Giá cau tươi "lao dốc" ở đâu, chứ ở Hải Phòng dân vẫn bán 80.000 đồng/lkg, cả làng này phát tài?
Giá cau tươi "lao dốc" ở đâu chả biết, tại Hải Phòng cao nhất vẫn 80.000 đồng/kg, cả làng này phát tài
Thu Thủy
Thứ tư, ngày 23/10/2024 08:32 AM (GMT+7)
Mấy hôm nay, thông tin giá cau tươi bất ngờ "quay xe, lao dốc" khiến nhiều người "sững sờ". Ấy nhưng, ở Hải Phòng, giá cau tươi mua vào vẫn ở mức 80.000 đồng/kg. Dân làng nghề trồng cau, chế biến cau tươi xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) vui mừng phấn khởi.
Clip: Không khí lao động sôi nổi tại xưởng sấy cau tươi của gia đình anh Tô Đình Cường, thôn 8, xã Cao Nhân, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng. Giá cau tươi tăng kỷ lục trong vòng 10 năm qua đã khiến hoạt động mua bán, sấy cau tươi ở làng trồng cau, chế biến cau Cao Nhân trở nên sôi động hẳn lên. Thực hiện: Thu Thuỷ
Dân làng nghề trồng cau, chế biến cau tươi xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) càng phấn khởi, vui hơn trong bối cảnh sau cơn bão số 3-bão Yagi nguồn thu nhập của bà con nông dân từ cây trồng khác không còn nữa.
Thương lái "ăn cau tươi" mạnh, cau tươi tăng giá gấp 4 lần
Phóng viên báo Dân Việt có mặt tại xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) vào sáng ngày 19/10. (đây cũng là hời điểm chính vụ sấy cau).
Trên các con đường về xã thi thoảng PV lại bắt gặp những chiếc xe máy, ô tô lớn nhỏ chở cau tươi từ nhiều nơi khác chở về đây giao bán tại các xưởng thu mua, sơ chế và sấy cau khô.
Phía trong các xưởng chế biến cau, người lao động đang hối hả bẻ cau, nhặt cau phân loại cau, người nào việc nấy.
Các lò sấy trong xã hoạt động suốt ngày đêm, thương lái Trung Quốc túc trực sẵn tại các xưởng để được thu mua cau khô tại chỗ.
Theo nhiều hộ dân trồng cau tại xã Cao nhân thì chưa năm nào giá cau tươi lại được giá và kéo dài như năm nay.
Gia đình bà Hoàng Thị Vụ, thôn 9, xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) có khoảng 300 cây cau đang trong giai đoạn vào quả.
Cau nhà bà Vụ sẽ được thu hoạch vào dịp tháng giêng năm sau, nếu giá cau tươi vẫn giữ giá như hiện nay thì gia đình bà cũng có một khoảng tiền lớn.
Xe thu mua cau tươi từ nhiều nơi khác chở về giao bán tại các xưởng thu mua, sơ chế và sấy cau khô tại xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Ảnh: Thu Thuỷ
"Đầu năm, giá cau tươi cũng đã tăng cao nhưng cũng chỉ dao động ở mức 45.000 -50.000 đồng/kg, sau bão số 3 giá cau tươi tăng dần lên 60.000, 70.000 đồng/ kg và đỉnh điểm giá cau tươi đang chạm mức 80 nghìn đồng/kg gồm cả cành, cuống. Giá cau tươi hiện tại đang lên cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây" – bà Vụ cho biết.
Người lao động đang vặt cau khỏi buồng để mang sấy khô tại xưởng sơ chế của gia đình anhTô Đình Cường, thôn 8, xã Cao Nhân (huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng). Ảnh: Thu Thuỷ
Bà Nguyễn Thị Mai, thôn 4, Cao Nhân cho biết, gia đình bà có truyền thống 3 đời trồng cau tươi. Trong xã nhà nào cũng trồng cau trong vườn, ít thì chục cây, nhiều thì vài trăm cây.
Trước đây, loại quả này được người dân trồng để bán để cho người già ăn trầu, đám xá cưới hỏi…
Nhưng sau đó được thương lái Trung Quốc "săn lùng" đặt mua cau khô để về làm nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp sản xuất kẹo cao su và làm dược liệu. Vì vậy, người dân trong xã cũng đã chuyển đổi nhiều diện tích đất vùng cao cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cau và các cơ sở chế biến cau khô xuất hện nhiều lên trong làng xóm.
"Giá cau bán được giá nhất vào dịp Tết nhu cầu lớn, sang tháng giêng hai có lễ chạp giá cao cũng chỉ dao động từ 18.000 -20.000 đồng/ kg do nhu cầu lớn, sau đó giảm dần.
Tuy nhiên, năm nay giá cau liên tục tăng, thời điểm cuối tháng 4, loại trái này khoảng 25.000 đồng/kg vào tháng 6, tăng lên gấp đôi ở mức 50.000 - 55.000 đồng và dần tịnh tiến ở mức 80.000 đồng/kg. Tôi không biết những ngày sau sẽ thế nào, chỉ mong giá cau tươi giữ nguyên ở mức 80.000 đồng/kg là người trồng cau Cao Nhân có thêm chút thu nhập bù lại thời gian dài cau tươi ế ẩm" – bà Mai nói.
Cũng giống tâm trạng nhiều hộ trồng cau trong huyện Thuỷ Nguyên, bà Nguyễn Thị Lam, đội 2, Thanh Lãng, xã Quảng Thanh cho biết, nhà bà không thuộc xã Cao Nhân nhưng cũng tham gia trồng cau tươi để bán.
Những năm trước, gia đình bà quy hoạch trồng 500 cây cau lớn nhỏ, tuy nhiên do đổ bùn lên gốc cộng thêm siêu bão quật đổ hiện gia đình bà chỉ còn khoảng 100 cây. Sau bão, nhiều thứ rau màu xoá sổ nhưng nhà bà còn vớt vát được ít cau tươi bán được nên giá cũng có thu nhập để trang trải sinh hoạt trong lúc khó khăn hiện nay.
Nhà nào có cau bán là nhà đó trúng, càng bán nhiều càng có tiền to
Chủ xưởng sấy cau, anh Tô Đình Cường, thôn 8, xã Cao Nhân, huyện Thuỷ Nguyên cho biết, năm nay thương lái đặt mua cau sấy nhiều đột biến, các xưởng không đủ cung cấp cho thương lái, giá cau cứ thế đẩy lên, cứ vài ngày một giá.
Nhất là sau bão số 3-cơn bão Yagi vừa qua, giá cau tươi tăng cao lên gấp 4 lần trước đó, xưởng sấy cau của gia đình anh Cường vẫn đang nhập ở mức giá giao động từ 60.000 – 80.000 đồng/ kg.
Cau trồng tại Việt Nam vẫn được khách hàng nước bạn yêu chuộng hơn vì chất lượng cau trong nước luôn đứng đầu bảng.
Giá cau tươi nhập vào cũng phải cao hơn cau tươi nhập từ nước khác. Xưởng nhà anh Cường chuyên sấy cau tươi nhập trong nước nên lúc nào cũng đắt hàng, sấy đến đâu hết hàng đến đó, thương lái còn đến tận xưởng túc trực để nhận lấy hàng.
Cơ sở sấy cau khô của gia đình anh Cường đang nhập chủ yếu cau tươi tại tại Hải Phòng. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu ngày một khan hiếm nhiều lúc cũng phải đi khắp các tỉnh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, có khi vào tận miền Trung đặt các đại lý thu mua cau tươi. Thậm chí phải đi sang Thái Lan, Myanmar nhập hàng chục container cau tươi về xưởng đê sấy bán.
"Năm nay, cả người trồng cau lẫn các cơ sở chế biến đều phấn khởi, riêngngười trồng cau đang bán được giá, 1kg cau tươi có giá tương đương với 1kg trái sầu riêng lúc bình thường. Một cây cau nếu được chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch một vụ từ 2 - 4 buồng cau.
Mỗi buồng cau tươi cũng được từ 3 -5kg, với giá bán hiện nay nông dân cũng thu từ 200.000 –300.000/buồng. Cá biệt có cây cau sai quả bán được tới cả triệu đồng. Cau tươi cứ được giá như năm nay, người dân trồng cau thắng lợi chẳng khác gì người dân trồng sầu riêng" – anh Cường chia sẻ thêm.
Công nhân phân loại cau đã được sấy khô tại xưởng sơ chế của gia đình anhTô Đình Cường tại thôn 8, xã Cao Nhân (huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng). Ảnh: Thu Thuỷ
Hầu hết các cơ sở chế biến cau trong xã Cao Nhân đều có chung một nỗi băn khoăn là hiện nay hệ thống các xưởng sấy cau ở Cao Nhân vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư, công tác bảo vệ môi trường, nhất là thu gom, xử lý rác thô như vỏ, cành cau và nước thải từ sấy cau phải gộp chung vào thu gom rác thải sinh hoạt của địa phương.
Ngoài ra, chưa có chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với nghề, các hoạt động chủ yếu tự phát trong các hộ làm nghề.
Trao đổi cùng PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Cao Nhân cho biết, nghề trồng và chế biến cau ở xã Cao Nhân đang mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, giá cau còn bấp bênh, không ổn định, luôn phải phụ thuộc vào thương lái nước ngoài. Những năm được giá cau chủ xưởng có thể thu tiền tỷ, nhưng năm rớt giá cũng lỗ nặng, thậm chí còn điêu đứng bỏ cuộc.
Hiện, xã Cao Nhân đang có 37 xưởng chế biến cau khô xuất sang thị trường Trung Quốc, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động trong và ngoài xã có thu nhập trung bình từ 8 -10 triệu đồng/người/tháng.
Giá cau thời điểm hiện nay tăng nhưng không có sự đảm bảo nào lâu dài. Vì vậy người dân trong xã cũng không lấy đó làm chắc chắn để đầu tư mở rộng diện tích trồng cau thêm.
Người dân phấn khởi lao động tại xưởng sơ chế của gia đình anhTô Đình Cường, thôn 8, xã Cao Nhân (huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng). Ảnh: Thu Thuỷ
"Năm 2007, xã Cao Nhân đã được UBND thành phố Hải Phòng công nhận là Làng nghề trồng cau và chế biến cau tươi. Nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được làng nghề, chưa có ban quản lý làng nghề… Hiện, địa phương cũng chuẩn bị sẵn quỹ đất và được quy hoạch làng nghề, nên đề nghị UBND huyện, thành phố sớm quan tâm đầu tư xây dựng làng nghề quy tụ các hộ gia đình làm nghề sấy cau tập trung vào một khu để việc quản lý tại địa phương được chặt chẽ hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như xử lý triệt để nguồn rác thải hữu cơ được phát sinh từ cuống cau và cành cau trong các xưởng sấy cau hiện nay" – ông Tiến nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.