Con ghẻ

Thứ năm, ngày 20/06/2013 19:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 18.6, Bộ GDĐT công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2013. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở hệ giáo dục thường xuyên (hệ bổ túc) đạt 78,08%, thấp hơn so với năm 2012 là 7,39% (năm 2012 là 84,47%).
Bình luận 0

Nếu nhìn trong từng tỉnh, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của hệ bổ túc quả là… không hiểu nổi. Chẳng hạn như ở Lâm Đồng, tỷ lệ đỗ chung là 84,93%, nhưng nơi đỗ cao nhất chênh với nơi đỗ thấp nhất tới…80%. Cụ thể tại tỉnh này, tỷ lệ đỗ cao nhất thuộc về trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh với 97,3%; thấp nhất là Trung tâm GDTX huyện Lạc Dương với 12,5%. Ở nhiều tỉnh khác, chênh lệch giữa nơi cao nhất và thấp nhất cũng tới 50-60%.

Với “người ngoài”, tỷ lệ đỗ này thật khó tưởng tượng. Nhưng với “người trong cuộc” thì đó là chuyện bình thường. Lâu nay, ngay cả ngành giáo dục cũng coi hệ bổ túc là “con ghẻ”, là nơi để những học sinh cá biệt, học sinh không đỗ nổi vào trường trung học bình thường kiếm lấy cái bằng tốt nghiệp để vào đời. Thậm chí có nơi, như TP.HCM từng có thực tế, học sinh hệ bình thường mà học quá kém cũng cho sang hệ bổ túc thi cho dễ đỗ. Vì thế, theo đánh giá của chính giáo viên tại các trung tâm GDTX, các trường THPT bán công thì giáo viên ở đây “dạy cho qua chuyện”. Thậm chí có học sinh vắng mặt thường xuyên vẫn học và vẫn… đỗ như thường. Người ta ngầm hiểu với nhau, nơi đỗ cao chẳng qua là “coi thi dễ” chứ chưa hẳn thí sinh ở đó giỏi hơn ở nơi khác.

Mấy năm gần đây có thêm chuyện, cứ mỗi kỳ thi, báo chí lại đưa thông tin hàng loạt cán bộ xã các tỉnh tham gia thi để lấy cái bằng tốt nghiệp THPT để phục vụ... yêu cầu chuẩn hóa. Điều đó có nghĩa nếu hệ giáo dục thường xuyên mà cứ dạy và học dễ dãi, cứ bị buông lỏng như hiện nay thì sẽ có thực tế: Cán bộ, học sinh có học cũng như không! Và như vậy sẽ chẳng giúp ích gì cho họ, cho việc nâng cao nguồn nhân lực ở địa phương.

Và kỳ thi này, rất buồn, khi nhiều cán bộ xã đi thi bị trượt “thẳng cẳng”. Báo chí hỏi đến là lảng vì… ngại với con với cháu. Tuy nhiên, một cán bộ xã “có thâm niên” thi trượt cho biết, vì ở cái thế “con ghẻ”, học hành được chăng hay chớ, lúc thi thì trông mong vào sự dễ dãi của giám thị mà ông trượt lên trượt xuống. Ông và những người cùng phòng thi mong được học nghiêm túc, thi nghiêm túc và công bằng, để ông cầm cái bằng tốt nghiệp cũng cảm thấy xứng đáng, tự hào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem