Công đoàn vào cuộc, công nhân bớt khó khăn

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 24/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Trong khi dịch Covid -19 vẫn đang diễn ra, các chính sách hỗ trợ chưa mang lại kết quả như kỳ vọng, người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn... Thế nhưng, tại TP.Hải Phòng, bằng những giải pháp cụ thể, các tổ chức đoàn thể đã bước đầu tháo gỡ khó khăn cho lao động.
Bình luận 0

Lao động chịu tác động kép

Hôm 22/11, Viện Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) và Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức tọa đàm "Đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng đến người lao động tại khu công nghiệp Hải Phòng". Theo khảo sát của Viện Light trong công nhân các khu công nghiệp thuộc Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội và các khu công nghiệp phía Nam, đa phần công nhân, lao động đều bị giảm sâu thu nhập.

Công đoàn vào cuộc, công nhân bớt khó khăn  - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Vân trong căn nhà thuê trọ chật hẹp. Ảnh:Nguyệt Tạ

Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã thương lượng tập thể với các doanh nghiệp để hỗ trợ lao động về tiền lương trong đại dịch Covid-19, ngoài ra thương lượng với các chủ nhà về giảm tiền thuê trọ, giảm tiền điện nước cho công nhân. Nhờ vậy, thay vì nhận khoản trợ cấp 1,8 triệu đồng của Nhà nước, lao động mất việc giãn việc được nhận lương tối thiểu tới 4 triệu đồng/người.

Bà Nguyễn Hoàng Yến - cán bộ quản lý chương trình Viện Light cho biết, các kết quả nghiên cứu của mạng lưới lao động di cư (M.net) cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến người lao động di cư với 72% người di cư trong nghiên cứu cho biết đã bị giảm thu nhập từ 50% trở lên. Hầu hết các doanh nghiệp phải giãn việc, cho người lao động làm việc chỉ còn 3-4 ngày/tuần. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người lao động, do trước đây thu nhập có được là từ lương làm đủ 7 ngày/tuần, lương làm thêm ca, lương chuyên cần. Người lao động lại không nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng do không đủ điều kiện. "Từ khi có dịch, lao động phải chịu tác động kép. Tức là thu nhập giảm nhưng chi phí phát sinh, sinh hoạt phí lại cao hơn rất nhiều" - bà Yến nói.

Lý giải điều này, bà Yến cho biết, các nghiên cứu đều chỉ ra nguyên nhân là thời gian lao động đi làm ít, thời gian ở nhà nhiều nên chi phí cho ăn uống; điện nước; xe cộ đi lại... cũng nhiều hơn. Nhiều gia đình không có tích lũy, bị lạm phát, lương không đủ sinh hoạt.

Chị Nguyễn Thị Vân (Thái Bình) - công nhân Công ty Takahata, đang ở trọ tại xã Tân Tiến (An Dương, Hải Phòng) cho biết, từ khi có dịch Covid-19 cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây 2 vợ chồng làm tháng được 15-17 triệu đồng, giờ thì chỉ được khoảng 10-12 triệu đồng. "Gia đình tôi có 5 thành viên, ngoài 2 vợ chồng và 2 đứa con còn có cả bà nội lên trông cháu. 5 người ở trong căn phòng 20m2 quá chật chội nên vợ chồng phải thuê căn nhà nhỏ ở. Tiền thuê nhà cộng điện nước mỗi tháng mất 2,5 triệu đồng, tiền ăn học của 2 con cũng mất 2,5 triệu đồng nữa. Tính cả ăn uống, chi tiêu lặt vặt... mỗi tháng gia đình cũng hết ít nhất khoảng 13 triệu đồng. Khoản tiền tiết kiệm được trước đó giờ tiêu hết sạch" - chị Vân tâm sự.

Chính sách hỗ trợ cụ thể phát huy tác dụng

Mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các công ty, khu công nghiệp cũng đã dần phục hồi, nhưng đời sống của công nhân, lao động vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Báo cáo của Văn phòng Bộ LĐTBXH, triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, tới nay cả nước mới chỉ hỗ trợ cho hơn 12 triệu người với kinh phí là hơn 12.000 tỷ đồng. Tại Hải Phòng cũng mới chỉ chi được hơn 181 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 143.000 người. Số chi này quá ít so với dự đoán và số người thực tế cần được hỗ trợ. Đặc biệt, các gói hỗ trợ chưa thể tiếp cận được đại đa số lao động khó khăn, cần hỗ trợ nhất. Ông Nguyễn Hoài Đức - Trưởng phòng Tổng hợp Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi và bổ sung các nghị quyết, quyết định có liên quan để tháo gỡ các khó khăn nhằm triển khai chương trình.

Trong khi các chương trình hỗ trợ từ T.Ư đang "mắc" thì tại địa phương, công đoàn các cấp đã vào cuộc, hỗ trợ kịp thời. Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng cho biết: "Sau khi nắm bắt được có một bộ phận doanh nghiệp cố tình đẩy trách nhiệm hỗ trợ lao động sang cho Chính phủ thì chúng tôi đã tiến hành thương lượng tập thể. Ngoài ra chúng tôi cũng thương lượng với chủ nhà, với doanh nghiệp hỗ trợ tiền thuê trọ, giảm tiền thuê nhà, tiền điện nước cho lao động" - ông Quang chia sẻ.

Những hỗ trợ nhỏ, cụ thể xuất phát từ thực tế như vậy đã mang lại hiệu quả vô cùng to lớn. Thay vì nhận khoản trợ cấp 1,8 triệu của Chính phủ thì lao động khó khăn, bị mất việc, giãn việc lại được hưởng mức lương tối thiểu lên tới hơn 4 triệu đồng. Nhờ đó, họ có số tiền nhiều hơn để lo cho cuộc sống.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, địa phương cần có các biện pháp hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền học cho con em ở khu công nghiệp.

Ông Phạm Văn Căng - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương (Sở LĐTBXH Hải Phòng) cho biết: Hải Phòng có tới 145.000 công nhân, lao động làm trong các khu công nghiệp. Trong đó có 45.000 công nhân, lao động là người ngoại tỉnh. Số công nhân, lao động phải ở trọ là 23.673 người (chiếm hơn 16%). Nếu không có biện pháp hỗ trợ công nhân lao động ổn định công việc đảm bảo thu nhập thì điều này sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem