Gập ghềnh con đường gieo chữ
Năm 2020, thầy giáo trẻ Cà Văn Sinh với hành trang là sự nhiệt huyết đã quyết tâm gắn bó với Điểm trường Bản Nậm Vì - một trong những Điểm trường khó khăn nhất của Trường PTDTBT TH Chung Chải 2. Điểm trường Nậm Vì có 40 học sinh lớp 1, 2.
Trong đó 100% là con em người dân tộc Mông, phải học trong những lớp tạm bợ, nền đất lấm lem, cánh cửa được ghép bằng tre. Vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, 85% hộ dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nên con đường đi học cái chữ của các em càng thêm muôn phần khó khăn.
Thầy Sinh trải lòng: “Dù đã chuẩn bị trước tâm lý về những khó khăn tại nơi đây, nhưng lần đầu trực tiếp nhìn thấy điểm trường trước mặt, tôi thấy bất ngờ. Mùa mưa, đoạn đường ngắn 300, 400 mét bắt buộc phải đi bộ mới vào được trường. Thầy cô và học sinh lấm lem bùn đất, sơ hở là ngã".
Nằm cheo leo trên sườn đất dốc, quãng đường di chuyển vào Điểm trường Bản Nậm Vì rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa. Được xây dựng từ năm 2013, điểm trường đến nay đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học của thầy trò nơi đây.
Thầy Sinh cho biết, vì nền nhà bằng đất, nên những ngày trời mưa đều rất khó khăn, vất vả cho thầy trò. Các em học sinh dù đã được rửa chân trước khi bước vào lớp học cũng không tránh được việc bị vấy bẩn vì nền nhà đất.
Thiếu thốn từ lớp học đến nhà công vụ, thầy giáo trẻ phải ở nhờ nhà dân. Nay đây mai đó, mỗi nhà thầy lại ở ít ngày chẳng khác nào một “thầy giáo du mục". 5 năm qua, vết chân của thầy Sinh đã hằn dấu trên khắp các nẻo đường của bản. Hằng ngày, thầy giáo trẻ phải dậy thật sớm để bắt đầu công việc mang tên “công tác dân vận".
“Đặc biệt vào mùa làm nương, nhiều gia đình thay vì cho con đến trường, lại địu con lên nương. Tôi phải đến nhà trước khi họ đi làm để tuyên truyền, vận động cho các con đi học. Ngày nào tôi cũng phải chạy đua với thời gian vì chỉ lo các gia đình lại địu con đi làm mất” - thầy Sinh chia sẻ.
Thầy Sinh nhớ mãi hình ảnh thầy cùng cậu trò nhỏ làm phiên dịch phải đi bộ cả chục km đến các nhà dân vận động cho trẻ đi học. Trên đường đi thầy trò đều bị ngã do trời mưa và đường đầy sình lầy. Đến nhà các học sinh, thấy cảnh nhà đất hở trước, hở sau. Tài sản lớn nhất trong nhà là cái xoong và mấy chiếc bát đã mẻ. Thương trò vất vả, thầy Sinh lại càng quyết tâm gắn bó, đồng hành cùng với các em và người dân bản Nậm Vì.
Chờ ngày “Điểm trường mơ ước" chắp cánh những ước mơ
Ngày biết tin Điểm trường bản Nậm Vì được Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phối hợp cùng Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) và Công ty TNHH Thanh Thuý (tỉnh Điện Biên) tài trợ xây dựng lớp học mới, thầy Sinh vỡ oà trong hạnh phúc.
“Ngay khi nghe được tin, tôi chạy thật nhanh để báo cho người dân trong bản được biết. Ai nấy đều vui mừng và phấn khởi lắm, có người còn ôm chầm lấy tôi khóc.” - thầy Sinh nhớ lại hình ảnh lúc đó.
Con đường học chữ của các em học sinh nơi đây rất gian nan. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em không được bố mẹ quan tâm chuyện học tập. Khi đến trường, các em cũng phải học trong lớp học nền đất, không đảm bảo chất lượng.
Nhìn ngôi trường mới khang trang đang dần được hình thành. Không chỉ thầy cô, học sinh, mà các phụ huynh đều thấy hạnh phúc. Ông Lù A Dia (SN 1978, bản Nậm Vì) bày tỏ: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, đến cái ăn cái mặc còn không đủ, con cái được Nhà nước lo, tạo điều kiện đi học đã là may mắn. Hiểu thế, nên trước đây khi con học ở lớp học cũ dù biết có những khó khăn, nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận”.
Giờ đây, ông Dia có một thói quen mới, đi nương về sẽ qua ngắm điểm trường đang được xây dựng đến đâu. Mỗi lần con trai đi học về, 2 bố con lại chuyện trò về những lớp học mới. “Con hay hỏi tôi, “Bố ơi không biết bao giờ con sẽ được học ở lớp học mới!”, tôi sẽ trả lời con ngay “Tuần tới điểm trường xong nhé"” - ông mỉm cười nói.
“Điểm trường mơ ước" bản Nậm Vì (Trường PTDTBT TH Chung Chải 2) được xây mới 2 phòng học với diện tích hơn 130m2. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Báo Nông Thôn Ngày Nay phát hành số báo đầu tiên, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử vẻ vang, ngày 16/4, “Lễ khánh thành “Điểm trường mơ ước" bản Nậm Vì sẽ được diễn ra. Tổng trị giá toàn bộ chương trình lên đến 800.000.000 đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.