Rau quả Việt Nam chủ yếu bán tươi, giá rẻ, thị trường có giá bán cao vẫn rất nhỏ
Con số đáng buồn: Hơn 80% sản phẩm rau quả Việt Nam xuất khẩu dưới dạng tươi, giá rẻ
Khương Lực
Thứ sáu, ngày 20/11/2020 13:12 PM (GMT+7)
Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hơn 80% sản phẩm rau quả của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng tươi, giá rẻ. Các thị trường có giá bán cao như Nhật Bản, Mỹ... dù có sự tăng trưởng lớn nhưng thị phần vẫn rất nhỏ.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam (Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ NNPTNT) cho biết, phân tích cơ cấu thị thị trường và cơ cấu sản phẩm cho thấy hiệu quả xuất khẩu rau quả của nước ta chưa thật sự cao.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, năm 2017 chiếm hơn 75,6% thị phần, nhưng phần lớn là sản phẩm trái cây giá trị gia tăng thấp.
Các thị trường có giá cao dù có sự tăng trưởng lớn, nhưng thị phần vẫn rất nhỏ như: Nhật Bản tăng trưởng giá trị 69,3% nhưng chỉ chiếm 3,64% thị phần; Hoa Kỳ tăng trưởng giá trị 20,9%, nhưng chỉ chiếm 2,94% thị phần…
Về cơ cấu sản phẩm, hơn 80% sản phẩm xuất khẩu dưới dạng tươi, giá rẻ; sản phẩm chế biến sâu chỉ chiếm dưới 10%.
Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ NNPTNT xây dựng Đề án phát triển chế biến rau quả đứng trong 5 nước hàng đầu thế giới. Theo đánh giá của ông, việc đáp ứng máy móc cho ngành công nghiệp chế biến rau quả hiện nay như thế nào?
- Hiện nay, việc cung ứng máy móc phục vụ nông nghiệp của ngành cơ khí chế tạo trong nước còn rất hạn chế, mới đạt khoảng 30% nhu cầu của cơ giới hóa nông nghiệp (sản xuất trên đồng ruộng), số còn lại phải nhập khẩu.
Đối với các dây chuyền thiết bị toàn bộ phục vụ công nghiệp chế biến rau quả như: chiếu xạ, thanh trùng nước nóng, cấp động, lạnh nhanh IQF, cô đặc, chế biến nước quả đóng hộp… đều phải nhập khẩu và phần lớn trong số đó có xuất xứ từ châu Âu.
Tuy nhiên, việc đáp ứng máy móc cho ngành công nghiệp chế biến rau quả ở nước ta (bất kể nguồn nào trong nước hay nhập khẩu) không chỉ ở khâu chế biến công nghiệp mà cần xem xét toàn diện theo từng phân khúc của chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ.
Đối với công đoạn sản xuất nguyên liệu: Năm 2018, với diện tích trồng rau khoảng 937.300 ha cho sản lượng hàng năm khoảng 16,5 triệu tấn và 923.900 ha cây ăn quả cho sản lượng gần 10 triệu tấn việc ứng dụng máy móc tham gia vào các khâu của quá trình sản xuất còn rất hạn chế.
Hầu hết diện tích trồng rau đều thực hiện làm đất, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy; các khâu lên luống, gieo hạt, bón phân nhiều vùng chuyên canh đã sử dụng máy móc, song mức độ cơ giới hóa chưa cao; riêng khâu thu hoạch, thu hái rau quả vẫn chủ yếu là thủ công.
Gần đây đã có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành sản xuất rau quả, thưa ông?
- Mấy năm gần đây, các doanh nghiệp "đầu tàu" như: Unifarm, Lavifoods, Vegetexco, Vegetigi, Antesco, GOC, Doveco, Nafoods… đã liên kết với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung sản xuất các loại rau quả chủ lực, chuyên canh phục vụ chế biến xuất khẩu.
Nhiều loại máy canh tác kết hợp với công nghệ cao (sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tự động tưới tiết kiệm nước…) được ưu tiên áp dụng, đảm bảo kiểm soát an toàn thực phẩm và ổn định chất lượng nguyên liệu ngay từ khâu sản xuất.
