Còn không, tự học ngày nay?

Thứ tư, ngày 25/05/2011 06:41 AM (GMT+7)
Có người nói sự học ngày nay thay đổi rồi, đến đi học chính quy có thầy, có kỷ luật trường lớp hẳn hoi, mất tiền học phí mà có ai muốn học đâu, nói gì đến tự học, nghe xa vời quá!
Bình luận 0

Người thiết thực hơn thì bảo: có, có tự học đấy, nhưng chỉ là chuyện của mấy nhà trí thức, dân chuyên môn sâu. Còn lại thì tuổi trẻ muốn học lấy một nghề nào nhanh kiếm tiền là được.

img

Có thể học cả đời, nếu biết lấy sách làm thầy. Ảnh: Hồng Thái

Đấy, nhiều ngôi trường lớn không có lấy một em nộp đơn thi vào khối C, là vì lý do gì? Nhiều ý kiến phân tích, nào là mở trường ồ ạt, chất lượng giảng dạy này nọ... mà chưa chỉ ra nguyên nhân muốn giỏi khoa học xã hội phải tích luỹ dày công, trong khi những môn khác dễ nắm bắt hơn, nhanh ra nghề cụ thể, xã hội đang cần, lương cao.

Trách gì được, bởi yêu nghề một cách dấn thân bây giờ khá hiếm. Ai cũng biết nghề nào cũng vậy, muốn giỏi đòi hỏi phải yêu nghề, khổ công và trả giá. Nhưng thực tế các môn khoa học xã hội mông lung quá, nhiều khi như trò “vô tăm tích”, rất lâu mới có kết quả.

Ngay trong ngành khoa học xã hội học về truyền thông, nhiều thanh niên bây giờ thích làm PR hơn là thành nhà báo. Làm PR hay làm báo muốn giỏi đều phải bỏ công phấn đấu, chuyện này không cần tranh cãi, nhưng rõ ràng trở thành người làm PR trung bình thì nhanh hơn là thành một nhà báo có khả năng hành nghề.

Tất nhiên còn các yếu tố hấp dẫn khác của từng nghề. Có xu hướng tâm lý và lối sống: thích làm người bình thường, sống hạnh phúc, hơn là xuất sắc dấn thân lên đỉnh cao, trả giá nhiều.

Vì sao đang nói chuyện tự học, lại kể tới những chuyện trên? Là vì cách sống của chúng ta sẽ quyết định ta có muốn tự học hay không. Còn khi đã muốn rồi thì sẽ tìm ra phương pháp (tự học là bao la: học qua sách, qua mạng, học bạn bè; bây giờ học đàn, học làm web, sinh ngữ… tất cả đều có thể tự học bằng sách, băng đĩa…) Học cả đời, chính là tự học.

Ở bậc đại học, yêu cầu tự học rất cao. Là vì, như diễn văn của một hiệu trưởng đại học Harvard đã nói, trường đại học có các đặc điểm: là cỗ máy tạo ra các cơ hội và sự ưu tú, là địa điểm của nghiên cứu và ứng dụng.

Đại học phục vụ như những nhà phê bình và lương tâm xã hội: không chỉ dạy tri thức mà còn tạo ra những câu hỏi, hiểu biết từ hoài nghi, không ngừng đặt câu hỏi, chứ không từ sự thống trị của các tri thức thông thái được chấp nhận không cần thử thách, có quan điểm phản biện và tầm nhìn dài hạn.

Cái cần là tư duy, cách học hiệu quả của đại học chính là tạo ra cách tư duy, thành các chuyên gia thích ứng với đòi hỏi của cuộc sống. Tự học là tự làm việc với chính mình trước, nghiên cứu tài liệu, học với nhóm và thầy hướng dẫn, khơi gợi. Một sinh viên ra trường đứng trước nhà tuyển dụng là phải chứng minh: tôi được đào tạo và có khả năng tự đào tạo.

Mặc dù còn nhiều quan niệm, đánh giá khác nhau về tự học như “không thầy đố mày làm nên”, nhưng có một thực tế là tất cả những trí thức chân chính và những người thành công đa phần là tự học, tự nâng cao văn hoá nền.

Tự học có thể là sự bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, nhưng tự học một cách nâng cao tầm hiểu biết chung, điều này không phải ai cũng ưu tiên cho nó. Hỏi cả trăm sinh viên ai đang đọc một quyển sách thì sẽ chỉ lác đác mấy cánh tay giơ lên, may lắm thì họ đọc sách chuyên môn.

Đã có người bỏ ra hai tháng tìm trên xe buýt mới thấy có… một người đọc sách trong khi đi xe! Cố giáo sư – nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến, người vừa được đào tạo chính quy ở nước ngoài vừa cả đời tự học, có lần nhận xét: “Thanh niên nước ta không có sách nghiêm chỉnh để đọc, mà cũng không đọc một cách nghiêm chỉnh”.

Rất mong bạn đọc chia sẻ thêm cách tự học hiệu quả. Còn ở bài viết này, chúng tôi xin đặt ra một câu hỏi, một hoài nghi: còn nhiều người thiết tha với việc tự học không, để có một văn hoá nền và một tâm hồn biết cảm nhận và phân tích cuộc sống?

Theo Sài Gòn tiếp thị

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem