Con tin của nước sạch

Vinh Hải Thứ năm, ngày 17/10/2019 07:00 AM (GMT+7)
Khách hàng ở Thủ đô không khác gì con tin của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà, trong khi ví của Công ty này vẫn không ngừng dày lên.
Bình luận 0

Sáng 16/10, một người bạn của tôi đang sống tại một chung cư cao cấp ở quận Thanh Xuân đang trong giờ làm việc vẫn phải sấp ngửa về nhà để nhận nước miễn phí từ những chiếc xe téc.

Hơn 30 năm trước, khi còn sống ở khu tập thể trên đường Lương Thế Vinh cũng ở quận Thanh Xuân, tôi thường thấy những chiếc xe téc như vậy chở nước đến bơm vào bể chung của khu. Một hình ảnh quen thuộc với những ai sống thời bao cấp ở Thủ đô Hà Nội. 

10 năm trước, suốt một tháng hè bố con tôi phải canh suốt đêm để dùng máy bơm áp lực hút nước từ đường ống cấp nước vào nhà. Lúc đó, nếu mở đường ống cả ngày ở trạng thái bình thường, 6 người trong gia đình tôi sẽ hứng được 2 chậu  nước gần đầy.

Cuối tháng, hóa đơn tiền nước vẫn được gửi đến đúng hẹn. Không có một lời xin lỗi hay thậm chí là giải thích từ phía công ty cấp nước.

img

Chiều 14/10, tại chung cư Linh Đàm, hàng trăm cư dân đã phải xuống sân xếp hàng lấy nước sạch về dùng.

Năm 2010, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu công nhận tiếp cận nước sạch và điều kiện sống hợp vệ sinh là một quyền của con người.

Ở nước ta, quyền và trách nhiệm của khách hàng sử dụng nước sạch được quy định rõ trong Nghị định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Xét về mặt chủ thể, khách hàng sử dụng nước sạch và đơn vị cung cấp nước được đặt ngang vai. Thậm chí, ở góc độ kinh doanh, khách hàng còn được nâng lên thành “thượng đế”.

Nhưng cán cân đã bị lệch ngay từ khi “thượng đế” cầm trong tay bản hợp đồng cung cấp nước sạch. “Thượng đế” không có quyền đàm phán bản hợp đồng đó, họ phải đưa ra quyết định ký hoặc không ký. Muốn có nước sinh hoạt, họ buộc phải ký vào bản hợp đồng đó.

Bởi mỗi khu vực chỉ có một đơn vị cung cấp nước sạch đầu tư hạ tầng, nói cách khác, lĩnh vực kinh doanh nước sạch có sự độc quyền cung cấp ở những khu vực nhất định.

Hàng triệu người dân phải sử dụng nước nhiễm styren không thể yêu cầu thay đổi đơn vị cung cấp nước sạch – Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà. Bất chấp chất lượng nước không đúng như hợp đồng ký kết, hay thậm chí đơn vị này gian dối, che giấu việc nguồn nước bị nhiễm bẩn.

img

Vết dầu chảy xuống suối Khại (Kỳ Sơn, Hòa Bình) sau đó chảy ra hồ và Nhà máy nước sạch sông Đà không kiểm soát tốt, dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy.

Sau khi nhận được thông tin Công ty này sẽ tạm dừng cấp nước để tiếp tục súc xả đường ống, bể chứa, anh bạn tôi chua chát: “Đấy, đến nước bẩn giờ cũng chả có mà dùng”.

Và tối qua, người dân Thủ đô lại chen chân cùng xô chậu, xe kéo để chờ hứng từng chút nước sạch.

Đến hẹn, hóa đơn tiền nước vẫn đến tay các “thượng đế” bị dùng nước bẩn suốt gần một tuần. Tiền vẫn đổ về Công ty Nước sạch sông Đà.

Quý I năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Công ty Nước sạch sông Đà là 50,2 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Quý II năm 2019, lợi nhuận sau thuế lại tiếp tục tăng lên mức 76,2 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày họ lãi hơn 842 triệu đồng.

Khách hàng không khác gì con tin của Công ty này bởi sự độc quyền, vô trách nhiệm và vô cảm đến ngạc nhiên. Trong khi ví của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà vẫn không ngừng dày lên.

Tháng 9 vừa rồi, họ vừa chia nhau cổ tức bằng tiền mặt – tiền từ hàng vạn hộ gia đình phải chịu 21 lần vỡ đường ống và gần một tuần dùng nước nhiễm styren.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem