Gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên mong sớm làm sáng tỏ mọi việc
Chia sẻ với Dân Việt, nhà báo Phạm Hồng Tuyến – con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, gia đình chị cảm thấy rất khó chịu khi chứng kiến hàng loạt bài hát của cha ông mình bị biến tấu sang một phong cách khác, làm mất đi ý nghĩa của bài hát gốc.
"Hiện nay tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam ngày càng tinh vi. Trước đây, thường việc vi phạm bản quyền là sử dụng phần lời, phần giai điệu hoặc sử dụng phần bản ghi mà không xin phép tác giả ca khúc. Nhưng giờ đây nhiều chương trình, nhiều ca sĩ trẻ còn sẵn sàng biến tấu một bài hát sang một phong cách khác, làm mất đi ý nghĩa của bài hát gốc.
Điển hình là ca khúc "Chú voi con ở Bản Đôn" của bố tôi – nhạc sĩ Phạm Tuyên đã bị điều chỉnh từ giọng trưởng sang giọng thứ mà chưa hề được sự chấp thuận của tác giả. Mỗi tác phẩm âm nhạc là một "đứa con tinh thần" của tác giả, ai cũng muốn các bạn trẻ thoả sức sáng tạo, làm mới lại những tác phẩm để bài hát được lan toả rộng hơn, nhưng việc làm mới đó vẫn phải xin phép và chỉ khi được sự đồng ý của tác giả thì bản nhạc biến tấu đó (còn gọi là phái sinh) mới được phát hành trên các nền tảng", chị Phạm Hồng Tuyến chia sẻ.
Chị Phạm Hồng Tuyến bày tỏ thêm rằng, nhạc sĩ Phạm Tuyên không phải là người khó tính nhưng ông cần được tôn trọng với tư cách là một nhạc sĩ lớn, "cha đẻ" của tác phẩm.
"Tôi vẫn nhớ, chương trình Táo Quân – Gặp nhau cuối năm 2009 chế ra "Lụt từ ngã tư đường phố" trên nền bài hát gốc "Từ một ngã tư đường phố" để phục vụ cho chương trình thì nhóm sản xuất đã tới xin phép bố tôi và ông vui vẻ đồng ý ngay. Nhạc sĩ Phạm Tuyên rất ủng hộ sự sáng tạo làm mới tác phẩm của ông, nhưng như vậy không có nghĩa là tuỳ tiện sử dụng, biến đổi bài hát mà không hề xin phép tác giả.
Gân đây, tôi liên tiếp nhận được tin nhắn của bạn bè gửi các link bài hát phái sinh này. Không rõ ai là "tác giả" bản nhạc chế lại này. Tôi đoán, có thể một bạn trẻ hoặc một nhóm sinh viên nào đó trong cơn say mê sáng tạo thì đã chuyển bài hát sang điệu thức khác với phần đệm guitar bập bùng. Rồi thì bài hát nhanh chóng lan toả trên các nền tảng mạng xã hội cũng nhờ bài hát gốc quá nổi tiếng.
Sau thì cả bố tôi và gia đình đều cảm thấy khó chịu vì không có ai xin phép tác giả để ra bài hát biến thể (phái sinh) này. Và thậm chí nhiều người khi hát bài này vẫn nghĩ là của nhạc sĩ Phạm Tuyên, đến cả ca sĩ chuyên nghiệp khi được đề nghị biểu diễn bài hát "Chú voi con ở Bản Đôn" cũng hát bản phái sinh như một sự mặc nhiên. Bài hát đã bị biến thể tuỳ tiện và vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Rất mong tác giả đích thực của việc phái sinh bài "Chú voi con ở Bản Đôn" sớm liên hệ với gia đình để mọi việc được sáng tỏ", chị Phạm Hồng Tuyến bày tỏ.
Tác phẩm phái sinh cũng cần phải tôn trọng tác giả "cha đẻ"
Trao đổi với Dân Việt, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, chuyện biến thể bài hát gốc, thành tác phẩm phái sinh trong làng nhạc (cả thế giới và Việt Nam) không phải mới lạ và đã tồn tại từ nhiều thế kỷ. Trong âm nhạc cổ điển, có một cách sáng tác trên cơ sở dựa vào một chủ đề trong một tác phẩm đã có từ trước để sáng tạo ra một tác phẩm mới và được gọi là biến tấu hoặc là cách gọi nào đó.
Tuy nhiên, người ta sẽ thể hiện việc tôn trọng quyền tác giả bằng cách ghi rõ biến tấu này dựa theo chủ đề nào, tác phẩm nào của tác giả nào. Thậm chí, với những nhà soạn nhạc là tác giả của tác phẩm gốc, nhạc sĩ muốn sáng tác phái sinh còn đến gặp hoặc trao đổi trực tiếp để xin ý kiến trước khi làm việc này. Và giới âm nhạc cổ điển coi biến tấu là một thể loại âm nhạc.
Ở Việt Nam, nhạc sĩ Trọng Bằng cũng từng có tác phẩm biến tấu “Vang mãi bản tình ca” lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt với mục đích tưởng nhớ tác giả của một tác phẩm bất hủ. Một số tác phẩm giao hưởng – thính phòng cũng dựa trên chủ đề một ca khúc quen thuộc, chẳng hạn chủ đề ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của nhạc sĩ Văn Cao được khai thác để sáng tác thành một tác phẩm khí nhạc viết cho dàn nhạc giao hưởng.
Có điều, khi biến tấu hay phát triển dựa trên tác phẩm gốc như thế, các tác giả cũng sẽ ghi rất rõ hoặc đã có sự đồng ý của tác giả gốc.“với âm nhạc đại chúng hiện nay hiện tượng sử dụng tác phẩm quen thuộc nhưng theo cách không đúng nguyên vẹn tác phẩm gốc là một hiện tượng đang hiện hữu. Nhiều nhạc sĩ và giới chuyên môn âm nhạc cho rằng, việc biến tấu một tác phẩm âm nhạc mà chưa xin phép tác giả hoặc trao đổi về mặt quyền lợi khi phát hành tác phẩm trên các nền tảng là rất khó chấp nhận. Bởi họ đã làm khác đi tác phẩm gốc mà nhạc sĩ đã dày công sáng tạo ra và sử dụng chúng có mục đích cá nhân.
"Tôi cho rằng, việc phái sinh tác phẩm âm nhạc cũng có thể coi là một cách những người trẻ sáng tạo nghệ thuật nhưng việc làm này cần cân nhắc cẩn thận và ứng xử văn minh trong vấn đề chia sẻ quyền lợi. Nếu một tác phẩm mới sử dụng một nét nhạc, đoạn nhạc, câu nhạc có ca từ ăn sâu vào trong lòng khán giả để phái sinh sang một tác phẩm khác mà chưa có sự đồng ý của tác giả (người đẻ ra tác phẩm gốc) hoặc chủ sở hữu bản quyền tác phẩm là thiếu sự tôn trọng cần thiết”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.
Theo VP Luật sư NPLaw, khoản 8 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ ghi rõ, tác phẩm phái sinh được quy định là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.
Tác phẩm phái sinh chính là hình thành trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có từ trước. Chính vì vậy việc sử dụng tác phẩm đó vẫn phải đảm bảo tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm gốc đó.
Tác phẩm phái sinh phải có sự sáng tạo mà không được sao chép từ những tác phẩm gốc. Sự sáng tạo ở đây có thể hiểu là thay đổi một phần trong nội dung sự khác biệt về mặt hình thức thể hiện so với tác phẩm gốc.
Tác phẩm phái sinh đó cũng cần phải mang dấu ấn của tác phẩm gốc để việc nhận biết tác phẩm phái sinh, công chúng có thể liên tưởng đến tác phẩm gốc thông qua nội dung vốn có của tác phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.