Đối với công đoạn bảo quản sau thu hoạch: Trong 5 năm trở lại đây việc ứng dụng máy móc, thiết bị trong bảo quản, xuất khẩu quả tươi được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm đầu tư, góp phần đưa các sản phẩm trái cây Việt Nam sang các thị trường "khó tính" như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU…
Trong 5 năm trở lại đây việc ứng dụng máy móc, thiết bị trong bảo quản, xuất khẩu quả tươi được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm đầu tư, góp phần đưa các sản phẩm trái cây Việt Nam sang các thị trường "khó tính" như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU…
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam
Ngoài các công nghệ đã có trước đây như hệ thống chiếu xạ, thanh trùng nước nóng, gần đây Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu và chuyển giao thành công đưa vào hoạt động nhà sơ chế vải thiều năng xuất 2 tấn/giờ cho Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam tại Hải Dương, thời gian bảo quản tối thiểu từ 30 - 35 ngày đảm bảo yêu cầu xuất khẩu theo đường biển.
Tuy nhiên, đây là khâu còn nhiều tồn tại, chưa được tổ chức thành hệ thống, nên trên thực tế giá trị gia tăng của trái cây Việt Nam xuất khẩu tươi chưa cao (nhất là các loại quả xuất khẩu tiểu ngạch) và tổn thất sau thu hoạch lớn.
Đối với công đoạn chế biến: Ngành rau quả Việt Nam hiện có khoảng 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với trình độ công nghệ chế biến đạt mức trung bình của thế giới. Mặc dầu công suất chế biến quy mô công nghiệp khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm nhưng tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế toàn ngành mới chỉ đạt 56%.
Để khắc phục tình trạng này, một số công ty đã hợp tác với các Viện nghiên cứu bổ sung công nghệ và thiết bị trong nước để đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ rau quả nhiệt đới, tăng thời gian sản xuất trong năm và hiệu quả đầu tư.
Đối với khâu kết nối thị trường: Các hoạt động logistics trong tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng còn bị bỏ ngỏ. Đối với hoạt động xuất khẩu ngành chế biến rau quả thiếu trầm trọng hệ thống kho ngoại quan được trang bị thiết bị bảo quản lạnh, hệ thống xếp dỡ, vận chuyển.
Đối với tiêu thụ nội địa, chưa chú trọng tổ chức và xây dựng hạ tầng thương mại theo hướng văn minh (chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi…), chậm hình thành các cơ sở Packing house nhằm kiểm soát ATTP, sơ chế, phân loại, đóng gói rau quả tại các vùng sản xuất tập trung và các chợ đầu mối.
Tóm lại, việc đầu tư ứng dụng công nghệ, máy móc cho ngành chế biến rau quả còn nhiều vấn đề được đặt ra, cần có chính sách đúng, đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ cũng như thúc đẩy cơ khí trong nước chế tạo đáp ứng một phần yêu cầu của sự phát triển.
Hiện nay tỷ lệ nguyên liệu rau quả đưa vào chế biến đạt thấp, khoảng 5-10%, điều này phải chăng do chúng ta còn có quá ít cơ sở chế biến, đặc biệt là những cơ sơ chế biến sâu để đa dạng sản phẩm và nâng cao giá trị hoa quả xuất khẩu?
- Trong vòng 6 năm trở lại đây ngành chế biến rau quả xuất khẩu nước ta có bước tăng trưởng ấn tượng. Từ 1,073 tỷ USD năm 2013 đến năm 2018 đạt trên 3,8 tỷ USD; năm 2019 do biến động giảm mạnh từ thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu rau quả vẫn đạt 3,74 tỷ USD.
Phân tích cơ cấu thị thị trường và cơ cấu sản phẩm cho thấy hiệu quả xuất khẩu rau quả của nước ta chưa thật sự cao. Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, năm 2017 chiếm hơn 75,6% thị phần, nhưng phần lớn là sản phẩm trái cây giá trị gia tăng thấp.
Các thị trường có giá cao dù có sự tăng trưởng lớn, nhưng thị phần vẫn rất nhỏ như: Nhật Bản tăng trưởng giá trị 69,3% nhưng chỉ chiếm 3,64% thị phần; Hoa Kỳ tăng trưởng giá trị 20,9%, nhưng chỉ chiếm 2,94% thị phần…
Về cơ cấu sản phẩm, hơn 80% sản phẩm xuất khẩu dưới dạng tươi, giá rẻ; sản phẩm chế biến sâu chỉ chiếm dưới 10%. Năm 2020, cả thế giới chống chọi với dịch Covid19, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng xuất khẩu rau quả chế biến, chứng minh ưu thế vượt trội so với xuất khẩu quả tươi.
Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường, xuất khẩu quả tươi với giá trị gia tăng cao vẫn chiếm ưu thế (70%), song tỷ trọng rau quả chế biến sâu phải tăng từ 5 % hiện nay lên 15 - 20 %.
Việc chế biến sâu chỉ đạt ở mức dưới 10% không hoàn toàn là do quá ít cơ sở chế biến hay dây chuyền công nghệ không hiện đại, mà mấu chốt vẫn là những tín hiệu từ thị trường.
Mặc dầu có mức tăng trưởng nhanh (5 năm 2013 – 2017 kim ngạch XK tăng 43%/năm), song trình độ chế biến sâu rau quả Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được với những yêu cầu khắt khe của các thị trường "khó tính" từ việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào đến chất lượng của sản phẩm đầu ra.
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA, EVIPA mở ra nhiều cơ hội cho ngành chế biến rau quả xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu. Chính nhờ tín hiệu thị trường này, nên thời gian gần đây các tập đoàn như: Vina T&T, LaviFoods, Doveco … có sự đầu tư lớn (trên 6.100 tỷ đồng) xây dựng mới 8 nhà máy chế biến hiện đại công suất khoảng 180.000 tấn sản phẩm/năm.
Theo ông, chúng ta cần có chính sách thúc đẩy công nghiệp phục vụ nông nghiệp như thế nào?
- Trong vòng 10 – 15 năm tới nông nghiệp Việt Nam được kỳ vọng là một nền nông nghiệp hiện đại, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; thúc đẩy phát triển cánh đồng lớn với cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu của chuỗi giá trị nông sản.
Từ trước đến nay, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự ràng buộc bởi cơ chế, thiếu nguồn lực, tổ chức thực hiện chưa tốt…nên nhìn chung nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống, sự chuyển biến về "chất" trong nông nghiệp chậm so với kỳ vọng.
Theo tôi, muốn công nghiệp hóa, trước hết cần phải thay đổi nhận thức của người làm nông nghiệp hướng đến một nền sản xuất hàng hóa lớn và phát triển bền vững. Cần vận động, tuyên truyền để nông dân tự nguyện tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX, thành lập các nông trại lớn, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu và chế biến.
Muốn công nghiệp hóa, trước hết cần phải thay đổi nhận thức của người làm nông nghiệp hướng đến một nền sản xuất hàng hóa lớn và phát triển bền vững. Cần vận động, tuyên truyền để nông dân tự nguyện tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX, thành lập các nông trại lớn, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu và chế biến.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam
Rà soát sửa đổi Luật đất đai gắn với công tác quy hoạch, hình thành cánh đồng lớn và vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, tạo điều kiện để cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng các chương trình, dự án trọng điểm đầu tư chế biến sâu nông sản có giá trị gia tăng cao, tạo động lực phát triển ở các vùng sản xuất hàng hóa. Từ đó xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại; không khuyến khích ưu đãi tràn lan, nhưng thực tế không có nguồn lực để triển khai.
Rà soát, hoàn thiện và đảm bảo nguồn lực thực hiện các cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, bảo hiểm nông nghiệp và thủ tục hành chính nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu; hệ thống logistics đồng bộ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh hàng nông sản.
Xin cảm ơn ông!
Hình thành các Trung tâm cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất hàng hóa lớn
Cụ thể hóa Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/03/2018 phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đối với lĩnh vực công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu.
Cần căn cứ vào thị trường để ngành chế tạo máy nông nghiệp vừa phục vụ nhu cầu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, chế biến công nghiệp trong nước, vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xây dựng, hình thành các Trung tâm cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất hàng hóa lớn.
Ưu tiên nhập khẩu thiết bị toàn bộ, công nghệ hiện đại từ các nền công nghiệp tiên tiến, đồng thời tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ, khoa học công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm chế biến; từng bước nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, tién đến làm chủ công nghệ.
Kết hợp các cơ sở đào tạo, dạy nghề với các doanh nghiệp, thực hiện các phương thức đào tạo tại chỗ nâng cao nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên sâu và nhân lực quản trị cho phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.