thành phố chưa biết đến. Chính vì thế tôi đặt tên tập sách là "Về quê", vì có một thực tế là rất nhiều em bé có ông bà đang sống ở quê, tôi muốn viết về sự kết nối thế hệ, muốn những truyền thống tốt đẹp bao đời nay của cha ông ta được truyền cho lớp trẻ hôm nay.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nói gì khi cầm trên tay cuốn sách do con gái bỏ nhiều công sức và tâm huyết thực hiện?
- Bố tôi thường không hay nói nhiều, nhưng khi được Nhà xuất bản đến tặng sách ông bất ngờ và không khỏi ngỡ ngàng khi cuốn sách rất đẹp. Ông chỉ nói ngắn gọn: "Con làm cho bố vui lắm, may quá mà có con!". Đúng là bây giờ chỉ còn có tôi ở với bố vì mẹ tôi mất đã 15 năm, còn chị gái tôi cũng ra đi 7 năm rồi.
Chị hiểu gì về bố mình thông qua âm nhạc của ông?
- Tôi được sống với âm nhạc của ông ngay từ khi ra đời, nên những giai điệu, lời ca nó thấm trong mình là điều dễ hiểu. Âm nhạc của bố tôi luôn tươi sáng, không ủy mị và đơn giản một cách kỳ diệu. Để viết được đơn giản là hết sức khó, phải lược đi biết bao nhiêu sự phức tạp mới chắt lọc được sự đơn giản ấy.
Hoàn cảnh gia đình, con đường sự nghiệp của bố tôi có rất nhiều nỗi niềm, nhiều uẩn khúc phải giấu trong lòng, nhưng bố tôi không oán thán, mà vượt lên trên tất cả ông vẫn tìm ra những điều đẹp đẽ, tươi vui ở cuộc sống, đặc biệt ông dành tình cảm yêu mến, trân trọng nhất cho tuổi nhỏ, có lẽ vì thế âm nhạc của ông còn sống mãi với thời gian.
Chị có thể chia sẻ về tình hình sức khỏe của nhạc sĩ Phạm Tuyên hiện tại?
- Năm nay, ở tuổi 95, bố tôi yếu đi nhiều. Hàng chục năm nay, ông sống với một phổi, bị căn bệnh kinh niên COPĐ (tắc nghẽn mạch phổi), cho đến bây giờ ông như ngọn đèn leo lét, cơ thể mỗi năm mỗi kém đi. Chân ông yếu nên gần như ông chỉ ở trong nhà và từ đầu năm đến giờ đã ngã vài lần. Cách đây mấy tháng phải vào Bệnh viện Việt Đức, rất may mắn là chỉ bị thương ở phần mềm. Hiện tại thể trạng ông đã khá hơn nhiều, ăn uống cũng tốt hơn, ông vẫn chăm chỉ đọc báo, xem ti vi, với ông những thứ đó rất cần thiết không khác gì thức ăn hàng ngày.
Chị có bao giờ cảm thấy thảng thốt, hốt hoảng… khi bố mình càng ngày càng già yếu, thời gian ở bên bố không còn nhiều?
- Năm nay, tôi có cảm giác như vậy nhiều lần. Đặc biệt vào tháng 8 vừa qua, khi trông bố mấy đêm ở Bệnh viện Việt Đức tôi trải qua những cơn hoảng sợ thật sự. Lúc đấy, tôi mông lung lắm, đầu óc mụ mị, chỉ cầu mong bố vượt qua. Thật may mắn vì những khoảnh khắc đáng sợ ấy đã rời xa. Tuy nhiên, vì tuổi bố tôi đã cao nên tôi vẫn phải chuẩn bị tâm thế khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên có ảnh hưởng như thế nào đến tính cách, lối sống và tác phong làm việc của con người chị?
- Bố tôi là người rất thương yêu con, thường xuyên chơi với con, dạy con đọc sách, hay kể chuyện cho con những câu chuyện về gia đình, về âm nhạc, nên tôi học được nhiều điều từ bé. Tôi học được ở bố tính không khoa trương, mọi việc đều thể hiện một cách giản dị, nhưng chuyện khó khăn thì không kêu ca, ai oán, cách kể chuyện thì luôn pha chút hài hước để đỡ căng thẳng.
Mẹ tôi đã từng nói, đại ý: Mẹ và chị gái tôi có thiên hướng khoa học chuyên sâu nhiều hơn nên mẹ và chị đều có học vị Tiến sĩ, còn bố và tôi thiên hướng nghệ sĩ, lĩnh vực hiểu biết bao trùm hơn, góc nhìn, cách thức làm việc sẽ có khác biệt.
Nhiều người hỏi, tôi có học nhạc (đã từng học piano ở Nhạc viện) sao không sáng tác nhạc giống bố. Tôi tự thấy không có khả năng sáng tác nhạc, mà nếu có thì cũng chẳng bao giờ theo được bố, nhưng tôi lại là người gìn giữ và phát triển những tác phẩm của bố và sử dụng các tài nguyên ấy theo nhiều cách khác nhau, và tôi tự nhủ phải có trách nhiệm làm thật tốt.
Cuộc sống của chị như thế nào kể từ ngày nghỉ hưu? Việc nghỉ hưu khi đang ở tuổi còn sung sức để cống hiến và làm việc có khiến chị cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối?
- Thực ra, tôi chưa bao giờ có ý định nghỉ hưu sớm, nhưng do một số lý do khách quan tại đơn vị tôi làm việc nên tôi đã quyết định nghỉ sớm trước 2 năm. Tuy vậy tôi đã có kế hoạch chuẩn bị để đến ngày chính thức về hưu không bị hụt hẫng, tôi dần dần tìm các hình thức hoạt động mà cá nhân mình có thể tác nghiệp một mình được và hiệu quả. Mọi người gặp thường bảo tôi nhiều năng lượng, năng động… Thực ra, tôi hiểu cơ thể mình, sức khỏe mình nhất nên biết lúc nào cố được và biết dừng ở đâu.
Công việc của một nhà sản xuất chương trình truyền hình, một người quản lý khiến tôi gặp nhiều áp lực, đến khi về hưu tôi thấy mình làm được các việc mình có sở trường, lại phù hợp với sức khỏe, vì lớn tuổi rồi không thể hoạt động liên tục như thời trẻ được.
Có hai việc mà tôi từng nghĩ không bao giờ làm được thì nay về hưu lại làm một cách "ngon lành". Một là trồng được cây nở hoa, tôi vốn chưa bao giờ trồng nổi một cây gì thì nay tôi có cả vườn xinh xắn trên sân thượng, hoa khoe sắc và việc chăm tưới cây khá là thư giãn và cũng là một hình thức tập thể dục.
Hai là viết sách, trước đây không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ là tác giả sách, điều này phải rất cảm ơn các nhà xuất bản đã tin tưởng tôi, chính niềm tin này đã là động lực giúp tôi hoàn thành được công việc của mình và hy vọng sẽ có những thành quả nữa trong thời gian tới đây.
Hy vọng vậy, nhưng tính tôi vốn không thích nói nhiều khi chưa có kết quả, vẫn luôn sợ nói trước bước không qua…
Cảm ơn nhà báo Phạm Hồng Tuyến – con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên đã chia sẻ thông tin!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.