Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày

Thứ tư, ngày 22/05/2013 09:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ ngàn xưa, chữ “hiếu” luôn có một vị trí trang trọng vào hàng bậc nhất trong văn hóa ứng xử của phương Đông. Việt Nam là một nước chịu ảnh hưởng mạnh tư tưởng Nho giáo, luôn xem đạo hiếu là thước đo đầu tiên để đánh giá một con người.
Bình luận 0

Xét theo quan điểm hiện đại, cái văn hóa gia đình “nghiêm phụ, từ mẫu, hiếu tử” chưa bao giờ lỗi thời cả. Chính các nhà văn hóa học của Mỹ cũng từng thừa nhận thiếu sót lớn nhất của đất nước họ là đã bỏ qua những giá trị của gia đình. Từ điển của họ không có chữ “hiếu” đầy trách nhiệm với cha mẹ, họ chỉ có “be nice with” (tốt với) rất đỗi chung chung. Nhưng đó là việc của xã hội phương Tây vốn xem trọng giá trị cá nhân, còn chúng ta thì sao? Đáng buồn thay, chữ “hiếu” đã và đang lung lay nhiều lắm.

Thử mở bất kỳ tờ báo chính trị - xã hội nào trong vòng một tháng, người đọc sẽ thấy, ít nhất là một cái tin ngắn, về tình trạng con cái đối xử tàn tệ với cha mẹ. Tàn tệ đến cỡ nào? Nào là chửi mắng, đánh đuổi, bỏ đói, không phụng dưỡng, chiếm đoạt tài sản thừa kế, xem chẳng khác người ở để sai vặt việc nhà, thậm chí xuống tay tàn độc với đấng sinh thành.

Ngay đầu tháng 5 này, dư luận không khỏi phẫn nộ trước trường hợp L.V.P. (Đồng Nai) khi ông này đã đánh mẹ mình (bị tai biến nằm liệt giường) đến chết. Đáng chú ý hơn, hành vi dã man này lại diễn ra như cơm bữa. Thật khó nhắm mắt làm ngơ và cho rằng chỉ là một vài trường hợp cá biệt, vì vẫn có đấy những con người có ăn học đàng hoàng mà vẫn đối xử với cha mẹ không khác gì người dưng nước lã, thậm chí là kẻ thù.

Nếu công ơn cha mẹ có thể quy ra thành hóa đơn tiền chợ thì chắc phải đem vài chục thùng đến chứa mới đủ. Biết bao công sức, tiền của đổ vào để nuôi được một sinh linh nhỏ bé nên người. Đó là chưa kể đến việc cha mẹ phải lao tâm khổ tứ đến thế nào khi thấy con đau, con buồn, con thất bại, con tuyệt vọng, con chống đối, con dại khờ phá tán.

img
Tranh minh họa

Chẳng thể nào tính được cái chi phí của tình yêu thương vô bờ đó, mà cha mẹ cũng có muốn tính toán so đo chuyện nuôi dạy con cái đâu. Thế mà... con cái thì lại tính hóa đơn đấy. Có buồn cười không khi một ông con lại lôi mẹ ra tòa đòi trả tiền phụng dưỡng? Có xót lòng không khi cô con gái yêu nửa năm mới về thăm mẹ một lần lại cứ càm ràm “nuôi mẹ cực quá!”. Nghe cứ như lời than của mấy người làm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ấy nhỉ? Thôi thì cứ xem họ đang chăn nuôi gia phụ, gia mẫu như nuôi bò, nuôi gà đi vậy...

Cha mẹ nuôi con dù chẳng tính toán gì cũng mong con mình sau này sẽ hiếu thuận để mình vui hưởng chút tuổi già ốm yếu và lẩn thẩn. “Mình nuôi chúng nó cả đời chứ chúng nó nuôi mình được mấy”, theo lời đó của các cụ thì đúng là anh con cưng, nàng “gái rượu” lời quá còn gì. Được vay với lãi suất ưu đãi 0% (mà cũng chẳng cần trả vốn), phận làm con lại còn đòi hỏi cha mẹ phải trả tiền “dịch vụ” nuôi dưỡng à? Sao khôn thế? Cái chuyện giành giật gia tài cũng chẳng khác gì...

