“Cơn lốc” ly hương ở Miền Tây (Bài 3): Ly nông không ly hương

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 14/01/2021 19:00 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), khác với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Vĩnh Long là tỉnh có số dân di cư ít. Vậy vì đâu mà địa phương này giữ chân được lao động?
Bình luận 0

Nhiều lý do ở lại quê sinh sống

Trao đổi với PV NTNN/Dân Việt, bà Huỳnh Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Vĩnh Long cho biết sở dĩ tỉnh giữ chân được người dân ở lại địa phương làm, không phải di cư là do công tác đào tạo nghề của tỉnh đã đi vào nền nếp, bài bản. Xác định được nhu cầu doanh nghiệp thì mới đào tạo.

Ngoài đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Long còn chú trọng đào tạo các ngành nghề ở nông thôn (lực lượng lao động nông thôn của tỉnh trên 532.600 người, chiếm 85,58% tổng dân số lao động toàn tỉnh) theo nhu cầu tuyển dụng ở các địa chỉ cụ thể trong tỉnh.

Nếu tính trong 10 năm (2010 - 2020), Vĩnh Long đã đào tạo được 100.267 lao động nông thôn, trong đó trên 87.800 lao động có việc làm ổn định sau khi học. Đặc biệt có trên 7.300 hộ gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo, khoảng 5.000 hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá.

“Cơn lốc” ly hương ở Miền Tây: Ly nông không ly hương (Bài 3) - Ảnh 1.

“Cơn lốc” ly hương ở Miền Tây - Ảnh 1.

Vĩnh Long có số dân di cư ít do thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp. Trong ảnh, lực lượng lao động đang làm việc tại Công ty TNHH BoHsing. Ảnh: Huỳnh Xây

Tỉnh Vĩnh Long có 2 khu công nghiệp trọng điểm (Hòa Phú và Bình Minh) và tuyến công nghiệp Cổ Chiên với 2.449 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số này có 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút 77.221 lao động tại địa phương.

Theo bà Hà, dù đào tạo nghề đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng nó chỉ là yếu tố phụ, còn nguyên nhân chính giữ chân lao động ở lại địa phương là do có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.

Cũng theo bà Hà, mặc dù các doanh nghiệp ở Vĩnh Long trả lương theo mức vùng 3, vùng 4 (thấp hơn vùng 1, vùng 2 như TP.HCM, Bình Dương), nhưng do doanh nghiệp ở gần nhà, gần quê hương, có chính sách hỗ trợ tốt, phần khen thưởng có giá trị (nếu làm tốt), nên người dân không muốn rời quê. Hơn nữa, tỉnh Vĩnh Long cũng đang có nhiều doanh nghiệp lớn "rủ nhau" đầu tư vào tỉnh do nhận thấy môi trường đầu tư ở đây tốt, có lợi nhuận và nguồn lao động phong phú".

Giữ thanh niên ở lại quê

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Vĩnh Long, để hạn chế người dân di cư vì mùa màng thất thu, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng bỏ dần diện tích lúa kém hiệu quả, vận động người dân vào hợp tác xã (HTX) làm lúa chất lượng cao xuất khẩu. Đối với vùng không thể tiếp tục trồng lúa, tỉnh chuyển sang trồng cây ăn trái, chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP, hữu cơ…

“Cơn lốc” ly hương ở Miền Tây: Ly nông không ly hương (Bài 3) - Ảnh 4.

Nhiều thanh niên ở Vĩnh Long chọn cách lập nghiệp tại địa phương thay vì phải rời khỏi quê hương. Trong ảnh, chị Lê Ngọc Hiền ở khóm Tân Quới Đông, phường Trường An, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long bên vườn dưa lưới của mình. Ảnh: Huỳnh Xây

Nếu so với năm 2019, năm 2020 này, tỉnh Vĩnh Long giảm 9.643ha diện tích trồng lúa, tăng 1.556ha diện tích cây lâu năm, trong đó, diện tích cây ăn trái tăng 1.368ha. Tổng đàn lợn tăng là 24.998 con, đàn bò tăng 8.387 con, đàn gia cầm tăng 3.360 con. Hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn trái và chăn nuôi cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Về thu hút lao động địa phương, chia sẻ với phóng viên, ông Đoàn Văn Tài (ở ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: "Do trồng lúa phẩm cấp thấp không có lợi nhuận và nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ nên ông chuyển sang trồng lúa thơm hữu cơ và vận động nhiều hộ dân lân cận thành lập HTX nông nghiệp Tấn Đạt. Hiện, HXT đang tạo việc làm cho 65 lao động thường xuyên ở địa phương với mức lương thấp nhất là 4,5 triệu/tháng. Riêng những lúc thu hoạch lúa, công việc nhiều, HTX sẽ có khoảng 80 người".

Cũng như HTX nông nghiệp Tấn Đạt, trang trại lươn sạch không bùn của anh Nguyễn Thanh Tân (ở ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cũng thu hút khoảng 15 lao động tại địa phương, với thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng.

Để làm tốt hơn nữa công tác trong việc giữ chân lao động ở lại địa phương, lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Long cho hay sẽ cố gắng động viên, thuyết phục doanh nghiệp có chính sách tốt đối với lao động. Bên cạnh đó, phía Sở sẽ nỗ lực đào tạo nghề cho người dân địa phương và đặc biệt là đào tạo cho người dân đi làm việc ở nước ngoài, nhiều nhất là Nhật Bản.

Bà Hà nói: "Vĩnh Long có số lao động đi làm việc ở nước ngoài đứng thứ hai ở ĐBSCL, sau Đồng Tháp. Sau khi về địa phương, thanh niên đi lao động nước ngoài phần lớn xây được nhà cho cha mẹ và có dư để khởi nghiệp". Các thanh niên này đều được vay vốn để đi làm và trả dần về sau. Đặc biệt, sau khi làm việc ở nước ngoài về, các thanh niên sẽ không bị "bỏ rơi", mà được các doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ bố trí việc làm.

Lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm để hạn chế tối đa việc di dân đi nơi khác, tới đây, đầu năm 2021, Sở sẽ bắt đầu đào tạo cho thanh niên nông thôn học nghề làm dịch vụ chăm sóc trẻ và người lớn tuổi. "Hiện,nhu cầu của địa phương rất nhiều và hy vọng mô hình này sẽ giúp được nhiều thanh niên địa phương có việc làm, không phải xa quê hương làm thuê", bà Hà chia sẻ.

Về vấn đề lao động trên địa bàn tỉnh, ông Bùi Văn Nghiêm - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết thời gian qua, tỉnh thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh tập trung thu hút đầu tư, ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, khởi nghiệp và phát triển nông nghiệp theo hướng sạch.

 (Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem