Công bố về độ an toàn hải sản miền Trung: Chưa thể ăn cua, mực...

Tuấn Kiệt Thứ tư, ngày 21/09/2016 06:29 AM (GMT+7)
Ngày 20.9, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên ăn cá tầng đáy tại 4 tỉnh miền Trung sau khi tìm thấy 132 mẫu cá tầng đáy có phenol. Hầu hết người tiêu dùng đều cho rằng, kết luận vậy chẳng khác nào đánh đố người dân, vì không thể phân biệt được cá nào tầng đáy, cá nào tầng nổi.
Bình luận 0

Chỉ tìm thấy phenol trong hải sản

Đây là kết quả nghiên cứu đánh giá mức độ an toàn của hải sản 4 tỉnh miền Trung có cá chết hàng loạt do Bộ Y tế tiến hành. Nghiên cứu được triển khai trên quy mô lớn với 1.040 mẫu hải sản được lấy hàng ngày, ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt cá, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung. Các mẫu được kiểm nghiệm các chỉ tiêu xyanua, phenol, thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Dinh dưỡng – 2 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn  quốc tế về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

img

Hải sản tầng đáy bị chết được thợ lặn lấy lên từ rạn san hô đợt cao điểm cá chết do sự cố môi trường biển ở Quảng Bình. Ảnh:  Phan phương

Song song với việc lấy mẫu tại 4 tỉnh, Bộ Y tế cũng tiến hành lấy 300 mẫu hải sản tại 3 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu là các tỉnh không chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường để làm nhóm đối chứng, so sánh với hải sản miền Trung.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã gửi mẫu đi kiểm chứng tại các phòng kiểm nghiệm của Trường Đại học Osaka (Nhật Bản) và Trung tâm Các giải pháp của Singapore. Kết quả kiểm chứng tại các phòng kiểm nghiệm nước ngoài cho thấy sự đồng nhất về kết quả kiểm nghiệm hải sản với 2 Viện của Việt Nam.

img

Kết quả cụ thể: Tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm đối chứng đều không phát hiện mẫu nào có xyanua - chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt; Các chỉ số- thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt- trong hải sản đều nằm trong giới hạn cho phép; các kết quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn. 

Riêng đối với phenol, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi (cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi) tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có phenol. Tuy nhiên, đã tìm thấy phenol trong 132 mẫu hải sản sống ở tầng đáy biển của 4 tỉnh miền Trung bao gồm: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá. 132 mẫu này nằm trong vùng từ 5-25km (tương đương với khoảng từ 2,7-13,5 hải lý) với tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế.

Từ đó, Bộ Y tế khuyến nghị người dân không nên sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý.

Cần có nghiên cứu một cách toàn diện

Về khuyến cáo của Bộ Y tế, ngày 20.9, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh  (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm- ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, có một sự thông tin không rõ ràng và “quả bóng” ăn hay không ăn cá lại được đá về phía người dân. “Phenol không phải viên đá chìm dưới tầng đáy mà nó hòa tan trong nước. Biển Việt Nam cũng khá nông, cho nên ranh giới giữa tầng đáy và tầng nổi cũng không tuyệt đối. Người dân khó có thể phân biệt được đâu là cá tầng đáy, đâu là cá tầng nổi”– PGS Thịnh chia sẻ.

img

Theo PGS Thịnh, những con cá có phenol có thể đã nhiễm phenol từ lâu rồi hoặc ăn phải cá có phenol chết nên lại nhiễm phenol… Đây là vòng luẩn quẩn mà người dân cũng sẽ luẩn quẩn, hoang mang theo. “Với kết luận này của Bộ Y tế, người dân lại tùy ý lựa chọn theo mức độ tin tưởng của mình, sức khỏe của mình thì mình phải tự chịu trách nhiệm thôi” – PGS Thịnh hài hước.

PGS Thịnh cũng cho biết, phenol trong cá được nói tới là một chất độc có công thức C6H5OH. Chất này khác với các chất polyphenol - chất chống oxy hoá có lợi cho sức khoẻ được tìm thấy trong ca cao, dâu tây, táo, rượu vang đỏ, họ quả cam, quýt…. Phenol C6H5OH là hoá chất được dùng trong công nghiệp sản xuất nhựa, thuốc bảo vệ thực vật, dung môi sản xuất sơn, chất dẻo, nguyên liệu làm thuốc nhuộm, thuốc nổ… “Chất này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm nên hiện chưa có nước nào trên thế giới có quy định giới hạn hàm lượng của phenol có trong thực phẩm là đương nhiên” – PGS Thịnh cho biết.

Theo PGS Thịnh, phenol hòa tan trong nước, có trong đất, không khí nên thực phẩm cũng có thể nhiễm phenol với một hàm lượng nhất định. Do đó, nếu Bộ Y tế đã cho rằng cá có phenol không nên sử dụng thì cũng cần có nghiên cứu một cách quy mô, toàn diện hơn về việc phenol gây độc hại thế nào với sức khỏe con người, hàm lượng phenol có trong cá nói riêng và thực phẩm nói chung bao nhiêu thì gây độc, ăn bao nhiêu thì độc… “Khi đó các cảnh báo mới chính xác và không gây hoang mang cho dư luận hoặc gây thiệt hại cho người sản xuất” – PGS Thịnh chia sẻ.

Lấy dấu hiệu gì để biết hải sản nào tầng nổi, hải sản nào tầng đáy, thậm chí tôi đi chợ không thể biết con nào đánh bắt ở 4 tỉnh miền Trung. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn cá tầng đáy nhưng liệu chính quyền địa phương có đảm bảo không có con cá tầng đáy nào ở 4 tỉnh miền Trung đó bị “lọt” ra thị trường?”.

Bà Nguyễn Hải Yến (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem