Do đó, các nhà kinh doanh tôm khuyến cáo nông dân không vội “treo ao”, đồng thời, thực hiện các giải pháp để giảm thiểu thua lỗ như kéo dài thời gian nuôi, giảm mật nuôi thả nuôi, giữ vững các tiêu chuẩn quốc tế như ASC…
Giá giảm sâu do cung vượt cầu
5 tháng đầu năm nay, người nuôi tôm ĐBSCL đều “rầu rĩ” vì giá tôm. Trong tháng 4, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg đã giảm đến 20.000 đồng/kg so với tháng 3, xuống còn 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tôm cỡ 100 - 110 con/kg cũng giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg, xuống còn 85.000 - 90.000 đồng/kg.
Sang tháng 5, giá tôm không cải thiện mà tiếp tục giảm tại các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… Hiện giá tôm vùng ĐBSCL đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Cụ thể, thương lái ở Sóc Trăng thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 60 con/kg giá cũng rất thấp, ở mức gần 100.000 đồng/kg.
Giá tôm giảm sâu, nhiều nhà máy giảm mua vào khiến người nuôi tôm ĐBSCL "méo mặt". Ảnh: Thuận Hải.
Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm trong nước bị ảnh hưởng bởi xu hướng giá thế giới, hiện đang giảm mạnh do nguồn cung tăng cao. Giá tôm tại các nước có nguồn cung lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador, Indonesia… đều giảm mạnh, thậm chí có nơi còn giảm xuống dưới mức giá thành.
Theo VASEP, giá tôm nguyên liệu tại đầm tôm Ấn Độ giảm xuống mức 270-280 rupee/kg đối với tôm chân trắng cỡ 50 con, còn đầu còn vỏ (HOSO), tương đương khoảng 4 - 4,2 USD/kg. Đây là mức giá thấp hơn chi phí sản xuất.
Tại Thái Lan, giá trung bình hàng tuần đối với tôm chân trắng cỡ 80 con/kg giảm xuống 135 bạt/kg, tương đương 3,7 USD/kg. Còn giá tại đầm tôm Indonesia đạt 4,9 - 5USD/kg đối với tôm chân trắng HOSO cỡ 50 con/kg…
Trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu giảm sâu, các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam cũng không dám mua vào vì các nhà nhập khẩu giảm mua. VASEP cho biết, giá xuất khẩu đã giảm tới 20% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn khó bán vào thị trường Mỹ. Nguyên nhân là vì người mua nghĩ giá sẽ giảm nữa.
Hơn nữa, trên thị trường Mỹ, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ đang cố gắng bán giảm giá để đưa hàng ra. Trong quý I/2018, giá trung bình nhập khẩu tôm Ấn Độ vào Mỹ đạt 9,9 USD/kg trong khi giá trung bình nhập khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ đạt 11,4 USD/kg.
Người nuôi chưa nên vội “treo ao”?
Dù giá tôm nguyên liệu và cả giá xuất khẩu đều đang ở mức thấp, nhưng các chuyên gia thủy sản cho rằng, do hiện tại chưa phải là mùa cao điểm tiêu thụ tôm nên nhu cầu chưa cao. Hy vọng bước sang nửa cuối năm nay, tình hình sẽ cải thiện hơn.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng phần lớn tôm Việt Nam hiện nay để xuất khẩu, do đó ảnh hưởng bởi cung cầu và giá thế giới là điều dễ hiểu. Trong tình hình hiện nay, ông Nhiệm khuyên người nuôi nên bình tĩnh, thực hiện thả nuôi mật độ thưa hơn dự kiến để giảm thiểu rủi ro hoặc kéo dài thời gian thu hoạch để có tôm cỡ lớn hơn.
Hiện tại, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh cũng đã có những kiến nghị về giải pháp tới Chính phủ và ngân hàng để tháo gỡ phần nào khó khăn về vốn cho người nuôi tôm và giải quyết những vướng mắc đang cản trở ngành tôm phát triển.
Hiệp hội tôm Mỹ Thanh khuyến cáo người nuôi nên thả mật độ thưa hơn, nuôi lâu dài hơn để có cỡ tôm lớn hơn khi thu hoạch. Ảnh: Thuận Hải.
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại và thuỷ sản Thuận Phước, thì cho rằng, dù giá cả thế nào thì các doanh nghiệp vẫn cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao hơn.
Đồng thời, phải tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp. Đây vốn là điểm yếu của tôm Việt Nam nhiều năm nay khi chúng ta chưa đa dạng hóa sản phẩm, chưa có nhiều sản phẩm cao cấp. Trong khi đó, các sản phẩm này bán được giá cao hơn và thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
Còn theo ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, doanh nghiệp trong nước cũng cần tham gia vào các chuỗi cung ứng của thế giới bằng cách xây dựng nguồn tôm sạch, hệ thống ao nuôi đạt chứng nhận quốc tế…
Để làm được điều này, các hộ nuôi nhỏ lẻ phải có sự hợp tác, liên kết với nhau theo mô hình Tổ hợp tác, HTX hoặc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất. Việc này có thể khó nhưng khi làm được, cả doanh nghiệp và người nuôi sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường, được chia sẻ lợi nhuận hợp lý và sản xuất ổn định hơn khi thị trường có nhiều biến động.
Theo phân tích của VASEP, sau khi giá tôm giảm mạnh, người nuôi tại Thái Lan, Ấn Độ có xu hướng giảm thả nuôi, do đó, nguồn cung dự báo sẽ giảm trong thời gian tới. Trong khi, sang quý III, các nhà máy trong nước tăng cường mua nguyên liệu cùng với nhu cầu “ấm lên” từ các thị trường nhập khẩu, giá tôm sẽ bắt đầu tăng lên.
Nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ được dự báo vẫn tốt với niềm tin tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế tích cực. nhập khẩu tôm của các thị trường nhập khẩu chính cũng được dự báo sẽ tăng trong cuối quý II hoặc đầu quý III năm nay. Do đó, người nuôi tôm vẫn có thể hy vọng giá bán được cải thiện vào nửa cuối năm nay.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.