Việt Nam phải làm gì để vượt Trung Quốc, Chile lọt tốp 5 nước xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới?

Khương Lực Thứ ba, ngày 17/11/2020 11:31 AM (GMT+7)
Để trở thành một trong 5 nước xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới, Việt Nam buộc phải vượt qua Trung Quốc (đứng vị trí thứ 6), Chile (đứng vị trí thứ 5) hoặc có thể phải vượt lên trên tứ cường về xuất khẩu rau quả là: Mỹ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Mexico.
Bình luận 0

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới vào năm 2030, Bộ NNPTNT đang xây dựng Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ trong quý IV/2020.

Rau quả Việt Nam phải vượt Trung Quốc, Chile để lọt tốp 5 nước hàng đầu thế giới? - Ảnh 1.

Ngày 20/9/2020, Tập doàn TH đã đưa nhà máy chế biến rau quả tươi và thảo dược hiện đại ở Sơn La đi vào hoạt động. Ảnh: Hà Hoàng.

Theo dự thảo Đề án, đến năm 2030, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó rau quả chế biến đạt 30% trở lên; giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch mỗi năm từ 1-1,5%. 

Trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm.

Như vậy, với những tham vọng mà Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 đưa ra, hầu hết các mục tiêu đều phải có sự bứt phá mạnh mẽ, tăng trưởng ít nhất gấp 2 lần so với hiện tại.

Với đà tăng trưởng nhanh như vũ bão – giai đoạn 2013-2018 trung bình đạt 15%/năm, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt đỉnh, với giá trị 3,8 tỷ USD.

Việt Nam đã trở thành một cường quốc về xuất khẩu rau quả và năm 2018 đã đứng vị trí thứ 7 trên thế giới. Tốc độ xuất khẩu tăng nhanh thứ 2 thế giới sau Mehico.

Cả nước hiện có khoảng 996.500 ha rau các loại, cho sản lượng hàng năm khoảng 17,6 triệu tấn. Diện tích cây ăn quả trên 1 triệu ha, cho sản lượng khoảng 9,5 triệu tấn/năm. Sản phẩm rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.

Bộ NNPTNT

Tương ứng với đó, diện tích cây ăn quả cả nước và các vùng miền có xu hướng tăng liên tục, đến năm 2019 chính thức vượt mốc 1 triệu ha, đạt 1.067 triệu ha.

 Tuy nhiên, mạch tăng trưởng nhanh đó đã bị đứt mạch trong năm 2019 và 2020 trước những tác động bất lợi do thay đổi từ chính sách nhập khẩu của các nước và đại dịch Covid-19.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 3,75 tỷ USD, giảm 1,6% so với năm 2018. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2020 của cả nước đạt trên 2,73 tỷ USD, giảm 12,2% so với 10 tháng đầu năm 2019.

Luận giải về mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 8-10 tỷ USD vào năm 2020, phía Bộ NNPTNT cho rằng, mục tiêu 8 đến 10 tỷ USD vào năm 2030 – tương đương đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm – phù hợp tăng trưởng xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp thời gian qua cũng như định hướng tăng trưởng thời gian tới.

Rau quả Việt Nam phải vượt Trung Quốc, Chile để lọt tốp 5 nước hàng đầu thế giới? - Ảnh 3.

Chế biến thanh long xuất khẩu tại nhà máy Lavifood (Long An). Ảnh: Trần Khánh

Theo Bộ NNPTNT, hiện, Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu rau quả với giá trị 3,8 tỷ USD năm 2018, nếu phấn đấu đạt 8 tỷ USD vào năm  2030 (tốc độ tăng trung bình 8%/năm) sẽ tương đương kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước Hà Lan là 8 tỷ USD, hiện đang đứng thứ 3 thế giới.

Trong khi đó, tốc độ tăng xuất khẩu của nhóm các nước tốp 5 nước  hiện tại (Mỹ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Mehico, Chile) có tốc độ tăng hàng năm không đáng kể, chỉ khoảng 1-2%.

Về mục tiêu tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên, Bộ NNPTNT cho rằng mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ vươn lên san lấp khoảng cách 8,5% so với thế giới là hoàn toàn khả thi khi hàng loạt nhà máy chế biến rau quả đã và đang xây dựng và đi vào hoạt động.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2019, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam đạt 15,2%, trong khi đó bình quân của thế giới năm 2018 là 23,7%.

Đến năm 2019, cả nước đã hình thành hệ thống với trên 157 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp và hàng nghìn cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, hộ gia đình trong khắp cả nước, đạt công suất khoảng 1,05 triệu tấn. 

Trong 3 năm 2017-2019, các doanh nghiệp lớn trong nước như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Nafoofs, Công ty CP xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao (DOVECO), Công ty CP Lavifood, Vina T&T... đã đầu tư xây dựng mới 8 nhà máy chế biến rau quả hiện đại với công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm với số vốn đầu tư 6.152 tỷ đồng.

Đến năm 2030, để đạt công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, dự kiến sẽ phải thu hút đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến, bảo quản rau quả hiện đại với công nghệ sản xuất tiên tiến gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có sản lượng rau quả lớn.

Mục tiêu đưa xuất khẩu qua quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới

Đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững; có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu sản xuất và nhu cầu tiêu thụ; có trình độ công nghệ tiên tiến gắn với các vùng sản xuất rau củ quả tập trung, áp dụng công nghệ cao, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm chế biến đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao; góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu qua quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới.

Nguồn: Dự thảo 4 đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem