Con tôm Việt: Xuất khẩu lớn, nhập nguyên liệu cũng nhiều

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 27/01/2017 07:00 AM (GMT+7)
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về sản lượng tôm xuất khẩu, nhưng có thực tế là nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn tôm nguyên liệu từ nước ngoài, khiến chi phí sản xuất tăng lên và thường bị động trong sản xuất, kinh doanh.
Bình luận 0

Theo Bộ NNPTNT, tính đến hết tháng 11.2016, diện tích tôm sú cả nước ước đạt 566.349ha, sản lượng 232.044 tấn; diện tích tôm thẻ chân trắng ước đạt 65.948ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng khoảng 210.815 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, năm nào Việt Nam cũng phải nhập khẩu tôm nguyên liệu.

img

 Ương tôm giống tại Công ty Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên). Ảnh: T.L

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi khoảng 426 triệu USD để nhập khẩu tôm, chiếm 40% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản. Hiện Việt Nam nhập khẩu tôm nguyên liệu từ 37 nước, trong đó tôm chân trắng và tôm sú sống/đông lạnh chiếm phần lớn với tỷ trọng lần lượt là 65,9% và 20,3%; còn lại là các loại tôm khác. Lý giải nguyên nhân nhập nhiều,  giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL cho biết là do giá tôm nguyên liệu trong nước cao hơn so với các nước xuất khẩu tôm khác, chất lượng lại không đồng đều, nguồn cung hạn chế. Để tăng khả năng cạnh tranh và duy trì tốc độ xuất khẩu, bắt buộc các doanh nghiệp phải mua nguyên liệu của nước ngoài.

Thực tế, theo VASEP, năm 2015, Ấn Độ – quốc gia có giá xuất khẩu tôm rẻ hơn Việt Nam, có lúc chênh lệch đến 2 USD/kg nên đã trở thành nguồn cung tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 74,7% tổng nhập khẩu tôm năm 2015.

Cũng theo VASEP, trong 11 tháng đầu năm 2016, ngành thủy sản Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu lên tới gần 1 tỷ USD, trong đó tôm chiếm cao nhất (khoảng 37 - 40%). Hầu hết các doanh nghiệp vẫn sử dụng khoảng 17% nguyên liệu tôm nhập khẩu.

VASEP nhận định, năm qua ngành tôm không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn, mặn, dẫn đến thiếu nguyên liệu phục vụ cho chế biến, mà cách thức tổ chức nhỏ lẻ, manh mún càng khiến các doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp thủy sản chưa tạo lập được quy trình sản xuất khép kín từ con giống cho đến vùng nguyên liệu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem