Gắn trách nhiệm của từng cá nhân
Còn nhớ, cách đây hơn 5 năm, khi Vĩnh Phúc bước vào xây dựng NTM, với bao khó khăn chồng chất. Bởi khi đó, ai cũng hiểu xây dựng NTM là làm sao để bộ mặt nông thôn đổi mới, nhưng đổi mới thế nào, cách làm ra sao thì dường như không phải ai cũng hiểu cặn kẽ được. Và để chương trình NTM có thể đi vào thực tế một cách nhanh chóng, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định, muốn triển khai trước tiên lãnh đạo, người chủ chốt các sở, ban, ngành, địa phương phải là người nắm, hiểu rõ nhất. Có như vậy mới có thể truyền đạt chủ trương, đường lối, tinh thần của chương trình đến với người dân được. Và để công việc thuận lợi, lãnh đạo tỉnh đã phân công, giao trách nhiệm cho từng cá nhân, trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM này.
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Triệu Đề (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Ảnh: V.T
Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành 23 Nghị quyết về cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với các nội dung tiêu chí xây dựng NTM; UBND tỉnh đã ban hành 25 quyết định và 10 kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông; tăng cường cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa; phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân; thu gom, xử lý rác thải, chất thải...
Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình vận động, hỗ trợ các địa phương trong xây dựng NTM. Như hỗ trợ xi măng, thưởng cho những xã, huyện về đích giai đoạn đầu. Hàng ngày các cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã thường xuyên xuống cơ cở, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn phong trào xây dựng NTM đã phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, các cơ sở hội như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Thanh niên… đều rất tích cực thi đua xây dựng NTM. Nhờ đó, năm 2015, Vĩnh Phúc đã được T.Ư đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Tiến Phong - Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho biết, lúc đầu khi bắt tay vào xây dựng NTM, ông cũng rất lo. Bởi nhiều xã có xuất phát điểm rất thấp. Song lãnh đạo tỉnh đã xác định, đây là một chương trình lớn, là cơ hội để tỉnh đổi mới, vươn lên, nên đã “kéo” cả hệ thống chính trị vào cuộc: “Một thuận lợi nữa là khi triển khai chúng tôi được người dân rất ủng hộ. Trong cách làm, chúng tôi chỉ đạo các địa phương linh động, trên tinh thần tôn trọng ý kiến của người dân, theo tinh thần: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi, nên hầu như không xảy ra kiện tụng” - ông Phong nói.
Tuyên truyền có vai trò rất quan trọng
Ông Phong cho rằng, để có được kết quả ngày hôm nay, công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng. Ông Phong kể rằng, những năm đầu xây dựng NTM, ông và thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh hầu như không có “thứ bảy, chủ nhật” và chuyện họp thâu trưa, thậm chí có cuộc họp kéo dài đến 12 giờ đêm là chuyện thường tình. Cách tuyên truyền mà Ban chỉ đạo áp dụng cũng rất đặc biệt. Đầu tiên tuyên truyền cho các lãnh đạo chủ chốt của các địa phương, sau đó mới tuyên truyền đến người dân thông qua các cuộc họp, báo chí…
Tại buổi tổng kết 5 năm xây dựng NTM của tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Văn Trì – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã nhấn mạnh, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vào năm 2017, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân với chương trình xây dựng NTM. “Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong, ngoài tỉnh và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng NTM” – ông Trì nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh NTM vào năm 2017, có 94/112 xã (83,9%) đạt chuẩn, thì từ nay đến cuối năm thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 5/7 huyện (Bình Xuyên, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương) đạt chuẩn NTM...
“Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng đã được Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đưa vào nghị quyết, do đó chúng tôi sẽ cố gắng về đích đúng hẹn” – ông Trì cho hay.
Về công tác tuyên truyền, ông Phong cho rằng, ngoài việc quan tâm động viên, hỗ trợ kịp thời những địa phương còn khó khăn, việc động viên kịp thời những điển hình tiên tiến, những xã làm tốt cũng rất quan trọng: “Không gì bằng thực tế. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền những bài học kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương trong và ngoài tỉnh, đề các địa phương đi sau học tập. Học bài học từ thực tiễn sẽ là bài học “rẻ” và hiệu quả nhất” – ông Phong nói.
Xã Bá Hiến (Bình Xuyên): Nỗ lực về đích nông thôn mới
Là xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) năm 2016 của huyện Bình Xuyên, song hiện Bá Hiến mới đạt 16/19 tiêu chí NTM. Ba tiêu chí chưa đạt là: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Hiện Bá Hiến còn 2 trường chưa đạt chuẩn là: Trường THCS Bá Hiến và Trường Mầm non Bông sen. Song Trường THCS Bá Hiến đang xây dựng và đã hoàn thành giai đoạn I.
Theo dự kiến, xã Bá Hiến cần 44 tỷ đồng để xây dựng tiếp giai đoạn II, song lại đang khó khăn về kinh phí. Để cán đích đúng hẹn, Bá Hiến đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo tiền đề vững chắc xây dựng NTM; toàn xã có 25 mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung và nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt hơn 700 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 92,6%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,43%.
Tùng Sơn
Gần 800 vùng trồng trọt hiệu quả
Sau hơn 5 năm xây dựng NTM, Vĩnh Phúc đã xây dựng được 789 vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa, với tổng diện tích 6.239ha, gồm các loại cây trồng như bí đỏ, bí xanh, cà chua, dưa chuột, dưa hấu, dưa lê, khoai tây, ớt, su su, với sự tham gia của 76.089 hộ dân. Giá trị thu nhập từ trồng bí đỏ đạt 64 triệu đồng/ha/vụ, ớt 110 triệu đồng/ha/vụ, dưa các loại đạt 143 triệu đồng/ha/vụ, cá biệt cà chua đạt 183 triệu đồng/ha/vụ, su su trên 200 triệu đồng/ha/năm”. Bên cạnh đó đàn bò sữa cũng không ngừng tăng lên từ 7.244 con (năm 2010), lên 8.733 con (năm 2015), theo mô hình liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp.
Nam Sơn
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.