Các cụ phải “có nghĩa vụ” trao đi tất cả những gì mình có và phải đảm bảo công bằng, “ăn đồng chia đủ”, cấm có được thiên vị đâu đấy. “Ừ thì chia đều, hóa ra các con thương lão già này bằng nhau cả à?”. Thôi thì đám con chưa mặt dày đến mức nhận mình hiếu thảo nhất, kèm theo việc đòi chia tài sản nhiều nhất cũng mừng lắm rồi!

Trường hợp con cái đánh chửi cha mẹ, người viết nghĩ chẳng nhất thiết phải bàn về tính chất bạo hành vô nhân tính cho thêm đau lòng và phẫn nộ. Bởi vì cái bạo hành cha mẹ ở đây không chỉ về thể xác mà còn ở tinh thần.

Và cả những trường hợp kể trên chẳng phải là bạo hành sao? Ở cái tuổi xế chiều, các đấng sinh thành đã không còn giữ được sức khỏe, sự sáng suốt cũng như một tâm lý vững vàng, linh hoạt của tuổi trung niên. Họ trở thành một sinh thể yếu ớt, vụng về, luôn lo lắng về sự “xuống cấp” liên tục của mình.

Vẫn với tấm lòng cao thượng, họ lo mình sẽ thành gánh nặng của con cháu, từ đó mà cảm thấy bị tổn thương, lo lắng hoặc cáu gắt khi con cháu có những biểu hiện xem họ thực sự là kẻ thừa. Một vài biểu hiện ân cần dù nhỏ nhoi cũng đủ để các bậc làm cha làm mẹ ấm lòng, tiếc rằng người làm con không hiểu thì thôi, lại còn gắt gỏng, tranh đoạt, đấu đá đủ kiểu. Vậy đâu là nguyên nhân?

Câu trả lời chính là sự phát triển quá nhanh của xã hội, nhịp sống hiện đại bận rộn và đắt đỏ kéo theo đó một quan niệm lệch lạc về đồng tiền. Quan niệm cho rằng tiền có thể thay thế cho tất cả những giá trị truyền thống đã tạo ra những người con hùng hục đi làm để kiếm tiền về “nuôi” cha mẹ, và tệ hơn, khi họ cho rằng chỉ một việc ấy đã đủ gọi là “báo hiếu” rồi. Tiếc thay đồng tiền chẳng thể nói được những lời trìu mến, và người con thì đang “trả công” chứ chẳng phải “đền ơn” cho đúng đạo.

Đã qua rồi cái thời “tam đại đồng đường”, con cháu ngày nay lúc nào cũng muốn “ra riêng” (vì gia đình riêng thì ít, vì ghét phiền lụy thì nhiều). “Xa mặt cách lòng” là lẽ đương nhiên, người con đã phần nào quên đi sự hiện hữu của cha mẹ trên đời này. Và rồi họ thành người dưng của nhau lúc nào không biết, mà đã là người dưng thì sẵn sàng đánh giết nhau cũng chẳng có gì lạ.

Sẽ vô cùng bất công khi chúng ta cứ đổ hết tội cho xã hội hiện đại, bởi lẽ trách nhiệm làm con là thứ phải được cảm nhận bằng trái tim. Dù bận rộn đến đâu, chúng ta vẫn có ít nhất vài mươi phút để gọi điện về thăm hỏi, hay đơn giản là ngồi bóp chân, đấm lưng cho các cụ, chọc cho các cụ cười...

Tình yêu được xây dựng từ những việc làm giản dị nhất, và khi người con nhận rõ “đạo hiếu” thật nhẹ nhàng, tự nhiên thì chẳng còn cái thái độ so đo tính toán, làm tổn thương cha mẹ nữa. Nạn bạo hành chỉ có thể xảy ra khi người con không còn xem cha mẹ là người đáng để yêu kính nữa. Và như một luật bất thành văn, những đứa con bất hiếu sẽ chẳng bao giờ nhận được tình yêu thực sự từ con mình, và rồi báo chí sẽ còn đăng nhan nhản hai chữ “bạo hành”.

Theo Dòng Đời
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem