"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Bác sĩ tham gia đấu thầu, mua thuốc, làm sao không sai? (bài 5)

Bạch Dương- Diệu Linh Chủ nhật, ngày 12/06/2022 07:00 AM (GMT+7)
Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư hiện nay ở nhiều cơ sở y tế được cho là do chậm trễ đấu thầu, do lo lắng, e ngại vi phạm hàng loạt các quy định đấu thầu thuốc nghiêm ngặt.
Bình luận 0

Bác sĩ học 3 ngày là tham gia đấu thầu thuốc sao có thể không sai? 

Về dư luận cho rằng hiện nay tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở nhiều nơi một phần là do các bệnh viện sợ mắc lỗi nên lúng túng, chậm trễ đấu thầu, nhiều bác sĩ than thở, chuyên môn chỉ giỏi khám chữa bệnh mà còn bắt đi mua hàng nghìn loại thuốc, vật tư y tế, bảo sao không sai?

Một bác sĩ giấu tên tâm sự: "Mỗi lần bị đưa tên vào hội đồng thầu, mua sắm là ăn không ngon, ngủ không yên. Chuyên môn là bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ giỏi chẩn đoán, kê đơn điều trị bệnh cho bệnh nhân. Phải học hành chật vật 6-10 năm mới có thể trị được bệnh. 

"Cơn khát" thiếu thuốc, thiết vật tư: Bác sĩ tham gia đấu thầu, mua thuốc, làm sao không sai? (bài 5) - Ảnh 1.

Thời gian qua, nhiều cơ sở y tế chống dịch nhờ vào một phần trang thiết bị được tài trợ chứ thực hiện đấu thầu gấp rất khó khăn (Bệnh viện dã chiến tại TP.HCM. Ảnh Bạch Dương)

Ấy vậy mà khi vào Hội đồng đấu thầu chỉ đi học 3 ngày là lấy chứng chỉ "qua lớp đào tạo về đấu thầu", rồi tham gia đấu thầu thuốc thì tinh thông sao được. 

Hơn nữa, thuốc, vật tư y tế là một "ma trận" với hàng nghìn, hàng chục nghìn loại. Chưa kể các văn bản pháp luật về đấu thầu, mua sắm "chất chồng" như núi. Làm sao bác sĩ "học thuộc" để hiểu và thực hiện cho đúng được?". 

Về quy trình đấu thầu thuốc, TS, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết, quy trình thầu ở các bệnh viện công có các bước chủ yếu như: Bệnh viện đề xuất nhu cầu sử dụng vật tư trang thiết bị tiêu hao và thuốc, dự trù cả số lượng và chủng loại tùy vào ngân sách của bệnh viện được giao; bán hồ sơ thầu cho các công ty tham dự. 

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nêu rõ: "Khi tôi còn công tác ở mảng dược, tôi có nói không chừng chúng ta cứ cực đoan ở một phía, dẫn tới tình trạng đấu thầu thì thuốc càng phải rẻ. Năm sau càng phải rẻ hơn năm trước.

Nhưng một khi đã rẻ thì không thể đi cùng chất lượng, vô hình chúng ta tước đi quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế. Lời tôi nói đến giờ chưa thấy tiếp thu gì thì bây giờ lấn qua tới máy móc kỹ thuật rồi".

Bệnh viện sẽ chấm vòng kỹ thuật xem các loại vật tư thuốc men có đạt kỹ thuật hay không. Sau đó là vòng chấm giá. Kết thúc thầu, bệnh viện sẽ gửi kết quả thầu về cơ quan chủ quản và bảo hiểm y tế để duyệt và sau khi được ký duyệt sẽ được sử dụng.

"Quy trình nghe có vẻ đơn giản nhưng phần khó khăn nằm ở các khâu sau: Các loại thuốc sẽ không giống nhau hoàn toàn. Mỗi viên thuốc sẽ giống nhau về hoạt chất chính nhưng hoàn toàn khác nhau về tá dược. 

Hàng loạt thuốc generic với giá cả khác nhau sẽ làm cho các bác sĩ không biết đâu là giá thật. Họ chỉ có thể dựa vào giá do các công ty niêm yết.

Tương tự như vậy với các vật tư tiêu hao như khớp nhân tạo, ốc vít hoặc stent. Mỗi hãng sẽ có thiết kế khác nhau và thành phần hợp kim cấu tạo khác nhau được bảo hộ bằng việc đăng ký bản quyền", TS Nam Anh nhấn mạnh. 

Theo TS Nam Anh, trong hai năm gần đây, hàng loạt giám đốc bệnh viện bị bắt vì liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế và vật tư tiêu hao đã khiến nhiều bệnh viện chùn tay trong việc tổ chức đấu thầu mua hàng. 

Đơn giản vì họ cũng không biết thực sự giá cả các mặt hàng như thế nào. Việc đấu thầu chậm trễ dẫn đến các bệnh viện không có thuốc men, vật tư tiêu hao để điều trị cho bệnh nhân.

"Cơn khát" thiếu thuốc, thiết vật tư: Bác sĩ tham gia đấu thầu, mua thuốc, làm sao không sai? (bài 5) - Ảnh 3.

Một người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K T.Ư đang lục tìm đơn thuốc để đi ra ngoài mua thuốc vì một số thuốc BHYT đã hết, phải mua ngoài. Ảnh G.K

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng thừa nhận, hiện có tình trạng các đơn vị ngại đầu tư thiết bị y tế. Quy định đã có nhưng vẫn còn nhiều nội dung chưa sát thực tiễn.

Khi thực hiện công tác đấu thầu, theo quy định những gói thầu phải được kê khai công khai giá vật tư thiết bị y tế. Các doanh nghiệp cung ứng rất lúng túng, bệnh viện thì không dám mua vì đụng vào mua sắm thế nào cũng có vấn đề.

Thiếu thuốc vì sợ đấu thầu thuốc, sờ đâu cũng khó

Tại Chương trình "Lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế" của Sở Y tế TP.HCM vừa diễn ra, một Trưởng phòng vật tư, trang thiết bị y tế của một bệnh viện bộc bạch: "Tôi là bác sĩ, nếu được chọn tôi vẫn thích làm chuyên môn hơn là công việc hiện tại.

Nhưng vì trách nhiệm, chấp hành phân công của đơn vị tôi cùng các anh em trong phòng cố gắng hết sức làm sao để đúng quy định. Công việc hiện rất áp lực, đòi hỏi tôi phải đầu tư nhiều thời gian, kiểm tra, thẩm định hồ sơ thật kỹ… 

"Chúng tôi đề nghị nên có một trung tâm đấu thầu quốc gia. Những mặt hàng nào có thể đấu thầu thì sẽ thầu công khai. Mặt hàng nào không đấu thầu thì sẽ đàm phán giá.

Sau khi thầu hay đàm phán giá thành công, các mặt hàng sẽ được đưa lên cổng thông tin, các bệnh viện chọn lựa mặt hàng cần thiết cho bệnh viện và ký hợp đồng mua công khai.

Bảo hiểm y tế căn cứ theo giá và thanh toán cho bệnh viện mà không cần phải đi duyệt cho từng bệnh viện như bây giờ", TS Nam Anh đề xuất.

Mặc dù đã nghiên cứu kỹ, kiểm tra kỹ, nhưng thật sự tôi luôn lo lắng sợ sai mà không biết vì các hướng dẫn chưa bao phủ hết các tình huống trong thực tế…". 

Nhiều ý kiến thừa nhận, các cán bộ y tế phụ trách cung ứng vật tư y tế, mua sắm và bảo trì các trang thiết bị y tế đều bị "giằng xé" giữa các yêu cầu chính đáng nhưng lại đối nghịch nhau giữa 3-4 bên. 

Đó là một mặt, phải lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của các nhà chuyên môn trong bệnh viện luôn muốn có những vật tư, thiết bị y tế tốt nhất cho công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. 

Mặt khác, phải tuân thủ yêu cầu của ban giám đốc bệnh viện, nhất là phải giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước như các đoàn kiểm toán, thanh tra về xây dựng giá dự toán khi đấu thầu mua sắm để đảm bảo giá mua phải là giá thấp nhất.

Theo đại biểu Phong Lan, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu tháo gỡ các chính sách nhưng thực hiện khó khăn quá, nhiều rào cản về mặt pháp luật quá. Những chính sách thực hiện tại TP chính là cơ sở để các địa phương khác thực hiện nhưng lại triển khai rất chậm.

"Ai làm sai thì xử lý nhưng chúng ta đang say sưa xử lý sao cho kịp thời mà lại không có các quy định tháo gỡ. Nhiều vụ việc vi phạm tạo tâm lý rất lớn. 

Gần đây, các bệnh viện TP.HCM gần như đóng băng việc mua sắm trang thiết bị", đại biểu nói và cho rằng cần phải quyết liệt để có những chính sách phù hợp.

Một cán bộ y tế tại Hà Nội cũng thừa nhận, bệnh viện nào cũng đều có Hội đồng thuốc và điều trị với nhiều bác sĩ tham gia với nhiệm vụ "đánh giá mô hình bệnh tật" để tư vấn lập kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện để mua sắm, đấu thầu thuốc và vật tư y tế. Kế hoạch này phải xây dựng năm trước cho năm sau, dự trù trước khi đấu thầu khoảng 6 tháng. 

"Cơn khát" thiếu thuốc, thiết vật tư: Bác sĩ tham gia đấu thầu, mua thuốc, làm sao không sai? (bài 5) - Ảnh 5.

Điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), nơi nhiều bệnh nhân ung thư đã phản ánh phải mua thuốc bên ngoài, dù thuốc này nằm trong danh mục BHYT chi trả. Ảnh BVCC

"Nhưng ai dám chắc bệnh tật diễn biến thế nào. Covid-19 là 1 ví dụ, dịch bệnh bùng phát nhanh khiến nhiều nơi "trở tay không kịp", hoặc đùng 1 cái có tai nạn lớn, lượng tiêu hao vật tư, thuốc lớn, vậy là thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Khi thiếu thuốc thì lại phải làm 1 vòng lập kế hoạch, đề xuất đấu thầu, xét duyệt... rất lâu. 

Và người bệnh bệnh trọng phải mua thuốc ngoài, bệnh chưa gấp thì phập phồng chờ đợi", vị này chia sẻ. 

Một lãnh đạo bệnh viện trung ương tại Hà Nội cũng "đau đầu": "Quy định là đã mua thuốc phải sử dụng hết ít nhất 80%. Mà bệnh tật lại biến đổi không ngừng và nhiều diễn biến bất ngờ. Đặc biệt với các thuốc hiếm, ít khi dùng thì chẳng ai dám mua hoặc mua rất ít. Đến khi có bệnh tật cần dùng là hết". 

Do đó, chuyện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế vẫn lòng vòng nhiều năm chưa thể chấm dứt mà thiệt thòi người bệnh phải gánh chịu. 

Để tháo gỡ khó khăn về đấu thầu thuốc, chấm dứt tình trạng thiếu thuốc "đến hẹn lại lên", đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy trình xây dựng danh mục, cách lập dự toán, xây dựng cấu hình… nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, hạn chế tình trạng sai phạm trong công tác đấu thầu, mua sắm.

Đồng thời, Sở sẽ tham mưu trình UBND TP đề án thành lập Trung tâm mua sắm tập trung. Các mặt hàng cần mua sắm tập trung bao gồm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Trong đó, danh mục hàng hóa mua sắm tập trung thực hiện theo lộ trình thời gian vừa để hoàn thiện cơ chế mua sắm mới, vừa đảm bảo không làm gián đoạn cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng cơ cấu nhân lực có trình độ vừa đáp ứng nhu cầu chuyên môn, vừa đáp ứng yêu cầu tuân thủ các quy định pháp luật. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm tại các cơ sở y tế công lập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem