Công an khởi tố vụ án liên quan đến "Tina Dương", người vi phạm có thể đối mặt với hình phạt nào?

Quang Minh Thứ năm, ngày 13/10/2022 17:49 PM (GMT+7)
Cơ quan CSĐT Công an TP.Phan Thiết đã khởi tố vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" liên quan Ninh Thị Vân Anh (27 tuổi, ngụ Bắc Giang), hay còn gọi "Tina Dương". Ở góc độ pháp lý, đối tượng gây ra vụ việc có thể bị xử lý sao?
Bình luận 0

Công an sẽ làm rõ từng tội danh 

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là các tội danh xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên phụ thuộc vào hành vi khác nhau, phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản khác nhau, đối tượng người bị hại khác nhau trong một chuỗi mối quan hệ mà việc xác định tội danh cũng như xác định tư cách của những người tham gia tố tụng là câu chuyện đôi khi còn gây tranh cãi.

Hiện nay, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, còn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.

Điều luật mô tả hành vi phạm tội khác nhau trong đó, tội lừa đảo thì hành vi, thủ đoạn gian dối có trước, việc nhận tài sản xảy ra sau và mục đích chiếm đoạt tài sản có ngay từ đầu. Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản giao dịch xảy ra là vô hiệu do bị lừa dối và bị chiếm đoạt tài sản.

Còn với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì quan hệ dân sự ban đầu là hợp pháp, sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp rồi thì đối tượng đã gian dối, bỏ trốn, sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản, có tài sản nhưng cố tình không trả có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Công an khởi tố vụ án liên quan đến "Tina Dương", người vi phạm có thể đối mặt với hình phạt nào? - Ảnh 1.

Ninh Thị Vân Anh, người bị tố dùng các chiêu trò để vay mượn tiền tỷ của nhiều người. Ảnh chụp vào chiều 17/9, lúc làm việc tại xã Bình Tân. Ảnh: CTV.

Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản đều có thể có yếu tố "gian dối" và gian dối chính là căn cứ để xác định hành vi phạm tội nhưng với tội lừa đảo thì hành vi gian dối có trước khi nhận được tài sản, vì gian dối nên nạn nhân mới hiểu lầm rồi trao tài sản, còn đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì hành vi gian dối diễn ra sau khi đã nhận được tài sản nhằm mục đích không trả lại tài sản cho nạn nhân.

Ngoài ra, nếu sự việc có một chuỗi hành vi, liên tục có những giao dịch giữa các chủ thể thành một chuỗi giao dịch thì việc định tội danh không chỉ phụ thuộc vào hành vi, yếu tố chiếm đoạt mà còn phụ thuộc vào việc xác định người bị hại là ai, ai yêu cầu xử lý. 

Theo diễn biến sự việc nêu trên, đối tượng trong vụ việc đã thuê xe ô tô rồi mang bán. Đối với giao dịch thuê xe ô tô là hợp pháp và giao dịch này chỉ có thể chuyển hóa thành quan hệ hình sự (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) nếu như có đơn thư tố cáo của nạn nhân là chủ chiếc xe ô tô.

Và cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đối tượng đã gian dối, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản.

Đối tượng vi phạm có thể bị đối mặt với án phạt tù

Theo luật sư Cường, nếu chứng minh được đối tượng thuê xe đã bỏ trốn nhằm chiếm đoạt chiếc xe đó có thể xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên để chứng minh yếu tố chiếm đoạt trong trường hợp này cũng không đơn giản.

Hành vi có thể là chiếm giữ trái phép tài sản hoặc sử dụng trái phép tài sản nếu như hết thời hạn thuê xe mà không trả lại xe, còn hành vi chiếm đoạt phải là hành vi chuyển quyền sở hữu bất hợp pháp. Bởi vậy, trong trường hợp chủ xe ô tô tố cáo cơ quan điều tra sẽ làm rõ người thuê xe đảo chiếm đoạt tài sản hay chưa, hành vi chiếm đoạt tài sản thể hiện như thế nào.

Chiếc xe đó không thể chuyển quyền sở hữu một cách hợp pháp được bởi đối tượng thuê xe không phải là người chủ sở hữu hoặc được chủ sở hữu ủy quyền bởi vậy quyền sở hữu không bị chuyển giao hợp pháp cho người khác. Hành vi cầm cố xe của người khác hoặc chuyển nhượng viết tay không có giấy tờ đều không được pháp luật công nhận.

Công an khởi tố vụ án liên quan đến "Tina Dương", người vi phạm có thể đối mặt với hình phạt nào? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

"Trong vụ việc này, tình tiết đáng chú ý là đối tượng đã làm giả đăng ký xe để bán cho người khác nhằm chiếm đoạt số tiền bán xe tài sản và tiền mặt. Trong giao dịch này yếu tố gian dối để chiếm đoạt tài sản là rất rõ ràng, chiếc xe không phải là tài sản của đối tượng này nhưng đối tượng đã gian dối bằng cách làm giả giấy tờ xe", luật sư Cường nêu.

Như vậy theo luật sư, hành vi trên thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, có thể bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.

Do giấy tờ giả nên thủ tục bán xe không hợp pháp, có yếu tố gian dối làm cho hợp đồng vô hiệu và tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chủ xe là bên cho thuê. Theo diễn biến của sự việc, chiếc xe này vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên cho thuê, chiếc xe đã bị thu hồi và trả lại cho chủ xe, bởi vậy chủ xe không bị chiếm đoạt tài sản.

Chủ xe chỉ bị thiệt hại là số tiền thuê xe kéo dài quá thời hạn hợp đồng vẫn chưa được trả. Trong vụ này người bị hại rõ ràng nhất là người mua xe và thiệt hại ở đây là số tiền của người mua xe đã bị chiếm đoạt. Hành vi không trả lại xe sau khi hết hạn hợp đồng chỉ là hành vi sử dụng trái phép tài sản, rất khó để chứng minh là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Nêu quan điểm về vụ việc, bạn đọc Nguyễn Thanh Hưng (ở TP.Phan Thiết) hiện đang sinh sống ở Hà Nội cho hay, việc làm giả giấy tờ xe để bán cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử lý về tội lừa đảo tiền chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 bộ luật hình sự 2015.

"Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trong quá trình điều tra vụ án để đảm bảo giải quyết vụ án công bằng, đúng pháp luật. Ngoài ra, tôi cũng mong rằng cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ, xử lý đúng người vi phạm", anh Thanh Hưng nói.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.Phan Thiết (Bình Thuận) đã làm thủ tục định giá tài sản ô tô BS 51H - 242.74 có giá trị trên 500 triệu đồng nên khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.

Ngay sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP.Phan Thiết sẽ bàn giao hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận điều tra theo thẩm quyền.

Theo thượng tá Nguyễn Ngọc Oanh - Phó trưởng Công an TP Phan Thiết, công an đang điều tra xác minh 2 nội dung công dân tố cáo bà Ninh Thị Vân Anh, 27 tuổi, ngụ Bắc Giang (hay còn gọi Tina Dương).

Vân Anh đã làm hợp đồng thuê một ô tô của một công ty tại Ninh Bình. Sau đó Vân Anh đưa xe này đi bán cho một đơn vị khác và việc giao xe diễn ra tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận) nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an TP. Phan Thiết. Hiện tại, cơ quan cảnh sát điều tra đang làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem