Công an vi phạm nồng độ cồn bị đơn vị xử lý thế nào?
Cán bộ Công an vi phạm nồng độ cồn, hình thức xử lý kỷ luật bổ sung thế nào?
Quang Trung
Thứ tư, ngày 18/10/2023 14:47 PM (GMT+7)
Bạn đọc đặt câu hỏi, theo quy định, ngoài việc bị xử phạt hành chính, những người vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, chiến sĩ công an có thể bị xử lý kỷ luật bổ sung thế nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), quy định trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.
Còn theo Điều 44 Luật Công an Nhân dân năm 2018 quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cán bộ công an bị xử phạt vi phạm hành chính về lỗi vi phạm lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy tính chất mức độ vi phạm còn sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật về mặt Đảng, xử lý kỷ luật theo quy định ngành công an.
Các hình thức kỷ luật có thể là phê bình; hạ bậc danh hiệu thi đua năm; không xét tặng danh hiệu thi đua năm; xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; khiển trách; cảnh cáo; giáng cấp bậc hàm, hạ bậc lương; cách chức, giáng chức; tước danh hiệu Công an nhân dân.
Như vậy, có 9 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ chiến sĩ công an vi phạm, thấp nhất là phê bình và cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân.
Cụ thể, theo luật sư Khuyên, tại điểm e, khoản 2, Điều 9 Thông tư 02/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định áp dụng hình thức xử lý đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh.
Theo đó, cán bộ, chiến sĩ bị xử lý bằng hình thức hạ một bậc danh hiệu thi đua năm khi vi phạm một trong các hành vi trong các nhóm hành vi "thực hiện không đúng các quy định về trật tự an toàn giao thông, can thiệp trái phép vào việc xử lý vi phạm, kéo dài thời hạn hoặc trì hoãn việc xử lý vi phạm điều lệnh".
Cụ thể hơn, tại điểm b, khoản 3 Điều 9 Thông tư 02/2021/TT-BCA của Bộ Công an nêu rõ, cán bộ, chiến sĩ bị xử lý bằng hình thức không xét tặng danh hiệu thi đua năm khi vi phạm một trong các hành vi: Uống rượu, bia và các chất có cồn trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực, giờ trực; vi phạm chế độ trực chỉ huy, trực ban, thường trực chiến đấu.
Như vậy, nếu cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị cơ quan chủ quản xử lý bằng hình thức hạ một bậc danh hiệu thi đua năm và còn có thể bị xử lý về mặt Đảng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.